Nghệ sĩ hài Anh Vũ: Tử vi "nói", sẽ rất giàu nếu xa nhà... - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ hài Anh Vũ: Tử vi “nói”, sẽ rất giàu nếu xa nhà…

Giải Trí

Những người mê cải lương không ai là không biết một câu ca nghe đến quặn lòng về thân phận của người nghệ sĩ: “Người về cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Với không ít nghệ sĩ thế hệ trước, sau những giờ phút hết mình trên sân khấu, họ lại quay trở về với cuộc sống buồn tủi và cô đơn đằng sau bức màn hào quang danh vọng. Anh Vũ cũng đã từng trải qua rất nhiều sóng gió, cũng không ít giây phút đơn độc để có thể thành danh với vai trò của một nghệ sĩ, nhưng cho đến bây giờ, mặt sau của những tiếng cười mà anh mang lại cho khán giả không phải là những nỗi buồn mà lại là niềm vui giản dị bên gia đình nhỏ bé của mình.

 

Làm tóc không được, học may cũng chẳng xong

Nói về công việc hiện tại của mình, Anh Vũ nở nụ cười mãn nguyện. Anh luôn miệng nói rằng, mình được tổ đãi nên mới có được ngày hôm nay. Đối với anh, vị trí hiện tại trong lòng khán giả là một giấc mơ đẹp, một sự ưu đãi của số phận mà không phải ai cũng có được bởi một người làm nhiều nghề khác nhau nhưng không được gì mà bây giờ lại được nhiều như thế.

Thế nhưng ít ai biết rằng, để thành danh được như ngày hôm nay, Anh Vũ đã từng trải qua những tháng ngày vô cùng vất vả. Vượt qua được định kiến của chính cha đẻ để có thể sống được với niềm đam mê được đứng trên sân khấu cũng là những đấu tranh dài của anh.

Anh Vũ là con trai thứ năm trong một gia đình nghèo ngoại thành Sài Gòn. Ngay từ thuở bé, cậu bé Anh Vũ đã phải vất vả cùng mẹ lăn lộn để mưu sinh. Vũ nói rằng, quãng thời thơ ấu đầy vất vả ấy giúp anh hiểu được hiện thực về một cuộc sống đầy sôi động của những người lao động nghèo – đều vô cùng có ích cho những vai diễn của anh sau này trên sân khấu.

Cũng ngay từ những tháng ngày ấy, Vũ đã bắt đầu mê cải lương. Mê đến độ sau một ngày làm việc mệt nhoài, khi mọi người chỉ mong về nhà để ngả lưng nghỉ ngơi thì anh lại chạy đến rạp Gia Định, dốc hết tiền để dành để được nghe hát. Mê đến độ có bất cứ đoàn hát nào về dựng rạp hội chợ để diễn, anh đều đi xem cho bằng được. Mê đến độ không biết bao nhiêu lần bị ba đánh vì tội lén trốn nhà đi coi hát nhưng vẫn không chừa.

Thời ấy, những vai diễn của các nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Bạch Lê, Mỹ Châu, Đức Lợi, Thanh Kim Huệ,… anh thuộc làu. Có những vở như “Nghêu sò ốc hến”, Anh Vũ đã coi mấy chục lần mà không thấy chán. Coi nhiều đến mức thuộc từng cái vung tay, từng ánh mắt và từng câu hát của các nhân vật trong vở diễn. Ngoài cải lương Hồ Quảng, tuồng cổ cũng khiến cho cậu bé Anh Vũ ngày nào mê mẩn. Không ít lần, cậu bé ấy có ước mơ được giống như nghệ sĩ kia, được một lần đứng trên sân khấu diễn dưới ánh đèn sân khấu.

Dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng khi mới lớn, Anh Vũ đã lén giấu người thân đi học thanh nhạc. Nhưng ngay từ lần đầu tiên vào lớp, cô giáo đã dội một gáo nước lạnh vào nhiệt huyết đang hừng hực cháy của chàng trai trẻ với lời khuyên: “Nghỉ đi cho đỡ tốn tiền cha mẹ. Giọng của Vũ đớt và ngọng quá không học được hát đâu”. Với bất kỳ ai đang hăm hở, lời khuyên ấy đều dễ chạm tự ái nhưng Vũ thì không. Dù buồn nhưng anh biết lời khuyên của cô giáo rất chân thành. Nó khiến anh bừng tỉnh và đi tìm con đường khác cho mình chứ không cố đấm ăn xôi dù trong lòng buồn rười rượi. Thế nhưng, cánh cửa ca hát đóng lại thì cánh cửa kịch mở ra cho Vũ như một định mệnh của số phận.

Khi ấy, cha Vũ vẫn quan niệm nghệ sĩ đứng trên sân khấu là những kẻ xướng ca vô loài. Một phần có lẽ do truyền thống của gia đình ông không có ai theo nghề hát nên ông hiểu những khó khăn vất vả mà Vũ phải đối mặt nếu muốn thành danh với nghề. Mặt khác ông cũng muốn hướng con mình đến những công việc thực tế hơn.

Anh Vũ kể, anh đã từng theo hết nghề xây dựng của cha, nghề uốn tóc, nghề thợ may, nghề kế toán và cả đi bán cà phê nữa nhưng không công việc nào ra hồn vì tình cảm và trái tim của anh đã dành trọn vẹn cho sân khấu. Ngay cả khi anh đã thất bại với tất cả những công việc ấy, cha anh vẫn kiên quyết ngăn con trở thành nghệ sĩ với suy nghĩ: “Đàn ông thì phải làm công việc chân tay nặng nhọc chứ không được làm nghề xướng ca vô loài”. Vũ hào hứng kể: “Đúng là cha dạy học con đốt sách. Cứ mỗi lần ngửi thấy mùi sơn hay mùi sắt thép ở công trường của ba, Anh Vũ đều bị viêm mũi trầm trọng. Nó như một cách cơ thể “chống đối” lại việc phải làm công việc mà mình không có cảm tình với nó”. Những lúc đó, bao giờ ba Vũ cũng mắng và nói rằng Vũ cố tình trốn việc không chịu làm.

Thế nhưng trong quãng thời gian ấy, có một người hết lòng ủng hộ Vũ được đi trên con đường nghệ thuật, đó là mẹ. Cũng như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác, mẹ của Vũ yêu con vô điều kiện. Bà lén giấu cha Vũ đưa tiền cho con đi học kịch. Có lẽ giai đoạn ấy, chính bản thân bà cũng hoang mang và không dám tin con sau này sẽ thành công hoặc những điều như hiện tại anh đang có. Nhưng tấm lòng của những bà mẹ yêu con hình như giống hệt nhau: Con mình có thể không thành công nhưng ít nhất nó được hạnh phúc vì được làm điều nó muốn và sau này về già, nó sẽ không phải hối tiếc. Bà nói với Vũ rằng: “Con phải phấn đấu làm sao để chứng minh với ba con rằng con đúng, để ổng không la con được nữa, để cho mẹ thấy tự hào về con”. Chính tấm lòng và trái tim của người mẹ là một động lực để cho Vũ phải cố gắng hết sức mình, dù khi đó anh chưa biết được tương lai của mình.

Đó là thời điểm đầu năm 1995, đúng lúc gia đình có chuyện buồn thì một người bạn rủ Vũ đi thi vào lớp kịch ở sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần và không ngờ Vũ đậu. Khi ấy là lớp bồi dưỡng và đạo tạo diễn viên sân khấu kịch, lớp bồi dưỡng là dành cho các nghệ sĩ đã từng đứng trên sân khấu còn lớp đào tạo là lớp dành cho những người mới như Vũ. Anh Vũ nói rằng mình là người may mắn nhất bởi 25 thành viên của lớp đào tạo diễn viên sân khấu kịch ngày ấy, giờ chỉ còn anh trụ lại được với nghề diễn.

Ban đầu, Anh Vũ được các thầy hướng cho vào diễn chính kịch và bi kịch bởi Vũ có ngoại hình đủ để đảm nhận vai trò kép chính trên sân khấu. Thế nhưng ngay lần đầu tiên khi diễn thử, Vũ đã cho thầy và các bạn một trận cười ngặt nghẽo vì “mặt Anh Vũ cười cũng như mếu, mếu cũng như cười”. Lúc đó hai người thầy của Anh Vũ là NSƯT Văn Thành và NSƯT Việt Anh đã hướng cho Vũ theo con đường hài kịch.

Đến bây giờ, Vũ vẫn còn nhớ nguyên cảm giác lần đầu tiên đứng trên sân khấu với vai ông già trong vở kịch “Đi tìm những điều đã mất”. Khi ấy, ngoài hàng trăm khán giả trong rạp hát, còn có một khán giả vô cùng khó tính ngồi phía dưới, đó là cha của anh. Chỉ đến khi khép màn, nhận được tiếng vỗ tay tán thưởng từ phía khán giả, Vũ mới thở phào nhẹ nhõm. Bữa đó về nhà, thay vì bị chửi như nỗi lo sợ thường trực của Anh Vũ, cha anh không còn ngăn cản Vũ theo đuổi ước mơ nữa mà chỉ nói với cậu con trai một câu duy nhất: “Nếu đã theo nghề này thì phải nổi tiếng”. Cho đến bây giờ, Anh Vũ tự hào vì “đã làm được những gì ba mẹ và gia đình anh kỳ vọng”.

 

Ba người thầy lớn trong cuộc đời Anh Vũ

Vũ bảo rằng, anh có được ngày hôm nay, ngoài sự động viên khích lệ tinh thần từ phía những người thân trong gia đình thì có công lao vô cùng lớn của ba người thầy mà anh vô cùng quý mến.

Người thầy đầu tiên cũng là người dạy dỗ và dìu dắt Vũ từ những ngày anh bắt đầu học nghề ở sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần – cố NSƯT Văn Thành. Dù quãng thời gian được học tập và làm việc với thầy ngắn ngủi nhưng để lại trong anh rất nhiều ấn tượng khó quên về một người thầy nghiêm khắc nhưng rất thương yêu học trò. Chính thầy là người nhận ra điểm yếu và điểm mạnh của anh và hướng anh theo con đường hài kịch như chứ không phải diễn chính kích, bi kịch như lúc đầu.

Người thầy thứ hai cũng là người đồng nghiệp cho đến tận bây giờ của Anh Vũ trên sân khấu kịch Phú Nhuận, NSƯT Việt Anh. Mối duyên tiền định đã đưa Anh Vũ đến gặp thầy Việt Anh năm 25 tuổi. Vũ nói rằng, thầy Việt Anh là người đã truyền cho Anh Vũ cả nghề và ngọn lửa tình yêu với nghề. Khi mới học nghề, thầy Việt Anh với lối diễn tinh tế, nhiều chiều sâu đã trở thành thần tượng của Vũ. Khi ấy, nhiều người gọi Vũ là Việt Anh “con” vì anh bắt chước thầy y chang từ cử chỉ, động tác đến cách nhấn nhá của thầy. Thế nhưng dù có cố gắng như thế nào đi chăng nữa, Anh Vũ cũng chỉ là cái bóng mập mờ của thầy bởi thầy diễn quá giỏi và tinh tế. Ngay cả bạn bè trong nghề của Vũ cũng nói rằng, nếu Vũ không thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ có vai diễn thực sự của riêng mình.

Anh Vũ bảo rằng, thầy Việt Anh là người không chỉ dạy anh về nghề mà còn dạy anh cả đạo đức làm nghề. Thầy còn là người dạy anh tính vị tha và trái tim nhân hậu với những người đi sau trong nghề diễn. Anh Vũ kể lại, trong giờ học, thầy Việt Anh là một người vô cùng nghiêm khắc với học trò của mình nhưng ông luôn tìm cách nâng đỡ học trò. Sau những giờ học tập vất vả, thầy thường dắt đi ăn và không bao giờ để học trò phải trả tiền. Thầy cũng khuyên Anh Vũ phải đọc sách thật nhiều, phải xem phim thật nhiều để học thì mới có thể có được chiều sâu trong những vai diễn của mình, để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Cho đến tận bây giờ, dù đã định danh được tên tuổi trên sân kháu hài nhưng Anh Vũ vẫn luôn coi mình là cậu học trò nhỏ bé của thầy Việt Anh. Có bất cứ điều gì cần chỉ bảo, người đầu tiên Vũ tìm đến là thầy bởi thầy là một người hết lòng tận tâm với học trò và cũng là một người thầy lớn trong nghề mà Anh Vũ luôn kính trọng.

Một người thứ ba mà Vũ vừa coi là người thầy, người chị và cũng là một người bạn trong nghề – đó là NSƯT Hồng Vân – “bà chủ” tốt bụng và mát tay của sân khấu kịch Phú Nhuận. Trong mắt Anh Vũ, chị Hồng Vân là một người đồng nghiệp giỏi nghề, đáng để anh phải học tập. Những vai diễn hài của chị Hồng Vân luôn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng của khán giả bởi sự thâm thúy chị gửi lại sau những tiếng cười. Với phương diện là một bầu sô, NSƯT Hồng Vân là người rất mát tay khi lăng-xê những người trẻ tuổi. Bởi chị là người biết nhìn ra được diễn viên hợp với kiểu nhân vật như thế nào, thế mạnh và điểm yếu của mỗi diễn viên để giúp họ phát huy những ưu điểm và hạn chế những khuyết điểm để có thể thành công trên sân khấu. Với tư cách là một người bạn, chị Hồng Vân là người chân thành và nhiệt tình, luôn biết cách quan tâm động viên người khác. NSƯT Hồng Vân là người để Anh Vũ có thể chia sẻ những buồn vui và lo lắng cả trong công việc lẫn trong cuộc sống.

Anh Vũ tự nhận anh là người thẳng tính nên có không ít giai đoạn, anh gặp khó khăn trong nghệ thuật, trong cuộc sống và cả trong mối quan hệ với bạn diễn nữa. Trong những lúc như thế, chị Hồng Vân là người hiểu chuyện và nâng đỡ Vũ rất nhiều, giúp anh có thêm nghị lực vươn lên làm nghề. NSƯT Hồng Vân cũng thường xuyên động viên Anh Vũ sống lạc quan nên dù có nhữn lúc chán nản nhưng chưa bao giờ anh nghĩ tới việc bỏ nghề diễn viên kịch.

Gia đình là lá số tử vi hạnh phúc nhất của cuộc đời

Nhược điểm mà cô giáo thanh nhạc nói với Anh Vũ năm nào khi anh muốn trở thành ca sĩ lại là ưu điểm của anh trên sân khấu hài kịch. Vốn xuất thân từ xóm lao động nghèo, hiểu cuộc sống của những người dân ở tầng lớp dưới của xã hội nên Vũ rất hợp với những vai diễn ba đía, nhiều chuyện, lém lỉnh. Chính giọng nói ngọn đớt và vẻ bề ngoài như bạn bè từng nhận xét là “cười mà như mếu, mếu như cười” năm nào được Anh Vũ khéo léo kết hợp với những điều mình học được trước kia, tạo nên những vai diễn lanh chanh, loắt choắt và liến thoắng rất riêng trên sân khấu kịch khiến cho người ta phải nhớ đến anh, chứ không phải là một Việt Anh “con” phảng phất bóng dáng của thầy thời anh mới vào nghề nữa.

Khi nhỏ, Anh Vũ là người “nhiều chuyện” nhưng bây giờ anh biết rằng tính cách đó chẳng hay ho gì nên không còn như thế nữa. Tuy nhiên có đôi lúc, anh thường lấy điều đó ra để tự hào trong những vai diễn của mình. Anh Vũ nói rằng, anh là người được thừa hưởng rất nhiều từ mẹ, từ khuôn mặt hơi móm móm, cho tới cái duyên và cả tính cách của mẹ anh nữa. Anh nói rằng, mẹ chính là người dạy anh cách sống có đạo đức, khiêm nhường và thương yêu những người khác.

Chả thế mà dù rất kính tổ nghiệp, nhưng anh không ngại giúp đỡ những người có số phận kém may mắn hơn mình. Vũ kể, nhiều lần gặp những người ăn xin, khi anh định rút tiền ra cho thì bạn diễn ngăn lại nói “nghề diễn là nghề ăn mày rồi, nếu lại cho tiền ăn mày nữa thì mất lộc” nhưng anh không sợ điều đó. Bởi anh quan niệm, lộc nghề là do cái đức của mình cộng với sự nỗ lực cố gắng hết mình mà thành, việc giúp đỡ những người có số phận kém may mắn hơn mình là giữ lại lộc chứ không phải làm nó mất đi.

 

Anh Vũ là người không tin bói toán nhưng tin tử vi. Lá số tử vi của anh nói rằng, anh sẽ rất giàu nếu sống xa gia đình nhưng anh lại không muốn điều đó. Với Anh Vũ, gia đình chính là số tử vi lớn nhất bởi anh quan niệm: “Mình có phước mình mới được làm con của ba mẹ, mình có duyên từ kiếp trước, mình mới được gặp các anh chị em của mình. giàu để làm gì khi bên cạnh mình không có ai. Mình làm được tiền thì phải để người thân của mình cùng hưởng với nhau. Nếu không có những người thân yêu bên cạnh thì cuộc sống này không có ý nghĩa gì cả”. Vả chăng, cái lá số tử vi về sự giàu có kia ở mãi tít tận xa xôi, còn những người thân là cái đang hiện hữu trước mắt ta, vậy nên chẳng có lý do gì để mải mê kiếm tìm điều không có thực mà đánh mất đi sự trân quý đối với những điều hạnh phúc đang hiện hữu. Nhất là trong những khoảnh khắc anh tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, gia đình là những người ở bên anh động viên anh nhiều nhất.

Năm 2000, Anh Vũ phát hiện mình mắc bệnh ung thư đại tràng. Khi các bác sỹ phát hiện ra, những tế bào ung thư đã bắt đầu di căn đến gốc gan. Anh nhớ lại: “Vào lúc ấy, bác sỹ nói, chỉ cần tế bào ung thư di căn đến gan, chắc chắn tôi sẽ chết. Tôi vẫn nhớ như in những ngày điều trị tại bệnh viện, tôi thực sự suy sụp. Tôi nghĩ mình mới 30 tuổi, chết thế này trẻ quá. Hơn nữa, tôi đang là người phải gánh vác gia đình, nếu tôi chết đi, ai sẽ lo cho ba má? Ai sẽ lo kinh tế cho gia đình? Càng nghĩ, tôi càng đau khổ, tuyệt vọng”. Nhưng lúc ấy, gia đình chính là nguồn động lực để anh tiếp tục cố gắng.

Anh Vũ nói rằng, tình yêu với nghề cũng là liều thuốc giúp anh kiên cường đứng dậy, vượt qua bệnh tật. Hình như với những người biết quý trọng sự sống khi biết mình có thể chết, họ cháy hết mình khi làm bất cứ điều gì. Anh Vũ cũng không phải ngoại lệ. Và đương nhiên, thành công đến như một phần thưởng tất yếu thưởng cho tất cả những sự cố gắng ấy, Anh Vũ trở thành diễn viên hài đắt sô và được nhiều khán giả yêu quý. Trong ba năm liền, Anh Vũ đều đoạt giải trong chương trình Gala cười nức tiếng trên VTV lúc bấy giờ.

Anh Vũ “khoe” dù còn thiếu thốn nhưng anh vẫn cố gắng cất cho ba mẹ và đại gia đình một ngôi nhà mới ở trên nền nhà cũ. Anh Vũ tâm sự, dù có rất nhiều kỷ niệm với ngôi nhà đã gắn bó với anh suốt những tháng tuổi thơ nhưng anh không thể chịu được cảnh ba mẹ anh đã lớn tuổi nhưng nửa đêm vẫn phải mò dậy hì hục tát nước sông Văn Thánh tràn vào nhà mỗi mùa nước lớn.

Bởi vậy nên cuộc sống của Anh Vũ ít khi buồn, trên sân khấu anh vẫn như con tằm nhả tơ, rút ruột cống hiến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái. Anh bảo, mình bây giờ đang có được quá nhiều. Công việc tốt, gia đình đầm ấm, bạn bè đồng nghiệp thương mến nên không buồn đâu. Mỗi khi buồn, chỉ cần gặp gỡ người thân bạn bè là hết sạch trơn à”.

Dù có vẻ bề ngoài lanh chanh, loắt choắt như con lật đật, hệt như những vai diễn của anh trên sân khấu hài nhưng ngoài đời Vũ là một nghệ sĩ chỉn chu. Anh bảo, mình có ít tính nghệ sĩ trong người nên sống rất có trách nhiệm với gia đình và bản thân. Bao nhiêu năm theo nghề, chưa bao giờ anh dính phải điều tiếng xấu gì khiến cho ba mẹ phải phiền lòng. Không những vậy, anh cũng không thích tụ tập ở những nơi ồn ào, đông đúc như một số nghệ sĩ khác. Anh nói rằng, những tấm gương nghệ sĩ tài danh khi trẻ thì vinh hoa phú quý nhưng không biết giữ gìn nên về già phải sống trong cảnh cô đơn, nghèo đói là tấm gương để cho anh tự răn mình sống điều độ hơn và biết tích lũy cho tương lai, bởi nghề không phải lúc nào cũng thịnh.

Cho đến bây giờ, Anh Vũ đang rất hài lòng với nhữn gì mình đã có. Nhưng như thế không có nghĩa là anh ngừng cố gắng. Vũ bảo, mình còn phải học thêm rất nhiều từ những người đi trước như thầy Việt Anh, chị Hồng Vân, anh Minh Nhí… Anh Vũ quan niệm, không đợi công việc đến thì mới làm mà phải tìm việc để làm bởi nếu không cơ hội sẽ trôi qua mất. Phải chăng, lòng say mê và thái độ nghiêm túc với nghề bao nhiêu năm nay đã đơm thành trái ngọt mà anh thường khiêm tốn nói rằng do mình được “tổ đãi”? Cũng có thể, tổ nghề đã quá ưu ái anh bởi ngoài sân khấu kịch, anh cũng đã được đứng trên sân khấu ca nhạc và hát dân ca trong các chương trình của Đài truyền hình Thành phố với Thúy Trang, Thạch Thảo, Bích Thảo… như ước nguyện của cậu bé Anh Vũ từ thời thơ bé!
Hà Thu
Theo Đang yêu 

Thực hiện: depweb

16/08/2012, 14:30