Trái với vẻ ảm đạm của 2012, ngành nghệ thuật-giải trí Việt Nam năm qua sôi động với đầy đủ màu sắc và phân tầng rõ rệt. Xin điểm qua 4 cái bắt tay tiêu biểu cho các lĩnh vực khác nhau, để tổng hợp một cái nhìn đầy hy vọng vào những gì đã và sẽ diễn ra.
Bài cùng chủ đề:
– Đường xa, Mây trắng lại bay về
– Nhạc sĩ Nguyên Lê: “Trong âm nhạc tôi “lai” giữa truyền thống và hiện đại
– Nghệ sĩ xiếc Tuấn Lê: “Tôi cần phải biết gốc gác của mình!”
– NTK Nguyễn Công Trí: “Tôi cân bằng hơn”
Chính đứa trẻ ấy đã nuôi những giấc mơ đầu đời để trở thành một nghệ sỹ múa và sau này thành danh cùng xiếc với cái tên Tuấn Lê. 13 tuổi sang Đức để chữa bệnh cho cha và quyết tâm theo nghề xiếc, Tuấn Lê đã trả hết cả tuổi thơ để nuôi giấc mộng không phải chinh phục, mà là để tồn tại được với cuộc đời. Và cuộc đời đã gọi tên anh. 23 tuổi, sau một loạt thành công trong sự nghiệp, Tuấn Lê đã có vở diễn đầu tiên tự dàn dựng mang tên “Klang Kroper” với nhiều nghệ sỹ tên tuổi thế giới tham gia. Anh là người Việt đầu tiên được mời tham gia vào đoàn xiếc danh tiếng Cirque de Soleil, là nghệ sỹ Châu Á đầu tiên nhận giải Nghệ sỹ xiếc tung hứng xuất sắc nhất thế giới của Hiệp hội tung hứng thế giới (IJA)… Hiện Tuấn Lê đã về nước và sống tại Việt Nam. Một loạt chương trình xiếc mới anh đã làm cùng nghệ sỹ Nhất Lý như “Làng tôi”, “À Ố Show” đã mở ra một hướng đi mới cho loại hình kén khách này ở Việt Nam.
Và cả hai người họ sẽ không dừng lại ở đó.
Cuộc đời như quả bóng lăn
– Sinh ra trong một gia đình 3 đời làm nghệ thuật. Ba anh là nghệ sỹ kèn trumpet khá nổi tiếng, mẹ là nghệ sỹ kịch nói, anh có loay hoay với loại hình nghệ thuật nào trước khi đến với xiếc?
– Lúc 5 tuổi tôi học múa ba lê với thầy Nguyễn Văn Lai, sau đó thì thử môn thể dục dụng cụ trước khi đến với xiếc. Thể dục dụng cụ đúng ra là môn mà người anh thứ muốn hướng tôi vào. Anh ấy là sinh viên trường xiếc, tốt nghiệp khóa 1985 và là lứa sinh viên đầu tiên được cử sang Liên Xô học. Sau đó anh ấy thấy tôi có năng khiếu về xiếc nên quyết định để tôi theo môn này và đó cũng là người thầy đầu tiên của tôi.
– Theo tôi được biết mẹ anh mất từ nhỏ, ba anh thì bị tai biến, lúc đó kinh tế gia đình phụ thuộc vào tài tung bóng kiếm sống của anh và chính tài tung bóng ấy sau này đã “tung” anh trở thành một ngôi sao xiếc tầm thế giới. Giờ nhìn lại quá trình của anh, thấy quả bóng ấy giống như một hình tượng, anh có thấy cuộc đời của mình giống như quả bóng lăn?
– Chính xác là vậy. Nhưng thật ra lúc còn bé tôi không nặng nề về vấn đề hoàn cảnh gia đình khó khăn đâu. Mặc dù mẹ mất, ba thì tai biến, anh trai lớn lại đang du học, ở nhà chỉ còn người anh thứ nhưng không bao giờ tôi phải suy nghĩ việc một mình tôi kiếm tiền nuôi gia đình, dù hoàn cảnh lúc đó đúng là rất khó khăn. Lúc ấy tôi chỉ thấy mình cực kỳ đam mê với quả bóng và chính nó đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi. Chính nó đã gột nên hình hài tôi. Nhưng quả bóng có lúc lăn theo định hướng và cũng có lúc tự thân. Quả bóng cuộc đời tôi lăn qua nhiều môi trường khác nhau, từ Việt Nam cho đến Châu Âu hay Châu Mỹ. Trên hành trình đó, tôi may mắn được gặp những người bạn làm trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là gia tài quý giá nhất của cuộc đời tôi và nó đã giúp tôi lăn đúng hướng.
– Người ta hay bảo thế hệ 7X là một thế hệ loay hoay và sự hội nhập là rất chậm. Có vẻ anh không như vậy?
– Thực ra đối với tôi, khi thức dậy vào một buổi sáng nào đó ở Tp.HCM, New York hay bất cứ nơi nào trên thế giới thì tôi luôn biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Tôi hội nhập rất nhanh. Ví dụ như khi về Việt Nam để xây dựng một kiểu nghệ thuật của riêng mình bởi tôi nhìn thấy đó là tiềm năng rất lớn, tất nhiên lúc này tôi không phải là một người từ Berlin hay ở Châu Âu về để làm việc này, tôi đơn giản là người ở đây, một cư dân đúng nghĩa của nơi này.
– 29 tuổi, anh đã được diễn ở một đoàn xiếc lớn, Cirque du Soleill, đó có phải là những thời khắc đẹp nhất trong cuộc đời của anh?
– Khi Soleill đề nghị hợp tác, thì với tôi đó là một giấc mơ. Thật ra họ để ý tôi đến 10 năm trước khi chính thức đưa ra lời mời. Quan sát, để ý tôi từ những gala nhỏ cho đến khi dự án ở Broadway bắt đầu thì họ đặt ngay vấn đề. Với thương hiệu xiếc này, với bất cứ ai họ cũng làm thế để tìm được cho mình những diễn viên tốt nhất theo ý họ và điều đó đảm bảo cho danh tiếng của họ. Tôi tự hào được làm việc cho họ, nhưng đến giờ, sau 2 năm, thì tôi nghĩ đến thời điểm phải chọn cái gì là quan trọng hơn – với mình, bởi tôi không thể đứng trên sân khấu mãi được. Lúc này mục tiêu thuở nhỏ của tôi đã tương đối được hoàn thành, đã trả lời được cho những cái mình muốn làm. Tôi nghĩ cuộc đời mình vẫn còn rất nhiều thời khắc đẹp khác.
Nhất Lý là người nuôi nhiều giấc mơ
– Qua “Làng tôi” và “À Ố show” thấy rõ sự kết hợp ăn ý của anh và nghệ sĩ Nhất Lý. Vậy hai người gặp nhau từ lúc nào?
Lần đầu tiên tôi gặp anh Lý là ở chung cư của đoàn ca múa nhạc Bông Sen, lúc đó tôi khoảng 6 tuổi và anh Nhất Lý đã hơn 20, đang là học trò của ba tôi. Anh Lý là diễn viên xiếc ở Hà Nội, nhưng sau đó chuyển qua học nhạc. Bà ngoại tôi thương anh Lý lắm, như con trai trong nhà vậy. Khi anh qua Pháp vào giữa thập niên 1980, mối quan hệ cũng bị ngắt quãng. Phải mãi đến năm 1999 nhân dịp tôi lưu diễn ở Pháp anh em mới nối lại được liên lạc với nhau.
Gặp lại, lập tức hai anh em đã nuôi ý định làm cái gì đó về Việt Nam, nhưng phải mãi sau này mới thực hiện được. Ở khoảng giữa là những dự án khác. Lúc thì tôi kéo nguyên ê kíp sang Pháp cùng anh Lý thu đĩa nhạc, lúc lại mời anh sang Berlin cũng để làm nhạc. Chúng tôi rất hợp nhau dù tuổi tác khá chênh lệch. Sau đó, năm 2002, chúng tôi về Việt Nam biểu diễn và đến trường xiếc đặt vấn đề xây dựng một chương trình xiếc kiểu mới. Đó là những viên gạch đầu tiên của “Làng tôi”. Đối với bọn tôi bây giờ, công việc gần như không cần phải bàn vì ai cũng biết việc của mình.
Nghệ sĩ Nhất Lý (trái) và nghệ sĩ Tuấn Lê cùng tạo nên các dự án gây tiếng vang: “Làng tôi”, “À ố show”
– Nhưng giữa hai anh có sự cách biệt về tuổi tác khá lớn, điều đó sẽ tạo nên quan điểm nghệ thuật không giống nhau. Khi hợp tác chung thì sự khác biệt đó bổ sung cho nhau như thế nào?
– Điều này thì có. Trong quan hệ nghệ thuật luôn có sự va chạm cần thiết và mỗi lần như vậy mới lộ ra những điều mình còn thiếu. Chúng tôi “móc ruột” ra để làm việc chứ không làm việc chỉ vì cho nó đẹp, cho nó hay mà lại không có thực. Chúng tôi ai cũng có điểm yếu nhưng cả hai đều hiểu, thay vì nhấn nhau xuống thì chúng tôi nhìn vào ưu điểm để nâng nhau lên. Đó cũng là quan điểm nghệ thuật giữa chúng tôi, không quyết tâm điều chỉnh cái không thể có mà là làm tốt nhất những gì đang có.
Tôi có thể khẳng định điều mà anh Lý tâm đắc nhất chính là âm nhạc. Đó là hơi thở của anh ấy. Khi anh Lý quyết định về Việt Nam, nhìn vào những dự án nhỏ nhất đến lớn nhất anh làm, sẽ thấy anh ấy tâm huyết với âm nhạc dân gian Việt Nam thế nào. Có thể thấy điều này ở “Gió bình minh” (làm cùng Đỗ Bảo), “Làng tôi”, “À Ố Show”… Anh Lý có phương pháp làm việc với âm nhạc rất đặc biệt. Ví dụ như “À Ố show”, anh ấy không viết tổng phổ trước mà tập hợp các nghệ sĩ múa lại, làm việc với họ để biết rõ họ sẽ diễn như thế nào, sau đó anh mới chọn lọc những gì tinh tế nhất, hoặc cái hay nhất của từng nghệ sỹ để từ đó viết lên không gian âm nhạc cần có. Trong khi thông thường ở xiếc, âm nhạc là thứ phải có đầu tiên.
Anh Lý là người nuôi nhiều giấc mơ. Tôi biết anh ấy vẫn còn một giấc mơ chưa thành hiện thực, đó là xây dựng một dàn nhạc Phương Đông.
Giá trị bản thân – khoản đầu tư kéo dài cả cuộc đời
– Vậy về Việt Nam xây dựng một loại hình nghệ thuật xiếc mới có phải là giấc mơ anh đeo đuổi từ lâu?
– Đúng, đó là một giấc mơ của tôi từ khá lâu nhưng nó mang trong mình vai trò nặng nề hơn và cũng quan trọng hơn. Khi trở lại Việt Nam, tôi nhìn thấy một tiềm năng lớn – chính là chất liệu độc đáo kiểu Việt. Chính người Việt Nam lại không thấy điều đó, từ văn hóa, từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trước năm 2009, Việt Nam làm xiếc gì? Giống như Tây Âu, giống như kiểu Nga ngày xưa. Thời những năm 1980, xiếc Việt thừa hưởng ngay cốt cách kiểu Nga, gần hơn nữa thì giống với Trung Quốc. Khi vở “Làng tôi” đã diễn hơn 300 buổi trên thế giới, thì hôm nay rất nhiều nước đang lục đục đi theo hướng làm những chương trình nghệ thuật, kể cả xiếc nữa, với hình tượng cây tre.
– Anh vốn là một thị dân, sinh ra và lớn lên ở chốn đô thành, nhưng chất liệu trong các tác phẩm của anh lại khá dân dã…
– Đơn giản thôi, bởi tôi cần phải biết gốc gác của mình là ai, nếu không biết thì phải tìm. Khi có cảm giác mình bị thiếu cái gì đó, tôi bắt đầu tìm hiểu lại mình. Lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 2002 tôi đã tìm thấy ngay câu trả lời: làng quê Việt Nam.
– Hầu như những ai đi xa quê hương lúc về đều nói nhớ nhất lũy tre làng, con trâu, nhà tranh… Và khi tôi đọc được trên báo Pháp viết về sự thành công của vở xiếc “Làng tôi”, tôi đã nghĩ chất liệu dân gian là cái cách bọn anh dùng để câu khách thôi. Anh nghĩ sao?
– Thật ra với các tác phẩm “Làng tôi” hay “À Ố Show”, các chất liệu đều là phương tiện để mình làm việc và chia sẻ những góc nhìn về vấn đề nghệ thuật, con người, xã hội… Đối với tôi, tư tưởng nghệ thuật được gửi gắm trong hai tác phẩm này là phải cho người ta một sự tái sinh, giống như bạn đang đi vào một giấc mơ. Đất nước và con người Việt Nam rất đẹp – ai cũng nói điều này, ai cũng hiểu điều này nhưng không phải ai cũng biết trân trọng giá trị đó. Những người trẻ ngày hôm nay cập nhật rất nhanh mọi thứ họ cần, điều đó là rất tốt nhưng ở chừng mực nào đó họ cần phải có thời gian để quay lại gốc gác, quay lại cái cốt lõi của mình.
– Anh có phải là một người mơ mộng?
– Không, tôi mà mơ mộng thì đã không xây dựng dự án nghệ thuật ở đây.
– Là một người có rất nhiều ý tưởng và có chuyên môn cao, chỉ cần hai điều kiện đó thôi – anh có thể hoạt động tốt ở nước ngoài. Anh chọn quay về Việt Nam với thị phần công chúng ngày càng “khó chiều”, đó không phải mơ mộng thì còn gì?
– Có thể là tôi đi tiên phong, nhưng tôi thấy mình sẽ không phải người cuối cùng. Ngày hôm nay tôi trở về Việt Nam để tìm kiếm những con người có tiềm năng. Nói thẳng ra, đầu tiên là vì mình muốn quay về quê hương của mình, thứ hai là tìm thấy cơ hội trong các tiềm năng, thứ ba là từ đó sẽ hướng những công việc ở đây đi ra thị trường nước ngoài.
Tôi muốn mình và ê kíp có thể chủ động xây dựng các chương trình nghệ thuật có sức nặng, có tiếng vang ở Việt Nam và sau đó sẽ đi diễn ở nhiều nước, tất nhiên không phải là tư cách đi giao lưu văn hóa mà là đi kiếm tiền. Đối với tôi, đó mới chính là sự hội nhập với thế giới. Hội nhập không phải chỉ là việc mình đi du lịch ra nước ngoài mà mình phải chủ động sản xuất, chủ động khai thác.
– “Tìm kiếm những con người có tiềm năng” giống như đang đi shopping hàng hiệu vậy. Liệu anh có đủ tiền không?
– Điều này phụ thuộc vào việc xây dựng hệ thống cho guồng máy chạy. Trong hệ thống này phải có một ê kíp xây dựng chương trình nghệ thuật, ê kíp đầu tư và quan trọng nhất phải có một ê kíp khai thác. Tôi đang xây dựng hệ thống này và hy vọng nó sẽ sớm hoàn thành. Anh có thể nhìn thấy sơ qua bằng cách mà “À Ố show” đang chạy, đó sẽ là kết cấu mà chúng tôi hướng đến. Và điều đó sẽ trả lời liệu chúng tôi có đủ tiền shopping hay không. Ở hệ thống này sẽ không có chuyện biên đạo làm luôn phần việc của đạo diễn và kiêm cả bán vé, chỉnh đèn, chỉnh âm thanh… Bạn tôi, Tấn Lộc, một người tôi cực kỳ trân trọng, đang phải làm những việc như vậy. Nhưng nếu một đoàn xiếc phải trải qua như vậy thì không lớn được. Sự chuyên nghiệp sẽ kéo theo đầu tư và bản thân mỗi người đều có một giá trị.
– Anh nói rằng giá trị bản thân là một khoản đầu tư xứng đáng, vậy theo anh giá trị đó kéo dài bao lâu?
– Nó kéo dài cả cuộc đời. Ngày hôm nay tôi vẫn phải vừa làm vừa học cách ứng xử với con người, học cách phát triển trong công việc của mình. Nếu như không có nhu cầu thăng tiến thì tôi nghĩ là không ai có thể phát triển được.
Xin cảm ơn anh.
Bài: Cung Tuy
Nhiếp ảnh: Zuki Nguyễn
Trang điểm: Andy Phan
Trang phục: Áo vest – Burberry
>>> Có thể bạn quan tâm: Cắt phăng mái tóc như đoạn tuyệt với hình ảnh người đẹp, Hoàng My muốn khẳng định cá tính và con người mới của mình qua việc làm phim. Nhưng có vẻ như hình thức mới chỉ là một phần, để trở thành một nghệ sĩ như mong ước của mình, cô Á hậu này chắc phải quyết liệt thay đổi hơn rất nhiều.