Nhà hát lớn Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Đây là chủ trương lớn, thiết thực của ngành văn hóa với sân khấu nước nhà trong giai đoạn hiện nay, không chỉ “giải cứu” sân khấu nước nhà đang loay hoay trong khủng hoảng mà còn thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chất lượng của công chúng Thủ đô và du khách quốc tế.
Biểu diễn thường xuyên
Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 22/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Đăng Chương khẳng định chương trình đưa các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn bắt đầu triển khai cuối tháng 8/2016 nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng các tác phẩm chất lượng cao. Quan trọng hơn cả là Bộ t ạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô Hà Nội.
Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương cũng khẳng định các tác phẩm, chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn không chỉ dành riêng cho các loại hình hàn lâm như giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch mà còn dành cho tất cả các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… Điều này tạo động lực lớn giúp các nghệ sỹ, nhà hát sáng tạo nghệ thuật, chăm chút nâng cao chất lượng tác phẩm để công chúng được thưởng thức các tác phẩm chất lượng cao.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sắp xếp xong lịch biểu diễn đến hết năm 2016. Từ năm 2017, Ban tổ chức sẽ sắp xếp để có lịch diễn thường xuyên, cố định vào những ngày cuối tuần trong tháng, trong năm để khán giả lựa chọn… Với chương trình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu để khán giả trong nước và quốc tế thường xuyên đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao, thăm quan di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi.
Bộ cũng đã có kế hoạch cùng phối hợp với công ty lữ hành, các doanh nghiệp đưa nội dung biểu diễn nghệ thuật vào các tour du lịch. Từ đó, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là một địa chỉ giới thiệu những chương trình biểu diễn chất lượng, loại hình nghệ thuật tinh hoa nhất của Việt Nam với khách quốc tế.
3 chương trình đầu tiên biểu diễn ở Nhà hát Lớn cũng là các chương trình chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước ta. Mở màn là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với chương trình giao hưởng đặc biệt vào ngày 30/8. Tiếp đó là Nhà hát Kịch Việt Nam với vở diễn nổi tiếng “Biệt đội báo đen,” diễn ra tối 31/8. Tối 1/9, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ biểu diễn âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực của Việt Nam.
Bước đi chiến lược
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nêu rõ Nhà hát Lớn là một di sản văn hóa, vì vậy những người làm văn hóa phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Nhà hát. Chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn cho các đơn vị nghệ thuật vào biểu diễn chính là góp phần nâng tầm Nhà hát Lớn, đặt Nhà hát đúng vào vị trí, chức năng là tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, là nơi công chúng thưởng thức những tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao. Quyết định mở rộng cửa Nhà hát Lớn là một chủ trương đúng về văn hóa nghệ thuật, thắp sáng khát vọng sáng tạo của những người làm nghệ thuật.
Ông Nguyễn Đăng Chương cũng khẳng định cơ hội được biểu diễn ở Nhà hát Lớn là mở rộng cho tất cả các nhà hát trong toàn quốc, không phân biệt nhà hát công lập hay xã hội hóa, miễn là nhà hát có tác phẩm chất lượng cao. Hiện nay, theo khảo sát của Bộ, cả nước có 130 đơn vị nghệ thuật công lập nên ngân hàng tác phẩm hiện nay rất phong phú, đa dạng với nhiều tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đích thân duyệt 3 chương trình mở màn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Nhà hát lớn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa chứ không dùng kinh phí nhà nước trong năm nay cũng như những năm tiếp theo. Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là đơn vị trực tiếp thực hiện khâu phát hành vé, còn các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chỉ chuyên tâm sáng tạo nghệ thuật, tạo ra tác phẩm chất lượng tốt nhất để biểu diễn tại Nhà hát. Như vậy là lần đầu tiên các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chỉ phải lo đảm nhiệm một khâu duy nhất là dàn dựng, biểu diễn tác phẩm chất lượng tốt nhất chứ không phải lo tới các khâu tiếp thị, quảng bá, đưa tác phẩm đến với công chúng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái, một chuyên gia nghiên cứu sân khấu khẳng định: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có bước đi chiến lược đầu tiên nhằm tạo cơ sở cho sự phát triển văn hóa. Chủ trương đưa các chương trình nghệ thuật, tác phẩm chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn góp phần “giải cứu” sân khấu đang trong bờ vực của sự phá sản. Các nhà hát đã có chỗ biểu diễn xứng đáng dành cho những tác phẩm chất lượng cao thực sự. Công chúng, những người yêu mến nghệ thuật thực thụ là người được hưởng lợi nhiều từ chương trình này, họ được xem tác phẩm chất lượng tốt ở Nhà hát Lớn – một thánh đường thực thụ của sân khấu.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thành lập một hội đồng nghệ thuật thực sự công minh, “không vướng tục lụy” tham gia thẩm định chất lượng các tác phẩm, chương trình nghệ thuật sẽ biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Có như vậy Hội đồng mới đánh giá công tâm, khách quan, dành cơ hội cho các tác phẩm, chương trình nghệ thuật chất lượng cao đích thực. Bà cũng nêu rõ: Bộ cũng cần đưa vào chương trình biểu diễn các tác phẩm chất lượng cao của các nhà hát thuộc lực lượng quân đội và công an. Bởi lẽ, lực lượng này luôn có những vở diễn chất lượng cao liên quan đến vấn đề dân sinh, những vấn đề đặt ra cho sự phát triển của xã hội…
Theo Thanh Giang (VietnamPlus)