Nghệ sĩ Tấn Beo: “Màn nhung vừa khép, nước mắt chảy dài” - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Tấn Beo: “Màn nhung vừa khép, nước mắt chảy dài”

Sao

Đi diễn từ năm 11 tuổi, đến nay đã hơn ba mươi năm Tấn Beo mang lại tiếng cười cho khán giả. Nói không ngoa, anh dường như dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật và cũng là người chứng kiến sự thăng trầm của sân khấu hài.

Diễn viên hài Tấn Beo

Màn nhung vừa khép, nước mắt chảy dài

– Hơn ba thập niên trong nghề, anh nghĩ điều gì khiến cái tên Tấn Beo luôn nằm trong lòng khán giả?

– Chắc là sự gần gũi, bởi con người tôi sống đơn giản nên lên sân khấu tôi đâu có diễn màu mè được. Và tôi quan trọng chuyện lời thoại, gây cười nhưng không phản cảm. Có điều khán giả bảo thấy cái mặt tỉnh tỉnh của tôi là đã vui dù tôi chưa nói câu nào hết. Tôi coi điều đó như tổ nghiệp đãi mình.

– Vậy chừng ấy thời gian, khi nào anh thấy sân khấu hài nằm trên đỉnh nhất?

– Cứ mỗi lần nhắm mắt tôi lại nhớ đến những năm 90. Thời đó, thứ hai hàng tuần là ngày nghỉ vì các show ca nhạc chỉ tập trung vào những ngày cuối tuần. Nhưng sân khấu hài thì không nghỉ, người ta đến xem hài đông gấp mấy lần show ca nhạc, đầu tuần mà bán 3000 – 4000 vé. Thấy khán giả ngồi kín phía dưới, anh em bọn tôi hồ hởi lắm, nghệ sĩ lúc ấy chỉ mỗi việc nghĩ diễn thế nào để không phụ lòng khán giả. Nhưng lâu rồi tôi chẳng còn nhìn thấy cảnh đó. Những anh em cùng thời, người bỏ nghề, người hiếm khi đứng cùng một sàn diễn.

Tấn Beo từng gây tiếng vang khi cùng em trai Tấn Bo thành lập nhóm hài riêng

– Anh có sợ một lúc nào đó sân khấu hài miền Nam sẽ tắt đèn như miền Bắc?

– Miền Nam là cái gốc của tấu hài nhưng cái gì cũng có quy luật của nó. Thật ra, từ lâu tôi cũng nhận ra hài bị phân biệt hơn các loại hình nghệ thuật khác, bởi nhiều người nghĩ hài là nhảm nên những chương trình lớn, ban tổ chức chuộng người cầm micro đứng hát hơn nghệ sĩ hài. Người ta cho vậy là chỉn chu và sang trọng.

Cũng một phần, bây giờ khán giả có nhiều lựa chọn hơn, có thể nằm nhà bật tivi là xem được đủ loại hình giải trí, nên họ ít bỏ tiền mua vé đến sân khấu. Nhiều rạp từng một thời nhộn nhịp, nhưng cuối cùng phải đóng cửa tắt đèn. Mỗi lần đi ngang, thấy sân khấu xưa mọc lên một tòa nhà hay cửa hàng sáng trưng, tôi chỉ biết thở dài. Một vài rạp bám trụ được, nhưng cả tuần chắc chỉ đỏ đèn một, hai đêm đã là nhiều. Tôi cũng thường diễn ở Trống Đồng chứ không chạy show hai, ba sân khấu như trước kia.

– Nghe giọng anh, hẳn có nhiều điều nuối tiếc?

– Có mấy lần mới cúi chào khán giả nhưng màn nhung vừa khép tôi nhịn không được, nước mắt chảy dài. Lúc đó tôi nghĩ bây giờ mình đứng đây, có thể là lần cuối. Càng ít rạp hoạt động càng khó để nghệ sĩ sống được với nghề. Làm nghệ thuật mà vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền hỏi còn bao nhiêu cái tâm cho đam mê. Đem tiếng cười cho khán giả đấy nhưng nghệ sĩ hài âu lo trong lòng lắm.

Điện ảnh với tôi như cuộc dạo chơi nhưng thấy đủ thì phải dừng

– Gắn tên mình với sân khấu hài, nhưng gần đây người ta lại thấy anh xuất hiện ở vị trí đạo diễn, rồi mới đây anh cũng thủ vai chính trong phim điện ảnh “Hy sinh đời trai”. Điều gì khiến anh rẽ ngang như vậy?

– Đã là nghệ sĩ thì những gì thuộc về nghệ thuật đều có sức hút mãnh liệt. Tôi cũng tò mò tự hỏi, nếu mình không đứng trên sân khấu, mình có thể bước được đến đâu. Tôi bước vào làm phim, với đủ vai trò, nhưng tôi luôn nhắc mình phải giới hạn sự tham lam của bản thân. Con người mà, luôn phải học cách gật đầu hay từ chối. 

Anh thấy đấy, nhiều diễn viên sân khấu nói chung và diễn viên hài nói riêng hiện “sống khỏe” từ cát sê của điện ảnh!

– Riêng tôi thu nhập vẫn cân bằng từ diễn hài và đóng phim. Hai nguồn thu đó không nhiều để gọi là giàu nhưng vừa vặn cho chi tiêu hiện tại. Mà ví như thiếu hụt tôi cũng phải chấp nhận, bởi cái danh nghệ sĩ đang mang, không cho phép tôi dễ dãi. Mỗi lần nhận show là mỗi lần tôi đắn đo, dù xuất hiện chớp nhoáng trên màn ảnh rộng hay đứng sau ống kính, tôi luôn nhắc mình không được để mọi người thất vọng. Tuy nhiên, đối với những lần khám phá ngoài hài, tôi không đòi hỏi mình phải đạt giải thưởng hay bước lên một vị trí nào đó. Đời tôi thành danh trên sân khấu hài đã là đủ.

Vai diễn mới của Tấn Beo đóng cùng Hồ Ngọc Hà trong phim “Hy sinh đời trai”

– Có lúc nào, người yêu nghề như anh muốn dừng lại?

– Khoảng thời gian vợ tôi mang con đầu lòng, lúc đó cái nghèo đeo bám đến mức, tiền mua sữa cho con tôi cũng chẳng có. Tôi nghĩ hay mình tìm việc khác. Nhưng “cái nợ” với nghệ thuật chưa trả dứt, mình đi đâu cũng phải quay về.

Và vào những lúc tôi bần cùng nhất, may mắn là có bạn bè bên cạnh. Dù nghệ sĩ thời đó, ai cũng nghèo như ai nhưng họ chẳng ngại cho tôi vay tiền, giúp nhau từng đồng bạc lẻ. Mình từng trong cảnh khó, mình hiểu nó đáng sợ đến mức nào, nên bây giờ ai tìm đến, tôi đều sẵn lòng giúp, có khi là người lạ tôi chẳng quen.

– Vậy anh nghĩ bao lâu nữa mình sẽ được “nghỉ hưu”? 

– (Cười) Nghệ sĩ thì không có tuổi nghỉ, còn sức là còn diễn và chỉ cần khán giả vỗ tay thì dẫu nằm bẹp trên giường tôi cũng cố diễn cho mọi người xem.

Ai sinh lời cho nhà đầu tư nhiều hơn thì được coi trọng

– Có người bảo, nghệ sĩ vinh lúc trẻ nhưng cay đắng lúc về già?

– Đáng buồn khi chuyện đó là sự thật. Tôi từng chứng kiến những người hơn tôi cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề phải đợi chờ cả ngày chỉ để quay một phân đoạn ở phim trường. Buồn hơn là họ bị diễn viên trẻ xem thường, dù họ từng là thầy của nhiều thế hệ. Tôi nhận ra, bây giờ người ta làm kinh tế chứ không phải làm nghệ thuật. Ai sinh lời cho nhà đầu tư nhiều hơn thì người đó được coi trọng, chuyện diễn xuất chưa cần bàn tới. Nhưng đi qua thời gian như mình, tôi hiểu tuổi xuân của ai cũng sẽ trôi qua, thứ khán giả cẩn là những điều nằm lại trong lòng họ. Vì thế, tôi an ủi mình bỏ qua những việc chướng tai gai mắt, để làm nghề.

“May thay dù đã qua thời trai trẻ, nhưng trên phim trường hay là lính mới trong sản xuất phim ảnh, tôi vẫn được người ta chào mừng và đón nhận”

– Có phải nhìn trước sự bạc bẽo của nghề diễn, anh đã không cho con theo nghề mình?

– Không, tôi nói hoài với các con: “Một trong ba đứa, ít nhất cũng phải có một đứa theo nghề ba chứ”. Dẫu vậy, thấy không đứa nào theo nghề mình, tôi lại thấy đó là may mắn của các con. Thôi con làm gì cũng được, miễn sống vui khỏe là được. Cái duyên với nghệ thuật từ thời ba mẹ đến đời tôi coi như là hết.

– Vậy còn điều gì anh ấp ủ mà chưa làm được?

– Mấy chục năm qua tôi chỉ mong có một rạp hát. Hôm nay diễn hài, ngày mai cải lương, ngày kia nữa thì tuồng, ca cổ. Nơi đó anh em nghệ sĩ tụ họp về, coi nó thân thuộc như nhà mình. Rồi chỉ cần dốc lòng cho nghệ thuật mà không bận tâm nhà nay thiếu gạo, con đói sữa. Bây giờ rạp có to có bự nhưng chúng tôi cũng chỉ là kẻ đi diễn thuê, cả ngày ngóng coi ai nhớ mình gọi đi diễn.

Tôi thấy nước người ta chú trọng nghệ thuật nhiều lắm, vì nó cũng là một phần văn hóa. Nhà nước chẳng tiếc tiền dàn dựng một vở diễn mang màu sắc dân tộc rồi đem lưu diễn hết nước này nước nọ. Mình đã ít khi mang chuông đi quảng bá xứ người mà đến nghệ thuật trong nước còn tiếc rẻ từng đồng. Hỏi người nước ngoài đến Việt Nam, họ chỉ đi dạo loanh hoanh, ăn uống chứ biết nơi nào để họ xem cải lương, xem văn hóa nước mình khác biệt, đặc sắc cỡ nào. Những cái hay mình không giữ gìn phát huy mà cứ để nó mai một dần…

– Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Tấn Beo!

Bài: Mỹ Khánh

Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

02/09/2015, 00:47