Nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu trượt xét duyệt danh hiệu NSND: Quả là "Điệu buồn phương Nam"!(*) - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu trượt xét duyệt danh hiệu NSND: Quả là “Điệu buồn phương Nam”!(*)

Giải Trí

Phải “xin” thì mới được “cho”?

Bất cập bị chê trách nhiều nhất của việc phong Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) và Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) chính là việc nghệ sĩ muốn “được” những danh hiệu này phải làm đơn xin, rồi qua nhiều cửa xét duyệt mới đủ điều kiện lọt vào vòng bỏ phiếu bầu chọn. Nếu nghệ sĩ được 90% số phiếu bầu thì mới đủ tiêu chuẩn trở thành NSƯT/NSND.

Điều này dường như đánh thẳng vào sự nhạy cảm và cái tôi lớn của những nghệ sĩ. Phần lớn trong số họ không cảm thấy thoải mái với việc “xin – cho”, mặc dù trong thâm tâm ai cũng muốn những tâm huyết và cống hiến nghệ thuật của mình được ghi nhận.

88
Từ trái qua phải: NSƯT Giang Châu, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn

Nhưng vấn đề cũng không đơn giản là cứ “xin” thì sẽ được “cho”. Trong lịch sử 8 lần xét duyệt NSND từ năm 1984 đến nay, lần nào việc bác đơn cũng xảy ra.

Chắc hẳn rằng hơn 10% những vị bỏ phiếu bác bỏ năm nay không hiểu mấy về nghệ thuật cải lương miền Nam, bởi nếu hiểu, chắc chắn họ phải biết tầm ảnh hưởng và cống hiến của các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu – đặc biệt là vai trò của nghệ sĩ Minh Vương. Chua chát thay, ông có lẽ là người duy nhất trong số các nghệ sĩ miền Nam đã 3 lần bị trượt danh hiệu NSND!

Lòng tự trọng cao hơn danh hiệu

Một trong những lý do khiến cả 3 nghệ sĩ cải lương gạo cội miền Nam bị bác đơn xét duyệt nằm ở việc họ không có đủ 2 huy chương vàng quốc gia như quy định trong Khoản 4, Điều 8, Nghị định 89/2014. Quy định này được xem là thuận lợi cho khu vực phía Bắc (nơi gần như 100% là những sân khấu bao cấp của nhà nước), nhưng luôn là rào cản với sân khấu phía Nam (phần lớn hoạt động theo phương thức tư nhân xã hội hóa).

Điểm khác biệt lớn giữa các đoàn nghệ thuật của nhà nước và tư nhân là gì? Đoàn hát của nhà nước được đầu tư kinh phí dựng vở hàng năm để đi thi các hội diễn sân khấu, diễn vài suất phục vụ rồi “đắp chiếu”. Còn các đoàn hát tư nhân thì ông bầu bỏ tiền dựng vở để bán vé phục vụ khán giả và nuôi sống nghệ sĩ chứ không phải để đi thi. Đó là lý do vì sao kể từ khi sân khấu được xã hội hóa, rất nhiều kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đều vắng bóng các đoàn hát và nghệ sĩ danh tiếng miền Nam.

Cách đây vài năm, tôi có tham gia thực hiện một chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực mà nhân vật trung tâm của chương trình là một nghệ sĩ hài trẻ tuổi nổi tiếng ở miền Bắc. Thấy anh thần sắc kém, tôi hỏi thăm thì được biết mấy hôm nay anh bị thiếu ngủ vì đang ráo riết tập vở để dự hội diễn sân khấu. Thì ra trước đây anh đã 2 lần trượt danh hiệu NSƯT chỉ vì mải chạy show, không về tham gia vở diễn của đoàn. Lần này bị nhiều người thúc giục quá, anh phải đi thi. Năm đó, anh được huy chương vàng cá nhân, và giờ quả thực đã trở thành NSƯT.

minh-vuong-2
NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương trong vở “Đời cô Lựu”

Thực sự, tham gia hội diễn sân khấu để lấy huy chương ở Việt Nam chẳng khó chút nào. Có một sự thật là gần như nghệ sĩ nào đóng vai chính trong các tác phẩm đi thi cũng sẽ được huy chương. Có người còn từng nói vui: cứ qua một mùa hội diễn sân khấu là biết sắp tới ai sẽ lên NSND, NSƯT… Chỉ cần nhìn qua số huy chương được phát vô tội vạ như mưa rào trong mỗi mùa hội diễn là rõ điều này.

Nếu sân khấu miền Bắc ưa các cuộc thi, thì các đoàn hát miền Nam xưa nay lại chỉ hơn thua nhau ở chất lượng vở diễn và số lượng khán giả. Có thể những nghệ sĩ mới, nghệ sĩ trẻ còn quan tâm đến các cuộc thi vì muốn khẳng định tên tuổi, nhưng các nghệ sĩ gạo cội thì không mấy hứng thú với chuyện này. Họ sẵn lòng diễn từ thiện, diễn miễn phí để phục vụ đồng bào, chứ tham gia dự thi là chuyện xưa nay vô cùng hiếm. Thật bất nhẫn khi lấy huy chương ra để xét đoán những tên tuổi ấy có xứng đáng hay không!

Các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu… đều là những cây cổ thụ, được xếp vào bậc thầy của sân khấu cải lương. Họ đã dìu dắt, đào tạo và là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ nghệ sĩ miền Nam. Giả sử họ có tham gia hội diễn sân khấu, không biết ai dám đủ bản lĩnh để ngồi ghế giám khảo?

Vậy nên, đừng để các nghệ sĩ bị tổn thương, bởi so với lòng tự trọng thì mọi danh hiệu dù cao quý đến đâu, có hay không cũng không còn ý nghĩa.

* Tên một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Thực hiện: depweb

06/08/2018, 11:30