Nghệ sĩ opera Thế Huy: Làm nghệ thuật để luôn tiến về phía trước - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ opera Thế Huy: Làm nghệ thuật để luôn tiến về phía trước

Sống

Đến xem buổi độc diễn của nghệ sĩ opera Thế Huy, tôi được dẫn dắt lắng nghe những bản opera cổ điển qua lăng kính văn học. Điều tuyệt vời nhất của nhạc cổ điển nằm ở giá trị trường tồn với thời gian: mỗi tác phẩm được trình bày bởi hàng trăm hàng nghìn nghệ sĩ khác nhau và vẫn giữ nguyên vẻ đẹp qua năm tháng. Thế Huy tin rằng trong vòng lặp đó, người nghệ sĩ vẫn luôn có thể tìm thấy điều mới lạ. Và cũng bởi vậy, mỗi người nghệ sĩ opera hoạt động như một nhà nghiên cứu. Anh cảm thấy hạnh phúc khi được đắm chìm trong thế giới của âm nhạc cùng những trang sách và học thêm những điều mới mỗi ngày.

Nhặt nhạnh những rung động nhỏ trên con đường mình đi

Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh đã nhận ra sự rung động mạnh mẽ với âm nhạc cổ điển trong khoảnh khắc nào?

Ngày bé, tôi được tham gia vào ca đoàn của nhà thờ. Khoảnh khắc nhìn thấy một người đánh đàn piano trong dàn nhạc của nhà thờ, tôi đã mơ ước được học piano. Vì điều kiện kinh tế của gia đình chưa cho phép, tôi lúc đó đã tự vẽ phím đàn lên tờ giấy và tập những nốt đầu tiên. Ba mẹ thấy tôi say sưa với cây đàn tưởng tượng nên gom góp mua cho tôi một cây đàn organ. Khi thành thạo, tôi bắt đầu đệm nhạc cho những người hát solo ở nhà thờ, dần dần tò mò về việc hát và tự rèn luyện bằng niềm yêu thích đơn thuần.

Đến tận lúc đăng ký thi vào Nhạc viện, tôi còn chưa biết ở đây dạy gì, chỉ nghĩ đó là một nơi dạy hát tốt. Nhờ được người thầy luyện thanh đầu tiên dạy cho tận tình về cách hát, cách chọn bài cho phù hợp với chất giọng của mình nên tôi thi đỗ ngay lần đầu tiên và bén duyên với opera từ đó.

Đưa nhạc opera đến gần với khán giả đại chúng có vẻ là một việc không hề dễ dàng. Anh lấy cảm hứng từ đâu để tổ chức những buổi độc diễn opera, và vì sao lại chọn con đường khó như vậy?

Các nghệ sĩ opera quốc tế, ngoài việc tham gia vào những chương trình của nhà hát, họ thường tự tổ chức “recital” – những buổi biểu diễn cá nhân. Recital yêu cầu một số điều kiện học thuật: trong một buổi diễn, nghệ sĩ chỉ hát về một chủ đề, hoặc bởi một nhà soạn nhạc, hoặc bằng một ngôn ngữ.

Ngoài việc biểu diễn âm nhạc, người nghệ sĩ cũng cần làm cho khán giả hiểu những khía cạnh về học thuật. Không riêng gì Việt Nam, tại nhiều nước phát triển, nhạc cổ điển vẫn là thứ khó hiểu với khán giả đại chúng. Bản thân thứ âm nhạc này rất hay, rất đẹp, nhưng người ta phải hiểu được mới có thể cảm thụ được. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ trong buổi recital là đem hiểu biết của mình chia sẻ cho khán giả. Tôi học theo hình thức đó, thực hiện cho đến nay đã trên dưới 10 buổi recital. Tôi muốn truyền cảm hứng cho những người chọn đi con đường giống mình để họ có thể mạnh dạn tổ chức những buổi biểu diễn mang dấu ấn riêng mà không bị áp lực từ những thế hệ đi trước.

Bài toán nào là khó giải nhất khi tổ chức những buổi biểu diễn này?

Bài toán kinh tế! Bên cạnh đó, công tác tổ chức cũng có rất nhiều điều phải học, ví dụ như bài trí không gian thế nào cho hiệu quả vì nghệ sĩ sẽ phải hát mộc hoàn toàn với piano.

Một khó khăn không nhỏ khác là thị hiếu khán giả. Vài buổi diễn đầu tiên, tôi chỉ hát nhạc cổ điển, Mozart chẳng hạn, và có rất ít khán giả đến nghe. Thế là tôi tổ chức recital chuyên đề nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao với những bài hát quen thuộc được mọi người yêu thích. Phản ứng của khán giả rất tốt, nhưng sau đó, tôi lại nhận được câu hỏi: “Thế Huy bây giờ không hát nhạc cổ điển nữa sao?”. Tiếp tục rút kinh nghiệm, trong những buổi biểu diễn gần đây, nửa đầu chương trình tôi hát các ca khúc Việt Nam, sau đó là nhạc cổ điển.

Nói một chút về recital “Nằm mơ một giấc Trang Chu” và ý tưởng kết hợp văn học Hán – Nôm nhé! Đó là có phải là điều anh đã ấp ủ từ lâu?

Ngày xưa, hoạ sĩ vẽ tranh sau đó bán tranh, nhưng bây giờ, họ vẽ tranh, làm triển lãm và bán trải nghiệm. Một trải nghiệm tổng thể, không tập trung hoàn toàn vào tranh. Bản thân bức tranh có giá trị riêng nhưng trải nghiệm là điều được chú trọng.

Tôi học hát cổ điển thì những tác phẩm tôi hát là chất liệu sẵn có, giống như bức tranh của họa sĩ. Nếu chỉ mời mọi người tới nghe mình hát thôi thì hơi đơn điệu. Tôi trăn trở làm sao để thuyết phục mọi người mở lòng ra nghe mình hát. Tôi học cách của các nghệ sĩ đương đại: tìm đến những môn nghệ thuật lân cận, khai phóng lẫn nhau. Ví dụ như một họa sĩ có thể làm nghệ thuật sắp đặt. Tôi thích văn chương, lớp 12 từng học chuyên Văn nên nảy ra ý tưởng sử dụng con chữ. “Nằm mơ một giấc Trang Chu” là buổi diễn dày chất văn học nhất mà tôi từng thực hiện.

Vì sao lại là tích truyện “Trang Chu mộng hồ điệp”? Trong quá trình thực hiện, anh cảm thấy âm nhạc dẫn dắt mình đến với văn học hay ngược lại?

Nằm mơ một giấc Trang Chu là mơ như ông Trang Chu đã mơ: mơ thấy mình là con bướm, mơ mà không biết mình đang mơ. Trải nghiệm trong buổi recital chính là như vậy, khán giả nghe rất nhiều bài mà họ không biết nhưng lại thấy nó hay, nó lạ, không khác gì một giấc mơ.

Tôi dùng những câu thơ trong Truyện Kiều hoặc thơ của Bà Huyện Thanh Quan làm lời dẫn dắt. Nếu bạn ngồi tại buổi diễn, chỉ nghe âm nhạc cổ điển, đến bài thứ ba thôi bạn sẽ cảm thấy chán. Nhưng thơ Nguyễn Du ai cũng biết vì là ngôn ngữ Việt Nam, nên tôi nghĩ cách tiếp cận đó vừa gần gũi vừa đậm chất nghệ thuật.

Đặt thể loại opera truyền thống vào không gian thưởng thức phi truyền thống, điều đó có phản ánh phần nào nội tâm của anh?

Thật ra, bất cứ nghệ sĩ cổ điển nào cũng yêu nhà hát opera. Đứng biểu diễn bên cạnh một cây đàn Steinway trong nhà hát lớn là mơ ước của tôi. Nhưng tại một không gian phi truyền thống – một căn phòng không có bục sân khấu, sức chứa tầm 100 khán giả, ta có thể lắng nghe những rung động nhỏ, và tôi thích những khoảnh khắc nhỏ như thế. Trong recital, người nghệ sĩ là trung tâm, do đó, không gian cần phải giữ được sự kết nối để ai nấy đều có thể chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, như một lời ru rất khẽ, một nụ cười mà không cười, một câu hát nhưng không ra tiếng.

Đến một ngày, tôi sẽ ra nhà hát lớn, nhưng tôi cũng thích tận hưởng việc nhặt nhạnh những rung động nhỏ trên con đường mình đi.

Những ngày hoàn hảo

Ngoài đam mê, điều gì giữ anh kiên định bước đi trên con đường đã chọn?

Tôi thích tự học. Bây giờ AI có thể hát, sáng tác. Càng ngày chúng ta càng thấy mọi lĩnh vực đến gần với nhau, cùng nhau phát triển. Nếu mình làm nghệ thuật mà chỉ biết chuyện hát của mình thôi, một ngày nào đó mình sẽ lỗi thời, không ai cần mình nữa.

Mỗi tối tôi dành rất nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn để đọc sách, đa dạng chủ đề, kể cả những thứ tôi không thích để tích lũy kiến thức: từ lịch sử, văn học, khoa học, sinh học tiến hóa đến siêu hình học… Trong lúc đọc, có thể tôi không bị thu hút bởi điều đang đọc mà đầu lại rẽ ra nhiều tưởng tượng. Từ đó, tôi có thêm nhiều ý tưởng.

Khi làm những việc đang làm, tôi nhận ra nhiều điều mới mẻ từ thế giới bên ngoài lẫn thế giới bên trong. Chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết về mình, vì cứ có thêm trải nghiệm mới là bên trong chúng ta sẽ có thêm khía cạnh mới. Hành trình làm nghệ thuật là một phương tiện để tôi luôn tiến về phía trước.

Tại sao nhạc cổ điển ra đời từ rất lâu mà đến nay người ta vẫn cứ nghe hoài? Phải có cái gì vẫn ở đó! Tôi đi tiếp, đi hoài vì tò mò, cảm thấy mọi thứ vẫn chờ mình khám phá, ở khía cạnh nghệ thuật và khía cạnh con người mình.

Sách và âm nhạc đã nâng đỡ anh như thế nào?

Nghệ thuật mà tôi theo đuổi mang tính hàn lâm. Âm nhạc cổ điển không chỉ là âm nhạc mà còn là lịch sử, văn hóa, câu chuyện, cuộc đời. Khi tôi học một bài hát, không chỉ là học nhạc, học lời mà còn phải học để hiểu lịch sử, bối cảnh xã hội, các trường phái nghệ thuật khi tác phẩm ra đời. Ví dụ như âm nhạc thời Phục Hưng cũng có liên quan đến kiến trúc Phục Hưng, hay trường phái lãng mạn, trường phái ấn tượng trong hội họa cũng có trong âm nhạc. Nếu mình hiểu bài hát ở một góc độ khác, mình sẽ hát nó hoàn toàn khác.

Chất liệu cuộc sống tác động lên khả năng cảm thụ âm nhạc. Ngoài sách, anh tìm cảm hứng ở đâu?

Tôi thích đi du lịch, lang thang vào những con hẻm, yên lặng ngắm nhìn mọi người. Để làm nghệ thuật phải dồi dào tài nguyên. Tôi thấy mình vẫn còn thiếu nhiều thứ.

Cái hay của nhạc cổ điển là sau bao nhiêu năm, nhạc sĩ viết như thế nào thì ca sĩ vẫn hát đúng như vậy, không được tự phiêu tự luyến. Vậy thì điều gì sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các nghệ sĩ opera? Chính là tài nguyên bên trong.

Ngày hoàn hảo đối với anh là ngày như thế nào?

Ngày hoàn hảo với tôi là ngày mà buổi sáng thức dậy có thể sử dụng được những gì tối hôm trước đã đọc, nghiên cứu, tìm tòi. Tôi ngủ rất ít, buổi tối thường lang thang trong con chữ. Nếu đọc thấy cái gì hay, tôi thường kể cho những người bạn đồng hành trong âm nhạc của mình cùng nghe. Một ngày sẽ rất chán nếu mình đi làm mà không có một cái gì tươi mới về mặt tinh thần để mang theo.

FEATURE: PERFECT DAYS

Trong bộ phim “Perfect Days” của đạo diễn Wim Wenders, nhân vật chính Hirayama là một công nhân lau dọn nhà vệ sinh công cộng. Mỗi ngày, ông lặp lại lịch trình quen thuộc: làm việc, nghe nhạc, đọc sách, chụp ảnh, chăm sóc cây cối, thi thoảng dạo bước trên đường phố và ghé vào một quán ăn bình dân. Đơn giản vậy thôi nhưng Hirayama vui và tâm huyết với từng việc mình làm. Vì ngày nào cũng giống nhau nên ngày nào với ông cũng là ngày hoàn hảo.

Phim ảnh thường chắt lọc những góc khuất đẹp đẽ của đời sống. Mỗi ngày, bước chân ra khỏi cửa, chúng ta cũng rất dễ bắt gặp những con người bình dị đang tận hưởng “những ngày hoàn hảo” giống như Hirayama. Đó có thể là một người đầu bếp cần mẫn nấu đi nấu lại một món ăn, một nhân viên chăm sóc thú lặp đi lặp lại lịch trình quen thuộc, một nghệ sĩ opera hát đi hát lại những bản nhạc kinh điển đã ra đời cách đây vài thế kỷ… Hạnh phúc luôn có thể được tìm thấy ngay tại giây phút mà ta đang hiện diện. Những ngày hoàn hảo chính là những ngày mà ta sống trọn vẹn với những gì mình có.

Nội dung: Lê Ngọc – Ảnh: Nguyễn Ngọc Ánh – Minh họa: Nha Đam

Đọc thêm:
Koshika Kiyoshi: Niềm vui lớn nhất trên đời là được làm việc
Nghệ sĩ opera Thế Huy: Làm nghệ thuật để luôn tiến về phía trước
Ngày bình thường của anh chăm sóc thú ở Thảo Cầm Viên

Tác giả: Lê Ngọc

02/07/2024, 16:05