Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta mặc nhiên xem rằng những hàm răng mọc lộn xộn, ngả màu chính là răng xấu, cần được can thiệp, điều chỉnh để trở nên trắng, đều và đẹp hơn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, đặc biệt là ở Nhật, hàm răng khấp khểnh (gọi là yaeba) lại có thể trở thành mốt. Rất nhiều người đã đến nha sĩ nhờ chỉnh hình để có hàm răng khấp khểnh như một cách làm đẹp cho nụ cười của họ. Những người này cho rằng đó cũng là cách để họ thấy mình trẻ trung, đáng yêu hơn.
Bỏ qua chuyện thẩm mỹ mà mọi người lớn đều quan tâm, chúng ta đừng quên một số điều quan trọng để bảo vệ và giữ gìn răng cho bé. Điều cần thiết đầu tiên là răng phải khỏe.
“Tập đoàn” răng sữa
Không phải đợi đến khi ra đời và lớn dần theo năm tháng, các bé mới mọc răng mà ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ, hệ răng sữa của con đã được hình thành. Chính vì vậy mà nhiều bé ngay khi vừa chào đời đã có răng. Một vài thống kê cho thấy, cứ khoảng 2000 bé sinh ra sẽ có 1 bé có răng sữa. Còn lại, thông thường, chiếc răng sữa đầu tiên của “tập đoàn” gồm 20 cái sẽ nhú lên khi bé ở tháng thứ sáu. Những bạn răng khác cứ thế nối tiếp nhau xuất hiện đều đều sau mỗi bốn tháng. “Tập đoàn” răng sữa sẽ hoàn thiện khi bé ở vào khoảng 2 đến 2,5 tuổi. Từ tuổi lên 5, các bé bắt đầu thay răng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không hề thay răng hoặc không thay toàn bộ răng sữa.
Bác sĩ của cả cuộc đời
Đừng nghĩ chỉ khi răng có vấn đề mới cần phải đến nha sĩ. Gặp bác sĩ khám răng luôn là điều có ích. Ngay từ khi bé có chiếc răng đầu tiên là đã cần làm quen với bác sĩ khám răng rồi. Ngoại trừ các bé có răng từ lúc mới lọt lòng, còn lại, lứa tuổi thích hợp để bé đi khám răng lần đầu là khi vừa lên 2. Việc thăm khám sớm sẽ giúp nha sĩ kiểm soát được sự hình thành, phát triển răng của bé. Dựa vào những thói quen sinh hoạt, ăn uống, nha sĩ sẽ tư vấn hoặc can thiệp để đảm bảo răng bé được chăm sóc tốt. Đừng quên giúp bé thấy rằng mỗi lần gặp bác sĩ khám răng cũng như làm một việc có ích nên cần sẵn sàng với thái độ tích cực, và cố gắng giữ lịch khám định kỳ cho đến suốt cuộc đời.
Những con sâu đầu tiên
Thói quen bú bình là một trong những nguyên nhân dễ gây sâu răng nhất ở trẻ, nếu người lớn không giúp con đúng cách. Từ bình sữa, bé được bú đủ loại sữa mẹ, sữa pha, nước trái cây. Những chất lỏng này bao quanh răng trong thời gian dài sẽ dẫn đến sâu răng, từ răng cửa trên đến răng cửa dưới. Do vậy, đừng để bé đi ngủ với bình sữa hay nước trái cây trong miệng. Nếu bé bú mẹ, tránh cho bú liên tục. Sau mỗi lần bé bú, hãy lau sạch răng và nướu của bé bằng khăn hay gạc ẩm, sạch. Nếu răng sữa bị hỏng, bé sẽ phải gặp một số hệ lụy như: sâu răng, mất răng, lệch răng vĩnh viễn, đau nhức và ảnh hưởng đến cả vấn đề nghe, nói.
Mút ngón tay và ngậm núm vú
Thói quen này là bình thường và không có hại nhưng lại có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của miệng, hàm và vị trí của các răng nếu vẫn tiếp tục diễn ra sau khi răng vĩnh viễn đã mọc (4-7 tuổi). Thói quen này làm cho răng trước chìa ra ngoài (thường gọi là răng hô) và răng cắn hở. Đây là một trong những nguyên nhân của các vấn đề răng miệng khi trưởng thành như: mòn răng, sâu răng và khó chịu khi nhai. Việc ngậm núm vú sau khi răng vĩnh viễn đã mọc cũng có thể gây ra những hậu quả tương tự.
Thở và răng
Thở bằng miệng hay bằng mũi cũng có liên quan đến sự phát triển của răng. Các bé mắc một số bệnh đường hô hấp, bị viêm họng, viêm xoang thường phải phải thở bằng miệng do mũi nghẹt. Sau khi hết bệnh, bé vẫn có thói quen thở bằng miệng nhiều hơn mũi sẽ làm ảnh hưởng đến răng. Khi thở bằng miệng, môi và lưỡi không ở thế cân bằng sẽ khiến hàm trên có xu hướng bị hô. Vì vậy, việc chăm sóc răng miệng cần luôn đi kèm với việc chăm sóc hệ hô hấp của bé.
Trẻ em dùng kem đánh răng của người lớn thì sao?
Bạn cần biết một số lý do đừng bao giờ cho trẻ dùng kem đánh răng dành cho người lớn. Nồng độ fluor trong kem đánh răng của người lớn thường ở mức 1.000 – 1.500ppm, trong khi loại được khuyên dùng dành cho trẻ em chỉ ở khoảng 400 – 500ppm. Hầu như các bé nhỏ đều nuốt ít nhất là một nửa lượng kem đánh răng nên nếu dùng loại dành cho người lớn có thể bé sẽ bị nhiễm fluor trên răng.
Tuy nhiên, bạn không cần quá căng thẳng vì có thể cho bé tập dùng loại kem dành cho trẻ em. Loại này có vị ngọt, mùi thơm như kẹo nên hầu như bé nào cũng thích và nếu lỡ có nuốt một chút cũng không sao. Khi bé đã quen với việc đánh răng và lớn dần, bạn có thể chuyển từ loại kem dành cho trẻ em sang loại có thể phòng chữa bệnh cho răng (chứa canxi, fluor, phốt pho) mà người lớn thường dùng. Thêm một điều cần làm là nên tìm hiểu xem nguồn nước nhà bạn sử dụng có nhiều fluor hay không. Nếu nhiều fluor thì không dùng kem đánh răng chứa chất này nữa vì việc thừa fluor sẽ gây hại cho răng. Với các bé chưa mọc răng, bạn cũng cần giữ vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách dùng gạc mềm, sạch có tẩm nước ấm hoặc nước muối sinh lý để lau lợi cho bé.
Ăn uống vì răng
Dinh dưỡng góp mặt trên mọi “trận mạc” của sức khỏe và không loại trừ răng miệng. Đường và tinh bột trong nhiều thức ăn vặt và cả nước ngọt có thể góp phần hình thành mảng bám phá hủy men răng. Mỗi lần nạp những thứ này, răng sẽ bị acid tấn công trong khoảng 20 phút hoặc hơn. Do đó, với các bé đã lớn và cần ăn vặt, nên ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe vừa tốt cho răng như phô mai, rau sống, yaourt không đường và trái cây.
Bài: Nguyễn Uyên