Nghệ sĩ & Đại lộ hoàng hôn…

Giải Grammy sau nhiều năm tụt dốc về lượng người xem, đã trở lại con số kỷ lục với 40 triệu lượt người theo dõi chỉ riêng tại Mỹ, chỉ xếp thứ 2 về lượng người xem sau kỷ lục năm 1984, khi Michael Jackson nhận 8 giải Grammy năm đó. Những ca khúc đỉnh cao, những cột mốc chói lọi của Whitney Houston được nhắc lại trong niềm tiếc nuối của hàng triệu fan trên toàn thế giới. Sau nhiều năm xuống dốc không phanh và gần như bị lãng quên trước sự xuất hiện của các ngôi sao trẻ đương thời, cũng giống như Michael Jackson hơn 2 năm trước, W.H trở lại vị trí đỉnh cao một lần nữa, bằng cái chết của chính mình.

Cũng trong ngày hôm đó, tại giải thưởng của Viện Hàn Lâm Điện ảnh Anh – Bafta, bộ phim câm “The Artist” vơ vét hết các giải quan trọng nhất với 7 hạng mục, trong đó có Phim, Đạo diễn, Nam chính và Kịch bản xuất sắc nhất. Điều này cũng được lặp lại tại giải Oscar diễn ra vào ngày 26/2 vừa qua. Sau những kỹ xảo cháy nổ long trời lở đất, các siêu nhân giải cứu thế giới và các chuyện tình lãng mạn rỗng tuếch, “The Artist” trở lại với những giá trị nguyên bản và thuần khiết nhất từ giai đoạn đầu của điện ảnh. Một bộ phim hoàn hảo, vừa ngọt ngào vừa cay đắng, vừa tôn vinh vừa giễu nhại bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Câu chuyện của một ngôi sao phim câm ở bên kia dốc của sự nghiệp khi điện ảnh có tiếng nói bắt đầu xuất hiện. Từ một ngôi sao kiêu hãnh, anh chàng George Valentin cay đắng khi trở thành một kẻ bên lề, bị nhà sản xuất bỏ rơi và khán giả lãng quên, phải bán hết những kỷ vật để sống, chìm trong men rượu, hủy hoại bản thân và thậm chí còn định tự sát. Làm sao trách được nhà sản xuất, họ chỉ muốn kiếm tiền đầy túi. Ai trách được khán giả, họ vốn xu thời.


The Artist



Sunset Boulevard

Xem “The Artist” không thể không nhớ đến “Sunset Boulevard”, cũng là một kiệt tác về Hollywood, một bộ phim trong phim. “Sunset Blvd” ra đời cách đây hơn 60 năm, (1950, nhận 11 đề cử Oscar, luôn nằm trong top những bộ phim hay nhất mọi thời đại), một mẫu mực về kịch bản điện ảnh cũng kể câu chuyện về một nữ hoàng phim câm bị lãng quên trong thời phim có tiếng, nhưng ảo tưởng điên loạn và mộng du vẫn khiến bà ta nghĩ mình là ngôi sao và trung tâm của vũ trụ. Hai kịch bản hoàn hảo về Hollywood thời chuyển giao và thân phận của người nghệ sĩ khi đã qua đỉnh cao, nhưng có hai hướng phát triển kịch bản khác nhau. “The Artist” có cái kết quá ngọt ngào và hơi “Hollywood”. Trong khi “Sunset Blvd” thì cay đắng hơn nhiều. Nhưng cả hai phim này đều quá giỏi khi mô tả thân phận của người nghệ sĩ và bi kịch cay đắng của họ khi đã hết thời.

Trong cuốn tiểu luận “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, Haruki Murakami viết một đoạn rất hay về sự “cạn nguồn văn chương” của nhà văn.

“Một số nhà văn lúc còn trẻ viết những tác phẩm tuyệt vời, đẹp đẽ, ấn tượng, nhận ra rằng khi họ đến một độ tuổi nào đó thì sự cạn kiệt đột nhiên ập đến. Thuật ngữ “cạn nguồn văn chương” hoàn toàn phù hợp ở đây. Những tác phẩm về sau của họ có thể vẫn đẹp đẽ, và sự cạn kiệt của họ có thể truyền đạt ý nghĩa riêng biệt của nó, nhưng rõ ràng là năng lực sáng tạo của nhà văn này đang xuống dốc.

Tôi tin rằng đó là kết quả của việc sinh lực thể chất của họ không thể vượt qua được chất độc mà nó đang phải đối phó. Sức sống thể chất cho đến nay vẫn một cách tự nhiên khắc phục được độc chất, song nay nó đã vượt qua đỉnh của nó rồi, và tác dụng của nó trong hệ miễn nhiễm của họ dần dần tiêu hao đi. Khi điều này xảy ra thì nhà văn khó mà vẫn còn khả năng sáng tạo bằng trực giác. Sự cân bằng giữa năng lực tưởng tượng và các năng lực thể chất duy trì nó đã rạn vỡ. Nhà văn chỉ còn cách vận dụng các kỹ thuật và phương cách y đã trau dồi, sử dụng một kiểu nhiệt còn sót lại để đúc gì đó thành một cái gì như một tác phẩm văn học – một phương pháp khiên cưỡng không thể nào là một hành trình thú vị. Một số nhà văn có thể tự vẫn vào giai đoạn này, trong khi những người khác từ bỏ viết lách và chọn con đường khác”. (*)

Cái “cạn nguồn văn chương” của nhà văn thực ra cũng không khác mấy với “cạn nguồn sáng tạo” hay “hết thời”, “bên kia dốc sự nghiệp” của nghệ sĩ điện ảnh hay âm nhạc. Nhưng hào quang của giới nghệ sĩ trên sàn diễn hay trên phim trường lớn hơn rất nhiều so với nhà văn, nên khi qua đỉnh cao, nó cũng dễ “giết” họ hơn.

Nhà văn đối diện với chính mình, sáng tác độc lập, chỉ có anh ta và trang giấy (bàn phím) trước mặt. Khi tác phẩm được công bố rộng rãi, được công chúng đón nhận, được giới phê bình khen ngợi, được nhà xuất bản sủng ái, anh ta mới biết tới hào quang. Độc giả của văn chương cũng có cách hâm mộ nhà văn lặng lẽ hơn là sự tung hô và cuồng loạn của đám đông khán giả âm nhạc hay điện ảnh. Nhưng sự “cạn nguồn văn chương” của nhà văn và “cạn nguồn sáng tạo” của giới nghệ sĩ điện ảnh, âm nhạc cũng khủng khiếp như nhau. Nói như Murakami, khi “sinh lực thể chất không thể vượt qua được chất độc mà họ đối phó”, đó là lúc họ có thể nghĩ đến chuyện “tự vẫn”.

Yukio Mishima tự sát bằng cách mổ bụng như một võ sĩ đạo. Yasunari Kawabata tự sát bằng khí ga. Ryunosuke Akutagawa chọn cái chết như một sự giải thoát kiếp trần. Dazai Osamu thì năm lần bảy lượt tự sát vì “thất lạc cõi người”, vật vã giữa bế tắc sáng tạo và chán ghét cuộc sống. Ernest Hemingway tự sát bằng một khẩu súng ở cuối đời vì bệnh tật, vì bị CIA theo dõi, nhưng hơn hết, chắc vì những con chữ đã không còn tuân phục một nhà văn lấy chữ làm mệnh sống ở đời. Nhà thơ nữ Sylvia Plath tự tử bằng khí ga trong khi nhà văn nữ Virginia Woolf trầm mình xuống nước để chọn cách giải thoát cuộc đời. Hầu hết họ đều chết ở cái giai đoạn mà Murakami nhắc tới – “cạn nguồn văn chương”.

Với giới nghệ sĩ biểu diễn, cái “chất độc mà họ đối phó” không chỉ là sự cạn nguồn sáng tạo mà còn là sự tan rã của cơ thể bởi lạm dụng chất kích thích và các “chất độc” từ thuốc. Murakami nói “Khi cơ thể tan rã thì tinh thần (rất có thể) không còn”. Và chính điều này dễ giết chết họ hơn. Marilyn Monroe, James Dean, Heath Ledger, Jim Morrison, Kurt Cobain, Amy Winehouse, Janis Joplin, Jimi Hendrix… đều chết vì tự hủy hoại bản thân, không tự sát thì cũng sốc, lạm dụng thuốc. Nhóm này không hẳn chết vì cạn nguồn sáng tạo mà chết vì áp lực sáng tạo và áp lực của danh tiếng. Whitney Houston, Michael Jackson, Alexander McQueen… thì từ áp lực sáng tạo rồi lạm dụng thuốc, trở thành nạn nhân của thuốc và cuối cùng là cạn nguồn sáng tạo.


Whitney Houston

Cái vòng luẩn quẩn đó khiến họ tự sát như Alexander McQueen hoặc đột tử vì thuốc là Jackson hay Houston. Với sự nhạy cảm của những nghệ sĩ sáng tạo như Jackson hay Houston, chẳng có ai thấy khủng khiếp hơn họ về sự bất lực của bản thân trước sự sáng tạo. M.J hay W.H đều cố hết sức mình để quay trở lại hào quang nhưng đều thất bại. Sự thất bại đó càng khiến họ lạm dụng thuốc và các chất kích thích, để rồi sự rệu rã của thân xác, sự bế tắc và cô đơn càng khiến họ cách xa tinh thần sáng tạo. Chỉ có cái chết mới giúp họ hồi sinh ở đỉnh cao một lần nữa…

(*) “Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ” – tự truyện của Haruki Murakami (Thiên Nga dịch). Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2011.

 Lâm Lê


From the same category