Nghệ sĩ hài Giang Còi: Coi hài Tết là để tiêu mỡ thì sẽ đỡ thất vọng về nó - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ hài Giang Còi: Coi hài Tết là để tiêu mỡ thì sẽ đỡ thất vọng về nó

Sao

LTS: Đến hẹn lại lên, những đĩa hài Tết lại tràn ngập các kệ đĩa. Người cười hỉ hả, kẻ chê nhạt và nhảm. Khổ nỗi, báo chê cứ chê, đĩa bán cứ bán, năm nào cũng vậy. Nghệ sĩ hài Lê Hồng Giang (Giang Còi) chia sẻ quan điểm của mình cùng SAO LÀM BÁO trước những phản hồi của khán giả.

Đừng chụp mũ tất cả

Đúng là hài Việt bây giờ quá nhiều thứ nhảm nhí và cùng ghi một chữ trên bìa đĩa: “Hài”. Nhưng theo tôi, không nên chụp mũ chung cho tất cả những người làm hài, trong đó có cả những nghệ sĩ và những “công nhân nghệ thuật”. Có người suốt đời làm nghệ thuật nhưng chỉ là công nhân nghệ thuật, có người chỉ cần tham gia một lần đã thành nghệ sĩ. Có những đĩa hài, phim hài Tết chỉ nên gọi là chương trình vui góp Tết.

Nghệ sĩ hài Giang Còi

Hài Tết nếu bị chệch choạc âu cũng vì thiếu người làm. Những đạo diễn gọi là “có số có má” lúc này phải làm phim triệu đô mới xứng tầm. Còn làm những chương trình hài góp vui cho Tết có khi không cần… đạo diễn, có thể tự “bố con nhà nó” rủ nhau làm cũng được. Thậm chí, một ông giám đốc công ty sản xuất hàng tiêu dùng nào đấy đứng ra làm đạo diễn, thêm vài anh vác camera đứng quanh “xúi đểu” là cũng có thể ra đĩa hài và họ chấp nhận được thua, gọi là “xã hội hóa”. Làm ra không ai mua cũng kệ “tao”, đó là tiền túi “tao” bỏ ra… Chỉ cần được duyệt là phát hành ào ào, một “con sâu” cũng đã đủ “làm rầu nồi canh” vậy!

Làm nghệ thuật vô cùng khó, không phải cứ bỏ công bỏ sức thật nhiều thì anh sẽ có được sản phẩm tốt. Một số nhà sản xuất hài đã lầm tưởng. Họ vơ tất cả những gì mà họ cho là hay ho, từng thấy, từng xem ở đâu đó về trộn thành một mớ hổ lốn: đánh đấm một tý, chân dài hở hang một tí, thêm mấy pha ngã tùm xuống ao, rách hết xống áo…, là tưởng cù được khán giả. Đâu dễ thế!

 

Nhưng nếu muốn làm ra một tác phẩm hài không ai chê trách được thì rất khó, tác phẩm đó phải đầy tính học thuật, rồi phải phá học thuật ra để làm một cách đầy ngẫu hứng. Lúc đó không chỉ cần diễn viên hài, mà biên kịch cũng phải hài, đạo diễn phải biết cách cù khán giả, nhà quay phim cũng phải biết cách đặt góc máy sao cho hài hước… – tất cả phải trở thành tập thể hài, hiếm lắm!

Đâu phải “tác phẩm để đời”

Ranh giới giữa tục và không tục trong hài chênh vênh như người đi xiếc dây qua miệng vực, như cái van nồi áp suất. Nếu làm vừa đủ, khán giả sẽ cảm thấy vừa mắt, phô chênh một tí là rơi ngay xuống vực. Tục hay đáng yêu phụ thuộc vào cái tài, cái duyên của người thể hiện, phông văn hóa của người nghệ sĩ. Hiểu được cho bằng hết ý tứ mà đạo diễn, biên kịch muốn gửi gắm đã khó, chuyển tải được nó đến với công chúng bằng ngôn ngữ hài sao cho duyên, cho hóm, lại còn khó hơn. 

 

“Nếu để tác phẩm hài không ai chê trách được thì rất khó, tác phẩm đó phải đầy tính học thuật, rồi phải phá học thuật ra để làm một cách đầy ngẫu hứng. Lúc đó, không chỉ cần diễn viên hài, mà biên kịch cũng phải hài, đạo diễn phải biết cách cù khán giả, nhà quay phim cũng phải biết cách đặt góc máy sao cho hài hước… – tất cả phải trở thành tập thể hài, hiếm lắm!”

Khán giả nhà mình thường thì cảm tính, mà nghệ sỹ thì cũng có người hơi “quá”, mới lên chọc cười
khán giả được một vài câu, đã về vỗ ngực ta đây là danh hài, nên có thể vì thế mà khán giả mới trở nên khắt khe hơn với họ. Tôi tin là tiếng cười đến từ sự gần gũi nhưng không quá suồng sã sẽ ở lại lâu hơn cả trong lòng công chúng. Riêng với tiếng cười ngày Tết, lại càng cần mang đến niềm vui trọn vẹn hơn: nếu “nói tục” thì nhớ “giải thanh”,  đừng để ảnh hưởng đến trẻ con, mất lòng người già và để cả nhà cùng vui – thế là đủ.

Nhưng thôi, ngày Tết, mong khán giả hãy rộng lòng! Hãy nhìn công sức người làm bỏ ra, cũng như trình độ hiện có của họ – để cảm thông. Hãy nghĩ đơn giản là những đĩa hài Tết không phải là “tác phẩm để đời” mà chỉ là một sản phẩm có tính thời vụ. Hài Tết không phải là cành đào, không phải là cánh én của mùa xuân. Hãy coi hài Tết chỉ là rau thơm, hành muối để tiêu mỡ trong ngày xuân, thì chúng ta sẽ đỡ thất vọng về nó.

Miễn sao, không có hài vẫn có Tết, là được!

Nghệ sĩ hài Giang Còi
logo

      
 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

 

Thực hiện: depweb

06/02/2015, 18:14