Một cách tình cờ, khi bữa tiệc nghệ thuật được mong chờ nhất trong năm 2016 – đêm công diễn chương trình “Paris Ballet” của những vũ công ngôi sao hàng đầu thế giới đến từ Pháp, lại có đến hai nhân vật quan trọng có liên quan đến Việt Nam. Đó là vũ công Mathilde Froustey có một phần dòng máu Việt và Giám đốc nghệ thuật Frederic Fontan – người có cha từng làm việc nhiều năm tại Hà Nội.
Đẹp Online đã có cuộc gặp với Mathilde Froustey trước khi buổi diễn của “Paris Ballet” chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, đêm 11/6.
Mathilde Froustey là vũ công ngôi sao của San Francisco Ballet từ năm 2013, cô là vũ công khách mời của “Paris Ballet” tại Hà Nội lần này. Mathilde Froustey mang trong mình một phần dòng máu Việt. Bà ngoại của Mathilde Froustey là một phụ nữ Việt Nam.
– Chị có bà ngoại là một người Việt Nam, trước chuyến công diễn này, chị đã từng đến Việt Nam chưa?
– Đó là năm 2008, tôi có một kỳ nghỉ 1 tháng rưỡi, tôi muốn tặng bà chuyến đi này và muốn cùng bà trở về quê hương. Trước chuyến khởi hành, bà đã quyết định không đi cùng tôi, tôi nghĩ bà sợ sự trở về sẽ là một cú shock tâm lý nào đó, thêm nữa, tuổi bà cũng đã cao. Dù không có bà, nhưng tôi vẫn quyết định đến Việt Nam một mình.
– Tại sao chị vẫn đi, dù chỉ có một mình?
– Hồi nhỏ tôi sống cùng bà, tôi thấy bà là người phụ nữ khác lạ, ngay từ khuôn mặt, bà không giống những người bà của bạn bè tôi ở trường. Rồi tôi bị cuốn hút về Việt Nam qua những câu chuyện bà kể. Tôi luôn tò mò tự hỏi: Việt Nam là cái gì? Nó là một hòn đảo, một con tàu hay là một hành tinh khác và tôi muốn khám phá nó. Khi đến Việt Nam, tôi thực sự bị cuốn hút bởi con người và ẩm thực nơi đây.
Điều tuyệt vời là, lần đầu tiên đến Việt Nam dù chỉ một mình nhưng tôi không cảm thấy cô đơn, tôi được rất nhiều người giúp đỡ, được ăn rất nhiều món ngon. Tôi nhớ, ngay ngày đầu tiên sau khi đến Sài Gòn, tôi bị lệch múi giờ và không thể ngủ, tôi đã dậy sớm rồi đi ra chợ, tôi thực sự bị cuốn hút bởi màu sắc của những gia vị bày bán trên chợ và mùi phở thơm lừng. Tôi đã vào cửa hàng phở gần chợ ăn một tô thật lớn. Nó quá tuyệt vời. Chuyến đi thú vị đã kéo dài 3 tháng, thay vì 1 tháng rưỡi như dự định ban đầu.
– Là một người phụ nữ, chị thấy mình giống và khác người bà Việt Nam của mình như thế nào?
– Tôi thấy mình rất giống bà, từ vóc dáng: xương nhỏ, mảnh mai và yểu điệu. Tôi còn giống bà tính “cứng đầu cứng cổ” nữa. Bà là một người đặc biệt bướng bỉnh, bà hay nói với tôi: “Bướng bỉnh là khía cạnh Việt Nam của bà, cháu đừng có can thiệp” (cười). Bà là người mềm dẻo nhưng lại rất quyết đoán. Khi bà muốn một điều gì đó, bà sẽ làm bằng được, và tôi giống bà y chang ở đức tính này. Nó cũng là thứ giúp tôi có thể vượt qua được nhiều khó khăn trong quá trình rèn luyện để trở thành một vũ công ngôi sao như hiện tại.
– Danh hiệu vũ công ngôi sao có ý nghĩa thế nào với một nghệ sĩ ballet?
– Vũ công ngôi sao là người được múa một mình, được diễn vai chính trong các vở lớn như “Hồ Thiên Nga” hay “Kẹp hạt dẻ”… Trở thành vũ công ngôi sao là giấc mơ của bất cứ người nào theo nghiệp múa. Chúng tôi tham gia vũ đoàn, giống như tham gia vào một trang trại quân đội, phải trải qua tất cả các cấp bậc và trong số đó sẽ có người trở thành vũ công ngôi sao nhờ sự khổ luyện. Khi trở thành vũ công ngôi sao, bạn có thể tự do múa theo cách của mình, khán giả sẽ đến xem vở diễn dựa theo tên của các vũ công ngôi sao thể hiện tác phẩm đó.
– Chị đã phấn đấu thế nào để trở thành một vũ công ngôi sao?
– Hành trình đi đến vị trí này của tôi cũng như bao đồng nghiệp, không hề dễ dàng. Chưa kể, tôi còn đến với ballet muộn hơn các đồng nghiệp khác, khi mà 9 tuổi tôi mới bắt đầu làm quen với giày mũi cứng. Tuy vậy tôi vẫn nỗ lực phấn đấu để đạt được ước mơ. Nhưng khi giấc mơ trở thành vũ công ngôi sao đã hiện hữu, thật kỳ lạ, tôi thấy mọi thứ xung quanh mình dường như chững lại, không chuyển động nữa. Tôi quyết định dời Paris đến Mỹ. Cuộc đời một nghệ sĩ sáng tạo có lẽ rất cần những cánh cửa mở ra những chân trời mới để mình có thêm cảm hứng và năng lượng tiếp tục sáng tạo. Lý do đến Mỹ đầu quân cho Nhà hát San Francisco Ballet của tôi là như vậy.
– Tôi được đào tạo ballet ở Pháp – ảnh hưởng nặng phong cách ballet kiểu Pháp (chú trọng vào sự chuẩn xác của từng cử chỉ nhưng có gì đó rất thanh tao). Khi đến Mỹ, tôi tìm cách phù hợp với ballet Mỹ (với những bước nhảy mạnh hơn, nhiều năng lượng để phù hợp với cuộc sống sôi động ở đây) và nhận ra, múa ballet ở Mỹ cũng rất vui. Nhưng tôi vẫn giữ lại những nét cơ bản của ballet Pháp. Còn yếu tố có một phần dòng máu Việt giúp tôi từ bé đã có giấc mơ khám phá về vùng đất cội nguồn của mình. Và những chuyến đi đến Việt Nam đã cho tôi mở rộng tầm mắt, có thêm những chân trời mới, nó giúp tôi cảm thấy mình giàu có hơn – Điều này thực sự cần thiết đối với một người làm sáng tạo.
– Trong tôi có sự sinh động của Quiterie trong “Don Quichotte”, lãng mạn và rất Pháp như cô bé Clara trong “Kẹp hạt dẻ”, đằm thắm như Juliet trong “Romeo và Juliet”. Tôi nghĩ mình là sự trộn lẫn của ba nhân vật đó.
– Đến Việt Nam lần này, chị sẽ mang vai diễn nào lên sân khấu?
– Tôi sẽ diễn một trích đoạn của “Don Quichotte”, và “Kẹp hạt dẻ”. Đây là hai vở ballet truyền thống cổ điển tinh túy. Tôi sẽ vừa thể hiện con người mong manh trong “Kẹp hạt dẻ” và sự sinh động trong “Don Quichotte”. Đặc biệt trong “Don Quichotte” tôi phải thể hiện những động tác rất khó về kỹ thuật, trong đó có một kỹ thuật foutée – một kỹ thuật khó nhất của ballet cổ điển (vũ công phải quay 32 vòng liên tiếp trên một chân – PV). Tôi thực sự mong chờ đêm diễn sẽ sớm diễn ra để có thể gặp được khán giả Việt Nam, những khán giả tôi đã chờ đợi từ lâu có dịp được trình diễn cho họ.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Mathilde Froustey
Bài: Hải Khôi (ghi)
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp