Tôi bị ấn tượng với triển lãm và tôi sẽ làm cho nó nổi bật hơn bằng cách lựa chọn giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ chứ không chỉ gói gọn cả triển lãm trong một mẩu ý kiến ngắn ngủi.
Không lâu để có thể nhận ra là series ảnh này chụp các con vật bị ngâm trong những bình rượu gạo lớn bằng thủy tinh. Tùy vào nền tảng văn hóa của người xem, phản ứng xúc cảm có thể là nỗi khiếp sợ về số phận định sẵn cho những con vật ấy…
Cũng có thể là cơn phẫn nộ tột đỉnh khi nhìn thấy chúng, những thú vật chẳng nguy hiểm gì cho tính mạng người, mà lại bị ngâm rượu.
Hoặc trong trường hợp người xem nào đó có niềm tin vào những hiệu nghiệm chữa bách bệnh hoặc cải thiện sức khỏe tình dục của cái thứ rượu đang sủi tăm kia, với một mối quan tâm, một sự hiểu biết; thì thậm chí anh/cô ta còn ngắm nhìn những bức ảnh với một cơn khát thèm sâu trong cổ họng…
Bất chấp là người xem có phản ứng thế nào thì cuối cùng, bạn cũng phải thừa nhận một điều rằng những bức ảnh của Đặng đẹp kỳ diệu!
Tôi có thể tưởng tượng những hình ảnh ấy được phóng lớn gấp vài lần và nằm gọn trong một gallery tường trắng tinh bao quanh. Một triển lãm, chúng hoàn toàn có thể làm nên điều đó!
Ngay bên phải series ảnh đầy khoái cảm của Đặng là một series khác của Khổng Việt Bách, mà (tôi nghĩ là) đến bậc đại tài về nhiếp ảnh đô thị Nguyễn Thế Sơn cũng sẽ thấy cảm kích.
Lâu nay, tôi vẫn có ý giữ lại (cho con cháu đời sau) cái cảm nhận lưỡng phân, làm phấn khích trí tưởng tượng của tôi mỗi khi tôi thấy một khu vực nhà cao tầng bị bủa vây xung quanh bởi vô khối bảng hiệu hứa hẹn về một đời sống xa hoa khôn cùng?
Tay máy rất tự tin và có khả năng này đã làm được một series 15 bức ảnh nói với người xem bằng giọng điệu đầy tính thơ mà chua xót, châm biếm.
Như là một series mang tính xã hội học ấn tượng, nó chỉ ra khoảng cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo.
Và nhấn mạnh những nguồn cảm hứng mang đậm màu vật chất của tầng lớp trung lưu giàu có, những người mà cách sống của họ có gì đó thật bí ẩn đối với lớp người vô (gia) sản.
Chúng gợi nhắc tôi đến cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, “Số đỏ”, viết từ những năm 1930, châm biếm một cách rất hiệu quả những lối sống trèo lên đầu lên cổ xã hội của lớp người giàu mới nổi… những người luôn cho mình là quan trọng lắm.
Đây là bộ ảnh mà bạn có nhiều thứ để khám phá để rồi lại quay lại ngắm nhìn một cảnh nội thất của những người Việt trung lưu và người Hàn Quốc thớ lợ với một mối bận tâm được làm mới lại…
Một series ảnh thật ngon lành và đang được phóng lớn để “ra” riêng thành một triển lãm.
15 nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam có tác phẩm trưng bày ở đây cho chúng ta thấy một cách tường tận những điều mà họ đã tự nhận thức cho riêng mình thông qua những mảng nhỏ rất riêng tư trong cuộc sống và những mối quan tâm của chính họ. Đó là những nghiên cứu bản thân, quan sát thế giới riêng tư từ bên trong. Nếu xem xét về khía cạnh khoa học thì như vậy là thiếu chính xác, tuy nhiên, qua đó lại có thể nhận thấy nhiều điều và có nhiều thứ để học hỏi.
Triển lãm ảnh của: Nguyễn Lan Anh, Khổng Việt Bách, Trương Quế Chi, Nông Mạnh Cường, Bình Đặng, Tạ Minh Đức, Nguyễn Hoàng Giang, Trương Minh Giang, Đỗ Tường Linh, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Hồng Ngọc, Phạm Mai Phương, Nguyễn Thủy Tiên, Chu Hà Thanh.
Kiếm Văn Tìm