Tôi với Trí Nguyễn là bạn từ khá lâu. Khi Trí ra album đầu tay “Consonnances”, tôi đã nghe anh ấy biểu diễn cùng tứ tấu đàn dây. Trí xóa đi sự khác biệt về danh tính dân tộc của hai loại nhạc cụ (Châu Á – Châu Âu), quyện chúng lại trong những giai điệu tuyệt đẹp. Tôi chưa từng biết đến âm nhạc Việt Nam hay những nhạc cụ truyền thống của các bạn trước đó.
Nhưng khi nghe Trí gảy chiếc đàn 16 dây của mình, tôi thực sự ấn tượng bởi những âm thanh mà nó tạo ra, những luyến láy cho người nghệ sĩ một biên độ sáng tạo vô cùng rộng. Trí đã tài tình khi “thuần hóa” được những nhạc cụ tưởng chừng không thể song hành cùng nhau. Đó là điều tôi thích ở Trí, tài năng cộng với tư duy cởi mở, không ngại dấn thân trên những ngả đường mới. Không nằm ngoài dự đoán của tôi, album “Hòa điệu” đã rất thành công.
Vào một buổi chiều năm ngoái, Trí Nguyễn ghé chỗ tôi và hào hứng chia sẻ những dự định cho album thứ 3. Sự say mê của Trí lúc nào cũng khiến tôi thích thú. Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu về âm nhạc dân gian của Brazil và Việt Nam. Trí muốn tôi chọn một bài hát của Brazil và thể hiện nó trong album “Beyond borders” (Vượt lên mọi ngăn cách). Tôi nghĩ: “Nó phải là một ca khúc thật độc đáo, thuần chất Brazil, chứ không thương mại như những vũ điệu salsa mà ai khi nghĩ đến Brazil cũng tưởng chỉ có vậy”. Tôi nói điều này với Trí và chúng tôi ngay lập tức tìm được tiếng nói chung.
Khi tôi hát những câu đầu tiên trong bài “Guacyra”, một bài hát của Brazil được sáng tác khoảng những năm 60, thì Trí reo lên: “Chính nó!”. Thật kỳ lạ, có lẽ “Guacyra” đã chạm đến góc khuất của những người như tôi, như Trí. Đó là điệu buồn biệt ly của kẻ xa xứ. Sống cách quê hương cả ngàn dặm, chúng tôi chỉ muốn tìm về các giá trị âm nhạc dân tộc cốt lõi, những gì không bị hai chữ “xu hướng” chi phối. Những sáng tạo trên nguồn chất liệu này sẽ là duy nhất, không phải bản sao của bất kì ai.
Tôi viết “Hanging Moon” (Trăng treo) với nguồn cảm hứng từ “Guacyra”, và Trí hòa vào đó những giai điệu tinh tế, mượt mà của đàn tranh. Chúng tôi gặp nhau ở khát vọng muốn làm giàu kho tàng âm nhạc thế giới. Tôi tin rằng ca khúc này sẽ tìm được sự đồng điệu từ người nghe, giống như Trí đã xóa được mọi rào cản, để các danh tính âm nhạc hòa điệu với nhau.
NGHỆ SĨ TRÍ NGUYỄN: NGƯỜI TỪ XỨ LẠ
Trí Nguyễn tự mô tả về mình như vậy.
30 năm xa quê là chừng ấy thời gian anh sống giữa hai bờ thế giới.
“Dù đi đâu, ở đâu, tôi vẫn là người Việt” không chỉ là lời khẳng định về cội nguồn, mà còn là “danh tính” Trí Nguyễn lựa chọn cho âm nhạc của mình.
Với mong muốn nhạc dân tộc không chỉ đẹp trong “bảo tàng”, mà phải được “sinh sôi”, được thay đổi và đi xa hơn ngoài biên giới, Trí Nguyễn đã cùng cây đàn tranh ngao du khắp chốn, hòa điệu cùng những tâm hồn, bất chấp mọi khác biệt về cả thời gian lẫn không gian. Thế nhưng, mỗi cuộc trở về của anh lại lặng lẽ, nhỏ nhẹ như một người đi xa ghé thăm nhà.
Đọc thêm:
– Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam
– Nghệ sĩ Teca Calazans: “Sự say mê của Trí Nguyễn luôn khiến tôi thích thú”
– Nghệ sĩ Gurujas Kaur Khalsa – Ứng cử viên Grammy 2017: Âm nhạc có thể hàn gắn thế giới
– Nghệ nhân Vĩnh Tuấn: “Trí Nguyễn biết người biết ta đó”
– Nghệ sĩ violon Sơn Mạch: “Ở Việt Nam, ít người biết về Trí Nguyễn”
Tổ chức: Thùy Anh – Ảnh: Nhân vật cung cấp