Và cũng vẫn với những lý do đó, dẫn đến việc có những nghệ sĩ đã nằm trong lòng công chúng nhưng không được xét tặng danh hiệu. Cho đến khi họ không may đau yếu và đối diện với cái chết, cơ quan xét tặng vì không đối diện được với sự chất vấn của công chúng mới vội vã làm thủ tục truy tặng danh hiệu. Đó là lý do xảy ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười như trường hợp của nghệ sĩ Anh Dũng, Văn Hiệp… thời gian qua. Chuyện xét tặng khi ấy, tôi cho rằng chỉ là để an lòng người sống.
Nghệ sĩ Giang Còi
Tôi vẫn nhớ chuyện xét duyệt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên vào năm 2011. Ông là một nhạc sĩ cách mạng lão thành cả đời cống hiến cho âm nhạc, những sáng tác của ông gắn theo từng nhịp đập trái tim của đất nước, nhưng tới khi nghỉ hưu vẫn chưa có ghi nhận nào đáng giá từ phía cơ quan quản lý. Cùng thời điểm ông về hưu có đợt xét tặng trao Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng tên ông không có trong đề cử. Báo chí được dịp mới xôn xao. Và nhờ sự vào cuộc của báo chí, năm 2011 ông mới được được bổ sung vào danh sách xét giải. Nhiều người khuyên ông làm đơn xin xét duyệt nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhất định cho rằng, giải thưởng là sự phong tặng chứ không phải chuyện xin – cho.
Cơ chế xét tặng danh hiệu NSUT, NSND cũng rất kỳ lạ. Danh hiệu này thường đa số trao cho diễn viên, đạo diễn, trong khi hai từ “nghệ sĩ” phải bao gồm cả nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, quay phim… Làm nghề này tôi thấy rất nhiều nhà quay phim làm việc hết mình, tài năng ưu tú, thậm chí lăn xả dưới khói lửa bom đạn – nhưng không được phong tặng danh hiệu gì. Trong khi nhiều đạo diễn không xuất sắc, chưa kể họ còn làm lãng phí tiền của nhà nước nhưng vẫn có danh hiệu.
Nhớ lại thời Phát xít Đức chiếm Leningrad, chúng đã bắn chết một PTV chuyên đọc bản tin thời chiến, một giọng đọc đã làm triệu người rớt nước mắt, triệu người lính yên tâm cầm súng, vậy mà PTV ấy chỉ được phong tặng danh hiệu PTV Công Huân (danh hiệu này ở Nga thấp hơn danh hiệu NSND).
Chúng ta đang phong danh bằng việc đếm huy chương mà ít quan tâm đến thực tế rằng sự sáng tạo của họ có ảnh hưởng ra sao đến đời sống tinh thần của quần chúng. Chưa kể, huy chương chỉ trao cho “kép” chính, còn người đóng vai phụ gần như không có huy chương. Nên mới có trường hợp nghệ sĩ Văn Hiệp làm biết bao người cùng khóc, cùng cười với các vai diễn của mình trong suốt nhiều năm làm nghề mà không được tặng danh hiệu gì. Đơn cử, vai diễn người đàn ông đi xe thồ lướt qua sân khấu trong vở kịch về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông, diễn hàng trăm suất vẫn khiến cả rạp cười nghiêng ngả, sau này nhiều người quên tên vở diễn, song vai diễn của Văn Hiệp thì ít ai quên. Nhưng khi xét tặng huy chương, ai xét tặng huy chương cho một vai diễn xe thồ? Và Văn Hiệp không có huy chương.
Những người xứng đáng được phong tặng danh hiệu như nghệ sĩ Văn Hiệp, Anh Dũng, Phương Thanh nhưng đang bị “bỏ quên” còn nhiều. Rồi họ vẫn sẽ tiếp tục bị “bỏ quên” nếu họ vẫn may mắn còn khỏe mạnh.
Khi nhìn thấy các đồng nghiệp của mình được vội vã phong danh lúc “gần đất xa trời”, hoặc khi đã ở bên kia thế giới, tôi luôn thấy xót xa. Một đời làm nghề, vẫn biết sự phong tặng, sự tin yêu của công chúng mới là đáng giá nhất, nhưng nếu lời động viên, sự ghi nhận của nhà nước đến kịp thời, tôi tin nghệ sĩ sẽ có thêm động lực hơn mà tận hiến. Và sự phong danh hãy để nó thực sự là một hành động tri ân, mang tới niềm vui thực sự hơn là cách làm để báo cáo, để an lòng người sống.
Cho dù vậy, những người nghệ sĩ vẫn ngày ngày sáng tạo, đem những niềm vui đến cho khán giả, cho cuộc sống thêm bao phần ý nghĩa. Và khán giả cũng cần họ biết nhường nào. Khi còn sống, nhiều nghệ sĩ chỉ quan tâm đến việc họ có chỗ đứng thế nào trong lòng khán giả, họ không màng đến danh vọng, nên việc phong danh hay truy tặng cho nghệ sĩ khi họ đã chết, thực ra là vô nghĩa.
Nghệ sĩ Giang Còi