Nghệ sĩ Bùi Công Duy: Bộ Giáo dục ơi, nếu sai đừng ngại làm lại! - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Bùi Công Duy: Bộ Giáo dục ơi, nếu sai đừng ngại làm lại!

Sao

Quan tâm đến cái ngọn nhưng không được coi nhẹ phần gốc

Cuối cùng thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp và đại học đã bắt đầu được công bố, và chuyện, có em đỗ đại học nhưng không đỗ tốt nghiệp đã xảy ra – như dự đoán. Từ ban đầu, cá nhân tôi không ủng hộ sự thay đổi này, vì tôi thấy đây là cách làm chỉ quan trọng phần ngọn mà quá coi nhẹ cái gốc. Dù tôi hiểu, chuyện cắt giảm các kỳ thi là do hiện nay chúng ta eo hẹp về kinh tế. Nếu có khả năng xoay chuyển được, tôi sẽ thay đổi điều này theo chiều ngược lại.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy

Hiện nay giáo dục đang phát triển theo xu hướng xã hội hóa, đó là một xu hướng tốt. Nhưng xã hội hóa trong mọi lĩnh vực xưa nay chỉ để đổi lại những thứ mang tính phổ cập, còn những gì cần làm một cách bài bản, mang tính quốc gia, thì nhất định phải là công việc của nhà nước, cần có sự đầu tư từ gốc. Cách giải quyết vấn đề thi cử hiện nay đang minh chứng rằng, giáo dục đang bị đánh đồng với nhiều vấn đề khác, hoặc chí ít, trong giáo dục, các biện pháp dành cho yếu tố gốc đang bị xem nhẹ: cắt giờ học, giảm giờ học và đến bây giờ là giảm thiểu cả các kỳ thi. Trong khi, kết quả bền vững của giáo dục không thể được tạo ra nhanh bằng cách đi tắt, đón đầu. Giáo dục cần nền tảng và chiều sâu, mà để có chiều sâu thì không thể đi nhanh và đi tắt được.

Tôi nghĩ mô hình gộp hai kỳ thi có thể rất phù hợp với các nước tiên tiến, phù hợp với những đất nước trình độ dân trí cao. Còn ở Việt Nam, dân trí còn thấp, mình phải lo bù khuyết, lo lấp đầy các lỗ hổng trước tiên. Cứ nhìn một đứa trẻ sẽ thấy, nhân cách của trẻ bao giờ cũng phải được nuôi dưỡng từ thơ ấu mà lên. Sự giáo dục cho một con người cũng phải đi theo các bước từ từ như vậy.

Trong trường hợp, việc giảm các kỳ thi vẫn phải diễn ra, Bộ Giáo Dục trước hết phải tính toán để nâng cấp được chất lượng các kỳ thi còn lại. Cũng như vậy, nếu cắt giảm các môn thi, thì nhất định các môn thi bắt buộc, thí sinh phải đạt được trình độ cao hơn.

Tôi không biết các ngành khác thế nào, nhưng ở ngành nhạc, việc bỏ đào tạo sơ cấp, trung cấp, chấp nhận các sinh viên là học sinh xong cấp thi thẳng vào đại học là một việc không ổn chút nào. Cho dù, các em có thể thi được vào hệ đại học, nhưng nếu các em bỏ học sơ cấp, trung cấp, kiến thức nền tảng về nghệ thuật và âm nhạc của các em không cách nào bù khuyết được chỉ trong vài năm đại học.

Sinh viên trường Đại học Mỏ Hà Nội chụp hình lưu niệm trước khi ra trường (Ảnh: Nguyễn Công Đại)

Tôi ví dụ, chúng ta đánh thắng giặc một trận và coi đó là kết quả vẻ vang, nhưng người chuyên nghiệp sẽ tính phải thắng 20 trận mới đủ tiêu chí đánh giá là chuyên nghiệp. Người Việt mình có khả năng rất thiên tài trong việc “khắc phục tình thế”. Cụ thể, một người không có gốc vẫn có thể làm được việc ở trên ngọn. Nhưng một cái cây bị rỗng ở gốc hoặc ở giữa thân, nó sẽ dễ bị đốn gã bất cứ lúc nào. Cũng như vậy, người thông minh có thể khắc phục tình thế, nhưng nếu không có gốc rễ và không được đào tạo bài bản, họ không cách nào đi đường dài được.

Nhìn ra thế giới, các ngành học như âm nhạc hay ballet hiện nay độ tuổi trung bình của trẻ bắt đầu đang ngày càng hạ thấp. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, độ tuổi trung bình học nhạc của họ là 4, hiện tại họ đang phấn đấu đi trước thế giới để hạ độ tuổi trung bình của trẻ bắt đầu học nhạc xuống là 2 tuổi. Điều đó có nghĩa, càng ngày Hàn Quốc càng quan trọng cái gốc. Nhưng ở Việt Nam, độ tuổi trung bình cho trẻ học đàn là 5 tuổi, dần dần mình tăng lên 7 tuổi và bây giờ tuổi trung bình của trẻ bắt đầu học đàn là 9 tuổi. Một đứa trẻ 9 tuổi mới cầm đàn thì dù tài năng cũng không thể so sánh được với một đứa 9 tuổi đã biết đánh cơ bản tất cả mọi thứ rồi.

Không có quyết định nào hoàn toàn chỉ là tiêu cực

Tôi nghĩ cắt hay thêm các kỳ thi không phải là chuyện nghiêm trọng, quan trọng là mình phải bình tĩnh xem từng việc, thấy bệnh ở đâu phải dừng lại gỡ ở đấy.

Sở dĩ tôi vẫn giữ quan điểm bảo thủ, phải đi từng bước, dù chậm, vì tôi thấy chúng ta đang bị rỗng. Hiện nay cái khung nhà của chúng ta đã cũ lắm, mọt lắm, nếu vẫn muốn lắp cái ngọn đẹp đẽ lên, chẳng chóng thì chày người ta sẽ thấy sự chệch nhau.

Vì vậy, tôi phải chia sẻ quan điểm thực sự của mình là, tôi không ủng hộ phương án các em đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp sẽ vẫn được vào đại học. Chúng ta có thể đồng ý với việc phổ cập trung học, nhưng đại học là bắt buộc phải chuyên nghiệp. Mà cái gì gọi là chuyên nghiệp, phải chuyên nghiệp thực sự. Muốn có chuyên nghiệp, anh phải có cơ bản tốt đã, cũng như muốn xây nhà thì anh phải có móng vững.

Dù không ủng hộ chính sách thay đổi lần này của Bộ Giáo dục, nhưng tôi ghi nhận việc họ đã dám làm. Việc dám thay đổi, tôi nghĩ là tín hiệu tốt. Việc chúng ta mạnh dạn thử các mô hình khác nhau là rất đáng hoan nghênh. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, nếu có thay đổi nào đấy trong tương lai, xin đừng làm đột ngột quá. Hiện mọi quyết định của mình đều ở trạng thái quay đầu 180 độ, không hề để học sinh và giáo viên có sự chuẩn bị những cái tối thiểu để chiến đấu hoặc tìm cách thích ứng với sự thay đổi ấy.

Ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, chúng ta phải chấp nhận nhiều chính sách chưa nhất quán. Nhưng tôi nghĩ, nguy hiểm nhất là sợ sai và không làm gì cả. Chúng ta phải dũng cảm, nếu sai thì làm lại. Đừng coi chuyện sai là cái gì tội lỗi, vì trong cái sai vẫn có mặt tích cực của nó. Không có một quyết định nào tiêu cực hoàn toàn. Và Bộ Giáo dục cũng thế, nếu sai đừng ngại làm lại!

Thực hiện: depweb

19/07/2015, 23:04