Nghệ sĩ Tăng Thành Nam: Không có may mắn trong nghệ thuật

…hay chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị bữa tiệc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam cho thật chu đáo. “Nhà nghèo, muốn đề huề, tươm tất thì phải chịu khó!” – anh chủ tịch công đoàn cười xòa.

– Thật khó hình dung một nghệ sĩ gắn bó với cây vĩ cầm ngót 30 năm lại có những lúc “đời” đến vậy?

– Nghệ sĩ thì cũng có nhiều dạng và nghệ sĩ không chỉ có những phút hào nhoáng, rực rỡ trên sân khấu. Nghệ sĩ biểu diễn trong môi trường giao hưởng như tôi là viên chức đúng nghĩa với lịch làm việc bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác và được hưởng mức lương bè trưởng: 80.000 đồng cho một buổi tập 4 tiếng, 750.000 đồng cho 1 tuần vừa tập vừa diễn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm nhiều công việc khác như giảng dạy, chạy show, ghi âm… – những việc phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính giúp chúng tôi bám trụ với nghề.

Là tài năng được đào tạo 5 năm ở Nhạc viện Boulogne – Billancourt (Pháp), tốt nghiệp hạng ưu, có lúc nào anh mủi lòng trước sự-ghi-nhận-rẻ-mạt này không?

– Bạn biết tại sao nghệ sĩ trình diễn khí nhạc ít hơn thanh nhạc không? Vì nghề này đòi hỏi không chỉ tài năng, duyên sân khấu mà còn tình yêu nghệ thuật và lòng dũng cảm đi đến cùng với nghề. Nhiều người được đào tạo bài bản, học hơn 15 năm chưa chắc đã làm nghề được, có người du học vẫn bỏ nghề sau khi trở về.

Chạnh lòng, làm sao không có nhưng tôi làm việc vì mình đã được đào tạo tốt, vì đam mê dành cho nghệ thuật đã là truyền thống của gia đình và muốn trả ơn xã hội đã tạo điều kiện để mình đạt được trình độ này. Tôi tự hào nói rằng, chưa bao giờ thôi yêu nghề, tinh thần cống hiến cho xã hội vẫn tràn đầy.

Ngoài các chương trình của HBSO, tôi còn thấy anh trình diễn không chỉ các tác phẩm kinh điển thế giới mà cả tác phẩm Việt Nam trên truyền hình, trong một vài sự kiện!

– Tôi không kén chọn chương trình, không đòi hỏi phải là tác phẩm nào, chưa bao giờ từ chối lời mời biểu diễn nào. Thật ra, các tác phẩm kinh điển thế giới “dễ nhai” hơn các tác phẩm khí nhạc Việt Nam vì chúng đã quen thuộc. Để nhai “cục xương” này, tôi mất nhiều thời gian tập luyện hơn, có khi phải tập cả tuần rồi ghi hình một vài tiếng và nhận được chưa đến 250.000 đồng. Đau lòng lắm nhưng không vì thế mà tôi từ chối. Đó là cách tôi ủng hộ âm nhạc Việt Nam, giữ lửa cho chính mình.

Có bao giờ anh cảm thấy mệt đến mức muốn ngừng lại nghỉ ngơi?

– Mệt là cái bóng không thể thiếu trong công việc, ta phải cố gắng vượt qua thì mới đạt được những thành quả. 10 năm nay, tôi chỉ nghỉ diễn một lần do bị tai nạn, còn những lần đau bụng, sốt 39 độ mà vẫn diễn thì đếm không xuể. Khán giả làm sao biết anh ta chạy chương trình cả sáng, chiều đi dạy đến 7 giờ tối, chạy từ quận 7 về nhà hát chỉ kịp thay quần áo rồi lên sân khấu diễn luôn hay đang không khỏe, họ chỉ cần chiếc ghế đó không được trống, chương trình phải tốt. Khán giả một khi đã mua vé vào nhà hát nghe hòa nhạc, họ luôn công bằng, khắt khe hơn nên nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc.

Sự mệt mỏi về thể xác không làm tôi mất ngủ sau mỗi đêm diễn mà cảm giác ân hận, không hài lòng về những đồng nghiệp vì thiếu trách nhiệm chứ chẳng phải trình độ đã gây ra một vài lỗi về kỹ thuật. Thành công của một tác phẩm khí nhạc không phải thành công của một cá nhân mà là sự phối hợp ăn ý của cả 60 người. Môi trường biểu diễn này không có đất để khoe bằng cấp, thể hiện tài năng xuất chúng mà là tinh thần đồng đội, sự lắng nghe, hỗ trợ nhau.

Ở vị trí bè trưởng, anh làm sao không nổi giận khi đồng nghiệp mắc lỗi?

– Trên sân khấu, mình không thể nổi giận, không có thời gian để có cảm giác bực bội nữa là, vì mỗi nốt nhạc là một tích tắc, mình phải sửa sai, tiếp tục cuộc chiến (cười). Nghề này căng thẳng lắm bởi mình không bao giờ biết trước sự cố xảy ra khi nào, phải tự giải quyết những điều không bình thường để có được sự bình thường trước khán giả. Tôi dạy con gái Elise: bố chỉ có thể giúp con ở hậu trường, còn khi con cầm đàn lên sân khấu thì phải vượt lên chính mình, tự vượt qua căng thẳng.

Anh còn dạy gì cho cô con gái 9 tuổi vừa đậu vào khoa violin của Nhạc viện Tp.HCM?

– Tôi không chỉ nói với con mà còn nói với học trò của mình: Trong nghệ thuật không bao giờ có chuyện từ trên trời rơi xuống, không có chỗ cho sự may mắn, chỉ có những phút xuất thần. Hạnh phúc trong nghệ thuật là con đường chứ không phải là điểm đến, không có giới hạn nào cả. Nghệ sĩ phải luyện tập không ngừng, phải vượt qua các vấn đề kỹ thuật mà lần trình diễn nào cũng có nhưng đừng trở thành chuyên viên đánh đàn, phải là một người làm nghệ thuật.

Làm thầy thật chẳng dễ, nhất là thầy của nghệ sĩ, đào tạo ra nghệ sĩ, anh làm thế nào để vào tròn vai này?

– Việc dạy dỗ, cái tâm quan trọng nhất. Tôi sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm quý giá đã tích lũy được trong mấy chục năm qua với các em. Hi vọng với tài năng vốn có cùng kinh nghiệm này những bạn trẻ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiến bộ nhanh. Tôi không giấu nghề, không sợ học trò vượt qua mình, ngược lại thường dặn học trò: đừng bao giờ trở thành cái bóng của ai, luôn tự tin, phải tin mình có thể vượt qua, nổi trội hơn cả thần tượng.

• Vợ là nhà văn – họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang nhưng Nam không đọc sách báo, không sử dụng email, không có tài khoản facebook vì “Não như một ổ cứng, nếu nhập dữ liệu vô tội vạ sẽ không còn khoảng trống để ghi những thứ thật cần thiết” đã đành, văn của vợ cũng chỉ đọc thời mới yêu, anh chia sẻ với vợ nhiều hơn qua tranh.

• Mê xe cộ – một mình sở hữu 5 chiếc xe từ xe máy đến ô tô và cả xe đạp. Chúng là những người bạn đồng hành khuyến khích sở thích dịch chuyển của Nam. Anh đã đi được 30 nước trên thế giới, thường xuyên có những chuyến đi vì không muốn nhìn mãi những thứ quen thuộc, để được cập nhật thông tin mới.

• Tính cách nồng nhiệt, tinh tế của Tăng Thành Nam ảnh hưởng từ ba – nhạc sĩ Tăng Minh Thành – người luôn chia sẻ, tìm phản ứng của người đối diện. Tự nhận là kẻ cứng đầu, luôn bảo vệ cái tôi nhưng biết tôn trọng người khác, Nam chỉ muốn sống thật bởi “thật là mình mới hạnh phúc”.

Bài: An Hội
Ảnh: Trọng Tùng



From the same category