Nghệ thuật của mùi hương - Tạp chí Đẹp

Nghệ thuật của mùi hương

Xu Hướng Làm Đẹp

Từ số này, xin được giới thiệu series bài viết về thế giới mùi hương từ tác giả Thành Lukasz, cây bút quen thuộc của Câu chuyện Thời trang trước đây.

Hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng trong phòng trưng bày nghệ thuật và trước mặt là một tác phẩm hội họa hoặc điêu khắc – cảm xúc của bạn sẽ đến từ những gì trực quan nhất, một bài giới thiệu hay dẫn dụ có lẽ không mấy cần thiết lúc này. Và giờ, khi thay những thứ trực quan đó bằng một mùi hương bảng lảng sương khói, hãy thử vận dụng hết khả năng ngôn từ để diễn tả cảm nhận về mùi hương đó xem sao. Đoán chắc, lúc này vốn từ của chúng ta bỗng trở nên thật ít ỏi, nghèo nàn, khó có thể diễn tả hết các cảm nhận, sẽ chỉ là… “thơm”, “mát” hay “dễ chịu” (những từ mô tả mang ý nghĩa chung chung). Mùi hương không thể khơi gợi những liên tưởng nghệ thuật bay bổng? Hay chúng ta chưa được dạy khả năng cảm thụ nghệ thuật qua khứu giác? Hoặc do mặc định bấy lâu nay về giá trị thương mại duy nhất của nước hoa?

Nỗ lực thay đổi ngôn từ

Đối với Chandler Burr, nhà phê bình nghệ thuật chuyên nghiên cứu về nước hoa, thì nước hoa là tác phẩm nghệ thuật đích thực hiển nhiên, không cần giải thích. Là nhà giám tuyển nghệ thuật khứu giác đầu tiên trên thế giới, ông đồng thời là người tổ chức buổi triển lãm “The Art of Scents (Nghệ thuật mùi hương): 1889 – 2010” lần thứ nhất (từ 20/11/2012 đến 24/2/2013) tại Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế (Museum of Arts and Design – MAD) của New York. Bên cạnh việc tổ chức triển lãm, MAD còn lập hẳn một ban về nghệ thuật khứu giác (Olfactory Art) với các hoạt động mang tính chất lâu dài nhằm nâng tầm công việc pha chế nước hoa lên thành bộ môn nghệ thuật ngang hàng với hội họa, điêu khắc, kiến trúc hay âm nhạc.

Chandler Burr – nhà giám tuyển nghệ thuật khứu giác đầu tiên trên thế giới

Với mục đích tập trung duy nhất vào mùi hương, tại buổi triển lãm, mọi ấn tượng thị giác đều được loại bỏ tối đa. 12 mùi nước hoa được “trưng bày” không có chai, bao bì và các yếu tố marketing, giới thiệu lịch sử và các trường phái của nghệ thuật nước hoa từ năm 1889 đến 2010. Muốn thưởng thức mùi hương, “người xem” chỉ việc ghé mũi lại gần từng chiếc máy, và tinh dầu nguyên chất (không pha loãng trong cồn) sẽ được phun vào không khí trong bốn giây, nhằm đảm bảo độ tinh khiết, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ mùi hương nào khác.

 

11 mẫu nước hoa nổi tiếng đi kèm với các cuốn catalogue giới hạn của buổi triển lãm 

Với nhiều người, buổi triển lãm đơn thuần là cơ hội để mọi người có dịp tiếp xúc với các loại nước hoa khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi, điều mà Chandler Burr muốn gửi gắm thông qua buổi triển lãm này là những nỗ lực thay đổi cách suy nghĩ của công chúng về nước hoa, mà quan trọng nhất là ở khía cạnh ngôn ngữ. Một bộ môn nghệ thuật mới chính thức được đặt tên, lịch sử nước hoa cũng có các trào lưu gắn liền với những thay đổi xã hội và nghệ thuật trên thế giới. Và dĩ nhiên, nếu đã là nghệ thuật, thì các nhà pha chế nước hoa sẽ là những “nghệ sỹ khứu giác” tài hoa – cái tên của họ còn quan trọng hơn mọi giá trị thương hiệu mang tính thương mại.

Toàn cảnh buổi triển lãm “The Art of Scents”

Những từ ngữ ngắn gọn mô tả đặc trưng của từng loại nước hoa được hiển thị trên tường

Sàn nhà với thông điệp của buổi triển lãm

Tự nhiên hay nhân tạo?

Mùi hương tự nhiên vẫn luôn được nhiều người coi là yếu tố chứng tỏ giá trị đích thực của nước hoa, nhưng theo Chandler Burr, dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của nước hoa lại nằm ở các hương liệu nhân tạo. Với sự ra đời của các chất liệu nhân tạo, công việc sáng tạo nước hoa không còn bị giới hạn bởi tự nhiên.

 

Thực tế, Fougère Royale do Paul Parquet pha chế vào năm 1882 là loại nước hoa đầu tiên sử dụng hương liệu coumarin chiết xuất từ than (chất này trong tự nhiên có ở đậu tonka). Nhưng Chandler Burr thì lại cho rằng Jicky (do Aimé Guerlain pha chế ra vào năm 1889) mới xứng đáng là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, với thành phần chứa hai hương liệu nhân tạo, coumarin và vanillin. Xếp Jicky vào dòng Cổ điển Hiện đại (Neoclassicism)/ Lãng mạn (Romanticism), nhà giám tuyển có lẽ nhấn mạnh đến tính giao thời giữa hai thế kỷ của nó. Đây là loại nước hoa có chi tiết, kỹ thuật, cấu trúc cổ điển đặc trưng cho nước hoa Pháp, đồng thời là mùi hương nồng nàn quyến rũ thể xác, khác hẳn các loại nước hoa “đứng đắn” đương thời và hơn nữa, mùi hương của nó hoàn toàn không tồn tại trong thiên nhiên.

Chanel No5 (do Ernest Beaux sáng chế vào năm 1921), thậm chí còn được Chandler Burr tôn vinh là tác phẩm nghệ thuật hiện đại đầu tiên. Cũng như các công trình kiến trúc thuộc giai đoạn hiện đại (giữ nguyên kiến trúc khung thép bên trong, chỉ thay đổi tường kính bao ngoài), tuyệt phẩm của Earnst Beaux phủ lên cấu trúc dòng nước hoa truyền thống (gồm tinh dầu vanilla, hoa nhài và hoa ylang-ylang) một chất liệu mới có tên aldehyde – hóa chất tổng hợp gần như không mùi, để tạo ra mùi hương phấn ngọt.

Ngoài các dòng nước hoa kể trên, còn có thể kể đến Angel (Thierry Mugler) của Olivier Cresp được xếp vào hàng Siêu thực (có lẽ bởi mùi hương sô cô la đắng khét siêu mạnh vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí); L’Eau d’Issey (Issey Miyake) của Jacques Cavallier gắn với trào lưu Tối giản (Minimalism), hay Osmanthe Yunnan (Hermès) của Jean-Claude Ellena  thuộc trào lưu Ánh sáng (Luminism). Hay như loại nước hoa gần đây nhất, Untitled do Daniela Andrier pha chế cho Maison Martin Margiela được liệt vào dạng Post – Brutalism (tạm dịch là Hậu tàn bạo) – liên hệ tới xu hướng kiến trúc thập kỷ 1950-1970 với mùi hương xanh dịu nhẹ của cây cỏ (hơi khác với ý kiến “hương xanh áp đảo” của Chandler Burr), thoang thoảng mùi hương đốt trong nhà thờ châu Âu. Tất cả đều đẹp, thơm và khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, liệu nghệ thuật khứu giác cứ phải là những mùi hương dễ chịu và có khả năng ứng dụng như các thiết kế mỹ thuật công nghiệp?

Một vài mùi hương có mặt trong buổi triển lãm: Jicky, Drakkar Noir, Angel, Aromatics Elixir, Light Blue, và Osmanthe Yunnan

Nói đến đây, cũng cần phải nhắc đến một tác phẩm đi ngược lại những quy tắc cơ bản của việc sản xuất và kinh doanh nước hoa. Velviona, loại nước hoa huyền thoại đã không còn tồn tại trên thị trường của Helmut Lang từ năm 2001, đơn chất với thành phần 100% phân tử nhân tạo có tên là velvione. Khi được dùng, nó không toát lên bất cứ mùi hương cụ thể nào, trừ “mùi của da dẻ” dịu nhẹ. Người ta gọi các loại nước hoa gần như không mùi này là “khái niệm về nước hoa”. Tuy khước từ việc sở hữu mùi hương riêng nhưng chúng khiến ta nhận thấy rõ ràng hơn mối tương tác giữa cơ thể và nước hoa, sự hòa quyện làm toát lên một mùi hương riêng biệt, cho dù nước hoa là sản phẩm đại trà giống hệt nhau.

Thế mới biết, tự nhiên hay nhân tạo, mùi của da dẻ hay của những vật liệu – dù thế nào đi nữa, mỗi tác phẩm nước hoa vẫn tìm được chỗ đứng riêng của nó – bởi đơn giản, chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật tinh tế và rất nồng nàn.

Bài: Thành Lukasz


Thực hiện: depweb

30/01/2013, 14:10