Nghệ sĩ Đức Hải: Thay đổi trang phục của bác sĩ – Chiếc áo không làm nên thày tu! - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Đức Hải: Thay đổi trang phục của bác sĩ – Chiếc áo không làm nên thày tu!

Sao

Về việc thay trang phục cho bác sĩ, điều dưỡng, y tá bằng cách phân biệt theo màu sắc, theo tôi là việc làm rất cần thiết. Việc này ở các bệnh viên tư nhân họ đã làm từ lâu rồi, họ đã đi trước một bước so với bệnh viện nhà nước. Hãy dẹp bỏ tự ái cá nhân đi, không nên nghĩ rằng, thay đổi màu sắc trang phục là phân biệt đẳng cấp chức vụ. Mà hãy suy nghĩ theo hướng tích cực, việc quy định màu sắc, trang phục cho từng vị trí công việc sẽ hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả hơn… giúp bệnh nhân nhận diện dễ dàng, kể cả từ xa – đâu là bác sĩ, đâu là điều dưỡng, y tá khi cần liên hệ cho nhanh.

Nhưng đừng nghĩ rằng, ngành y thay đổi màu áo để bác sĩ không bị… oan, với lý do, thái độ, ứng xử không tốt của điều dưỡng, y tá thường bị “đổ” chung cho bác sĩ vì cùng chung màu áo blouse trắng.  Oan hay không oan, mặc thế nào đi chăng nữa mà làm không tử tế vẫn có tiếng xấu.

Nghệ sĩ Đức Hải

Tôi nghĩ rằng, cốt lõi của vấn đề không nằm ở quần áo, mà nằm ở bản chất mỗi con người. Sự tận tâm, tử tế của mỗi con người nằm trong sâu thẳm con tim, trong nhận thức của họ. Là người từ tế thì khoác lên người quần áo kiểu gì chăng nữa họ vẫn tử tế. Bác sĩ cũng có người nọ người kia, có bác sĩ đúng là “lương y như từ mẫu”, nhưng cũng có bác sĩ không tận tâm. Y tá, hay điều dưỡng cũng vậy. Vì thế không phải cứ khoác trang phục blouse trắng là sẽ trở thành con người mẫu mực. Hình thức đâu quyết định được nội dung.

Có những bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng xa mắc bệnh nan y về những bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa bệnh, họ không có tiền, trâu bò bán hết cả… đã có nhiều bác sĩ, y tá chung tay góp tiền giúp đỡ họ đấy thôi.  

Cho nên thay đổi trang phục chỉ để nhận diện họ là ai, nhiệm vụ, chức năng của họ là gì để thuận lợi cho bệnh nhân hơn thì tôi ủng hộ. Còn nếu vì lý do thay trang phục để giúp bác sĩ tránh tiếng oan thì không nên, bởi đâu phải ai là bác sĩ cũng tử tế. Câu chuyện ông bác sĩ ném xác cô Huyền xuống sông, hẳn nhiều người vẫn chưa quên. Nên nhớ “chiếc áo không làm nên thầy tu!

Về chuyện thay trang phục cho bác sĩ, có ý kiến cho rằng, thay vì đầu tư trang phục cho bác sĩ hãy ưu tiên mua trang phục mới cho bệnh nhân hay đầu tư trang thiết bị y tế. Nói thế thì rất cực đoan và rất buồn cười. Đừng nên so sánh khập khiễng, cái gì cần làm thì vẫn phải làm.
 
Cho dù, trang phục của bệnh nhân cũ thì nên thay, trang thiết bị y tế luôn luôn cần đầu tư. Nhưng đây là việc nhà nước và dân cùng phải làm, cùng phấn đấu.

Mẫu trang phục bác sĩ và điều dưỡng đang được đưa ra lấy ý kiến

Có một thực tế, trang phục bệnh nhân của bệnh viện tư nhân đẹp và tốt hơn bệnh viện của nhà nước. Nhưng ở bệnh viện tư, bệnh nhân phải nộp nhiều tiền để khám chữa bệnh, tất nhiên dịch vụ phải tốt hơn. Cũng như bạn vào một nhà hàng gọi tô phở 70.000đ thì đương nhiên bạn đòi hỏi phải có máy lạnh, có người đứng bên phục vụ, đũa thìa bóng loáng… Nhưng ăn ở quán bình dân, một tô là 25.000đ thì bạn chấp nhận dịch vụ kém hơn là đương nhiên. Đó là do bạn lựa chọn.

Bệnh viện tư nhân sạch sẽ là thế, còn đòi hỏi bệnh viện nhà nước phải sạch ngay như thế chẳng được đâu. Nhà nước còn đầu tư cho rất nhiều lĩnh vực: giao thông, giáo dục, các công tác phúc lợi… Tôi nghĩ, nếu cứ thấy có sự thay đổi nào đó là kêu gào phản đối thì quá ích kỷ.

Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, đừng mổ xẻ hiểu sai vấn đề, khiến cho cuộc sống mất đi những điều tốt đẹp.

Nghệ sĩ Đức Hải
logo

Thực hiện: depweb

26/05/2015, 15:53