Loạt ký sự “Người nuôi chó” nhiều kỳ của tác giả Hoàng Hải Vân trên báo Thanh niên rất hay, nhưng chị nhớ nhất bài viết nhắc tới giá trị đôi bàn tay của con người. Hoàng Hải Vân kể ông đã đọc rất nhiều những gì người ta viết về đôi bàn tay, từ sự rối rắm của thuật tướng pháp cho đến những khảo nghiệm rạch rõ của khoa học…, và rằng sự kỳ thú của bàn tay cũng vô tận như sự kỳ thú của vũ trụ. Ông kể: “Tôi từng biết một cô gái chỉ vì yêu đôi bàn tay của một chàng trai nên đã cưới ‘toàn thể’ chàng trai đó làm chồng, cô gái chẳng thể giải thích được vì sao đôi bàn tay kia đáng yêu đến vậy. Khoa nhân tướng học và các khoa học liên ngành khác chắc cũng không giải thích được. Nhiều cặp vợ chồng hoặc đôi tình nhân đã cũ mèm đối với nhau, bỗng một hôm tay trong tay và đất trời đổi khác, khoa học có giải thích được sự kỳ diệu đó không?”.
Khoa học chưa giải thích được điều diệu ảo đó nhưng nhà thơ Bùi Chí Vinh với bài thơ “Bàn tay” hẳn làm ta lý thú chia sẻ: “Khi tay em trong tay anh/ Kẻ nào dị nghị sẽ thành người dưng/ Mắc mớ gì phải quan tâm/ Miễn sao ta nắm không lầm tay ai/ Tay mà đút túi rất gầy/ Có đôi, chắc chắn bàn tay hồng hào/ Tội gì không áp vào nhau/ Đợi cho sợi tóc bạc đầu thì buông…”
Trở lại câu chuyện bàn tay của tác giả ký sự “Người nuôi chó”. Hoàng Hải Vân viết có lần hai trong số những con chó nhà ông bỏ ăn, ông hơi lo lắng dù chuyện những con chó thỉnh thoảng bỏ ăn cũng bình thường. Sau khi cho thức ăn ngon nhưng hai bạn chó chỉ ngửi ngửi rồi đi nằm, ông dùng hai tay trộn thức ăn, cẩn thận bóp chúng tơi ra, lòng chỉ có một mong muốn làm sao cho hai bạn chó ăn được. Thật bất ngờ chúng ăn hết sạch. Bữa ăn sau, ông dùng muỗng trộn thức ăn thì chúng lại không ăn; chỉ khi ông trộn bằng tay với lòng mong muốn như hôm trước thì chúng lại ăn hết. Điều gì đã diễn ra vậy? Ông tự hỏi và mơ hồ lòng yêu thương đã truyền qua lòng bàn tay, biến thành “những chất bí ẩn gì đó” thấm vào thức ăn, khiến những con chó nhà ông cảm nhận được mùi vị ngon lành của nó. Rồi ông đi xa hơn với một đề nghị dễ thương, rằng con người hãy thử bằng đôi tay trần làm món ăn với tất cả lòng yêu thương, để thấy điều kỳ diệu diễn ra trên mặt của những người thân yêu trong bữa cơm sau đó. Ông viết “Bạn hãy tin tôi đi, nếu điều kỳ diệu đó không diễn ra thì chắc chắn là do bạn nấu ăn không toàn tâm toàn ý. Hạnh phúc không nằm ở chốn xa xôi hay trong thiên kinh vạn quyển, hạnh phúc thường nằm ngay trong những bữa cơm chiều”.
Diễn luận sự ấm áp chứa đựng trong bàn tay của tác giả Hoàng Hải Vân khiến chị nhớ câu chuyện con gái kể về cô bạn Tây đang học đại học mỹ thuật công nghiệp. Một lần, nhận bài tập có đề tài giải stress cho người trầm cảm, cô bạn đưa ra ý tưởng thiết kế một loại găng mà mỗi khi đeo vào ta như cảm thấy có bàn tay ai đó đang nắm chặt tay ta an ủi, động viên, nâng đỡ… Đây chỉ là ý tưởng nhỏ trong vô miên bài tập của sinh viên, nhưng nó – dù bất khả thi – gợi ra vô miên cảm xúc bồi hồi. Lâu nay nói đến tình yêu người ta hay đề cập đến trái tim, nhưng hình như chính bàn tay, cùng với ánh mắt, mới là chỉ dấu ngôn ngữ đầu tiên định tính tình yêu: tay khẽ nắm, tay vén tóc, tay lau nước mắt… Đề án của bạn con thực ra chỉ để… vui, nhưng ký thác cho bàn tay sứ mệnh yêu thương, nhà thiết kế mỹ thuật tương lai hẳn đã hơn một lần trải nghiệm…
Mỗi khi có dịp quan sát những gia đình chắp nối, chị hay nhìn ngắm những đứa con riêng của bên này/bên nọ; đúng hơn nhìn thái độ của đứa trẻ với người phối ngẫu của cha/mẹ nó, bởi chính đứa trẻ với bản năng hồn nhiên sẽ cho thấy tình yêu đó có bền vững hay không. Về cuộc hôn nhân thứ hai viên mãn của mình, diễn viên Kim Hiền kể, chị không áp đặt bé Sonic yêu mến bạn trai của mẹ, mà “Chờ đợi đến khi nào bàn tay Sonic nắm lấy bàn tay người đó thì tôi mới biết con trai mình đã chấp nhận hay chưa. Và Sonic đã nắm rồi. Cụ thể, trong một lần đi chơi, Sonic chen vào giữa chúng tôi và nắm tay cả hai”. Người phụ nữ trẻ nói khi đó chị rất vui, nhận ra không chỉ hạnh phúc của tình yêu mà còn là hạnh phúc của gia đình. Những đứa trẻ quá nhỏ để biết bàn tay có thể đem lại cho nhân loại những điều tuyệt diệu, nhưng người lớn thì biết. Bất kỳ người lớn nào cũng có đôi lần nhận/cho những cái nắm tay sinh tử – có khi chỉ qua sóng vô tuyến – để thấy bàn tay có ngôn ngữ yêu thương mãnh liệt đến dường nào…
Nhưng bàn tay không chỉ nói tiếng yêu thương. Là vị vua lừng lẫy chinh Đông phạt Tây của đế chế Macedonia giàu có, Alexander Đại đế còn được thế gian nhớ đến vì những lời trăn trối. Chuyện kể rằng trong cuộc khải hoàn quy hương sau cuối, Alexander ngã bệnh nặng. Trước khi tắt thở ông gọi thuộc hạ đến để trối ba điều ước, trong đó điều thứ ba dặn hãy đặt hai bàn tay ông ra ngoài cỗ quan tài. Hỏi vì sao kỳ quái, Alexander giải thích ông muốn người đời hiểu rằng ông đến thế gian với hai bàn tay trắng và sẽ rời đi cũng với hai bàn tay trắng…
Bài: Việt Linh