Nghệ nhân Vĩnh Tuấn: “Trí Nguyễn biết người biết ta đó”

Với những người nghiên cứu âm nhạc dân tộc, đặc biệt là nhã nhạc cung đình Huế, thì cái tên nghệ nhân Vĩnh Tuấn không còn xa lạ. Là hậu duệ 5 đời của vua Minh Mạng, cháu ngoại danh cầm đại nội Hồng Quang Mậu, những năm 1970, Vĩnh Tuấn chính là người tổ chức ghi âm nhã nhạc cung đình Huế khi vẫn còn khá nhiều “cao thủ” nhã nhạc trong đại nội. Băng nhạc này, mấy chục năm sau, là cơ sở để giáo sư Trần Văn Khê và các nhà nghiên cứu đệ trình lên UNESCO xin công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho nhã nhạc.

Ông đã lui về ở ẩn hơn 30 năm qua, nhưng mỗi khi cần, nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước vẫn tìm đến ông một “kho tàng” tư liệu âm nhạc cổ truyền quý giá. Khi được hỏi về cuộc ngao du của Trí Nguyễn và đàn tranh trong dòng chảy âm nhạc thế giới, nghệ nhân Vĩnh Tuấn đáp: “Tôi khâm phục điều mà cậu ấy làm được”.

nghe-nhan-vinh-tuan-3-copy

– Chào ông, sau thời gian dài “ở ẩn”, cách đây không lâu khán giả Sài Gòn lại được thấy ông cùng các học trò của mình chơi đàn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, có phải tiếng đàn của nghệ nhân Vĩnh Tuấn sẽ trở lại?

– Tôi và gánh nhạc gia đình vẫn âm thầm đi diễn đấy thôi. Chơi đàn trên phố Nguyễn Huệ là lần lưu diễn gần đây, nhưng cũng đã 2 năm rồi. Tôi nghĩ, phố đi bộ là nơi lí tưởng để âm nhạc tiếp cận gần nhất với người nghe. Tôi muốn người dân không lãng quên một loại hình nghệ thuật truyền thống với những giá trị cao đẹp về văn hóa và lịch sử.

– Là nghệ nhân chơi và làm đàn tranh, hẳn ông có nghe nói về Trí Nguyễn và những sáng tạo của anh với cây đàn dân tộc?
– Tôi không chỉ nghe nói mà đã gặp Trí trong chuyến thăm Pháp. Trí là một nghệ sĩ đặc biệt, không nhiều người có thể vừa chơi tốt nhạc hiện đại phương Tây vừa thấu tỏ nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nếu nhạc phương Tây lấy sự chuẩn xác làm gốc, thì nhạc dân tộc lấy sự linh động làm cốt lõi. Một bên diễn tả tác phẩm theo ý đồ tác giả, một bên thể hiện theo sự ngẫu hứng của người chơi đàn. Một bên trình diễn cho công chúng, một bên cất tiếng đàn chỉ cho mình hay người tri kỉ. Một bên lấy sự hòa hợp của đa âm để diễn tấu, một bên lấy đơn thanh luyến láy mà trải nỗi lòng.

Với cây đàn tranh 16 dây, Trí Nguyễn đã tung tẩy trong thế giới âm nhạc, dùng đơn âm của đàn tranh để hòa giọng cùng các nhạc cụ phương Tây mà vẫn không làm mất đi hồn cốt của nhạc cổ truyền. Tôi khâm phục điều mà Trí làm được.

nghe-si-tri-nguyen-dan-tranh-3a-copy

– Đàn tranh trước giờ chỉ gói gọn trong biên giới quốc gia, hay trong những nghiên cứu hàn lâm về âm nhạc. Cách song hành mà Trí Nguyễn lựa chọn, theo ông, có phải là một sự liều lĩnh?
– Không liều lĩnh đâu, đây là việc làm biết người biết ta đó. Trước Trí, có không ít người thể nghiệm, nhưng cái hồn của nhạc cổ truyền khó hiển lộ nếu dùng đa âm của đàn tranh. Chơi đàn tranh theo thể ngũ cung, chỉ cần nhích con nhạn lên 1mm thì âm thanh đã khác đi nhiều, biến đổi thiên hình vạn trạng, trong khi nhạc Tây dù thất cung cũng chỉ có 14 cao độ. Tôi trân quý Trí Nguyễn vì anh giữ nguyên được tinh thần ấy trong tiếng đàn của mình.

– Ông cùng gánh hát của mình ngao du khắp chốn để lưu truyền vốn cổ dân gian. 30 năm sau, Trí Nguyễn cũng thực hiện những chuyến đi như thế, chỉ có điều xa hơn, ra khỏi biên giới. Ông có thấy hai hành trình này giống nhau?

– Ngày xưa, tôi từng chơi kèn clarinette và đi lưu diễn với các nghệ sĩ nước ngoài, mục đích là để giữ khán giả ở lại nghe phần hai, khi đó tôi chơi nhạc dân tộc. Giờ Trí thuận lợi hơn chúng tôi ngày xưa nhiều, mà cậu ấy cũng tài hoa, đẹp trai hơn nữa (cười).

Cảm ơn ông!

NGHỆ SĨ TRÍ NGUYỄN: NGƯỜI TỪ XỨ LẠ

Trí Nguyễn tự mô tả về mình như vậy.

30 năm xa quê là chừng ấy thời gian anh sống giữa hai bờ thế giới.

“Dù đi đâu, ở đâu, tôi vẫn là người Việt” không chỉ là lời khẳng định về cội nguồn, mà còn là “danh tính” Trí Nguyễn lựa chọn cho âm nhạc của mình.

Với mong muốn nhạc dân tộc không chỉ đẹp trong “bảo tàng”, mà phải được “sinh sôi”, được thay đổi và đi xa hơn ngoài biên giới, Trí Nguyễn đã cùng cây đàn tranh ngao du khắp chốn, hòa điệu cùng những tâm hồn, bất chấp mọi khác biệt về cả thời gian lẫn không gian. Thế nhưng, mỗi cuộc trở về của anh lại lặng lẽ, nhỏ nhẹ như một người đi xa ghé thăm nhà.

Đọc thêm:

Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam

– Nghệ sĩ Teca Calazans: “Sự say mê của Trí Nguyễn luôn khiến tôi thích thú”

– Nghệ sĩ Gurujas Kaur Khalsa – Ứng cử viên Grammy 2017: Âm nhạc có thể hàn gắn thế giới

– Nghệ nhân Vĩnh Tuấn: “Trí Nguyễn biết người biết ta đó”

– Nghệ sĩ violon Sơn Mạch: “Ở Việt Nam, ít người biết về Trí Nguyễn”

Tổ chức: Thùy Anh – Ảnh: Nhân vật cung cấp


From the same category