Nghe Lee Kirby hát "Việt Nam ơi" - Tạp chí Đẹp

Nghe Lee Kirby hát “Việt Nam ơi”

Sao

Là con trai duy nhất của tiến sĩ khoa học và cũng là hiệu trưởng – người sáng lập trường Trung học Ashbourne tại London (Anh), công việc chính của Lee là giúp cha mình làm giám đốc điều hành ngôi trường có bề dày 30 năm lịch sử này. Một cuộc sống sung túc với công việc và môi trường lý tưởng như thế dường như là không đủ đối với cậu “quý tử” Lee Kirby.

Tuy vậy, ở một góc nào đó trong tâm hồn của Lee là tình yêu vẫn chưa được thỏa mãn dành cho âm nhạc và những chuyến đi. Và khi anh đến Việt Nam vào một ngày đầy nắng ấm của năm 2003 để làm cầu thủ cho đội bóng Bưu điện Tp.HCM, anh đã tìm được một nửa còn lại của những gì mình cần.

Từ dạo Lee nổi tiếng trên Youtube với clip tự quay trong đó anh đệm đàn và hát rất “mùi” bài “Diễm xưa”, anh bắt đầu đi đi về về giữa hai đất nước: một nơi là công việc điều hành trường trung học và một nơi là niềm đam mê hát nhạc Việt. Lee đùa: “Nước Anh là công việc, Việt Nam là chơi”. Ấy thế mà cuộc “chơi” mà Lee nói chẳng hề dễ dãi, hời hợt và bốc đồng. Bằng chứng là ba năm qua, với chương trình “Trà đá với Lee”, anh đã đi khắp nơi từ Nam chí Bắc, đến những vùng xa xôi nhất để hát cho người Việt nghe. Giống như thứ nước giải khát rất dân dã và đậm chất Việt Nam đó, những chuyến đi và biểu diễn của Lee rất giản dị, không kèn trống, không PR, báo chí. Quần lửng, áo thun, mang dép, anh ngẫu hứng dừng lại trên một con đường, một bờ ruộng và… hát. Chưa hết, kết quả của ba năm rong ruổi đó là sự ra đời của album “Việt Nam ơi!”.

 

Album gồm chín bài hát quen thuộc mà ai trong chúng ta đều ít nhất một lần nghe qua như “Diễm xưa”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Như cánh vạc bay” (Trịnh Công Sơn), “Chị tôi”, “Quê nhà” (Trần Tiến), “Em ơi Hà Nội phố” (nhạc Phú Quang – thơ Phan Vũ)… Chính vì chúng đã quá “quen tai” nên có thể nói việc Lee cho ra mắt album này là một việc hoàn toàn mạo hiểm. Liệu rằng người nghe có sẵn sàng đón nhận thêm một giọng ca mới trong khi nhiều “tượng đài âm nhạc” đã thể hiện rất thành công các ca khúc này trước đây? Liệu rằng Lee có đang “chở củi về rừng” để rồi sau bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc, tên tuổi của anh có nguy cơ sẽ rơi vào quên lãng? Có người bảo rằng: “Người nước ngoài mà hát tiếng Việt được như Lee là quá hay”. Bản thân người viết bài này muốn gạt bỏ nguồn gốc, quốc tịch của Lee mà chỉ muốn nhìn nhận anh và album mới phát hành ở góc độ âm nhạc. Bởi lẽ dù là ai, hát nhạc gì, người nghệ sĩ cũng phải chinh phục người nghe bằng tài năng và cảm xúc thật mới có thể tồn tại được.

Xét cho cùng, trong album “Việt Nam Ơi!” này, Lee hát “Diễm xưa” chẳng nồng nàn, da diết được như Khánh Ly, thể hiện “Đêm thấy ta là thác đổ” không đượm buồn, ưu tư như Quang Dũng hay êm đềm, trầm lắng như Hồng Nhung trong “Như cánh vạc bay”. Dẫu vậy, phải nói rằng hiếm ai có thể hát nhạc Trịnh tự nhiên như Lee. Sự tự nhiên đó trước hết đến từ cách chọn phong cách hát acoustic – mộc mạc với tiếng đàn guitar nhưng tạo cảm giác thật gần gũi, dễ tiếp nhận, khiến ai dù đang làm việc gì cũng muốn chậm lại một phút để lắng nghe.

Dù là album phòng thu nhưng Lee không lạm dụng việc cắt, lồng ghép các bản thu với nhau mà chọn thu trọn vẹn từng ca khúc, mỗi khi mắc lỗi sai hay hát chưa tốt, Lee hát, chơi nhạc và thu âm lại từ đầu. Bằng cách này khó có thể cho ra những bản thu hoàn hảo nhất nhưng đây lại là những bản tự nhiên nhất, giúp ca sĩ đạt được mạch cảm xúc ổn định trong từng ca khúc.

So với cách đây bốn năm khi Lee mới nổi tiếng trên cộng đồng mạng, giờ đây anh hát tốt hơn rất nhiều, không chỉ về mặt cảm xúc mà còn về mặt kỹ thuật. Có thể thấy sự tiến bộ rõ rệt đó của Lee qua nhạc phẩm “Ôi quê tôi” (Lê Minh Sơn). Trong ca khúc trữ tình đậm chất dân ca Bắc Bộ này, Lee hát rất tốt ở phần điệp khúc, luyến láy và nhả chữ khá rành rọt ở đoạn “thình thình thình thình trống hội ngoài đình/tình tình tình tình ánh mắt em đưa”.

 

Có một nghịch lý là trong âm nhạc, bản thu hoàn hảo nhất chưa hẳn là cái được đầu tư công nghệ thời thượng, trong đó ca sĩ hát chuẩn đến từng nốt nhạc mà phải là cái phản ánh đúng cảm xúc của người nghệ sĩ. Vì lẽ ấy, dù không phải là một album đỉnh cao với bản hòa âm chỉn chu nhưng “Việt Nam ơi!” chinh phục người nghe bằng chất riêng của mình, bằng một giọng ca chưa hẳn là hay, là “độc” nhưng dào dạt tình cảm và rất có hồn.

Bài: Hoàng Khánh

Ảnh: Lee Kirby FC


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý và phong thái của cô mỗi lần xuất hiện trước truyền thông làm người ta phải nể cô. Nể vì tài năng, vì những ứng xử chừng mực và cả vì những triết lý trong từng câu nói của cô gái 26 tuổi luôn khiến người ta phải “giật mình” rồi ngậm ngùi suy ngẫm.



Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

17/12/2013, 11:45