Nghe khói mùi thấy cay cay - Tạp chí Đẹp

Nghe khói mùi thấy cay cay

Sống

Nỗi nhớ muôn đời vẫn thế… Dù mình lớn đến chừng nào vẫn bé nhỏ như ngày còn đứng dưới mái hiên nhà, khóc rưng lên tức tưởi và chỉ muốn bước ra ngoài kia vì những trận đòn oan. Ngày ấy, bước ra khỏi cánh cổng nhà thì biết đi đâu… Sông dài biển rộng.

1. Tôi là con xứ đồng bằng, của cánh đồng ngày xưa thẳng tắp cò bay. Những cánh đồng ngày xưa ấy đúng là chỉ còn trong ký ức. Thơ ấu giao thời, đi học đã có xe đạp, băng qua những cánh đồng hẹp dần. Thơ ấu tôi không chăn trâu bắt bướm, nhưng cũng có những vạt khói chiều mải miết nhắc trời đã muộn, tan buổi học phải đạp thật nhanh về nhà.

Khói chiều mùa đông thường dễ nhận ra, làn gió ấm đuổi theo thịt da len lách giữa gió mùa đông bắc. Mùi khói đốt đồng ngày ấy thường là khét mùi gốc rạ đã khô trơ trên thửa ruộng chân chim. Đôi khi thoảng có mùi cỏ tươi khét ẩm, vui thú thì có thêm mùi khoai tây khoai lang mót ruộng vùi lẫn của đám bạn nghèo…

Ngày ấy, học văn có mùi khói rơm bếp lửa của Bằng Việt, nhưng khái niệm đó lũ trẻ chúng tôi đã bắt đầu phải hình dung, phải tưởng tượng nhiều hơn là thân thuộc. Rơm rạ đã bắt đầu thừa khô trên cánh đồng, khói bếp không còn vương trên ngọn cau trước nhà, dịch dần ra đồng chiều vắng vẻ, và loãng dần theo bước chân của những đứa trẻ như tôi, tạm biệt lũy tre làng.

Ở thành phố nhiều khói nặng, khói lẫn chì của giao thông, ngửi còn không được huống gì mà mơ mộng – nhớ nhà trong những chiều kẹt xe. Vậy mà có những khắc giữa thủ đô, không khói hoàng hôn nào mà nhớ nhà như thi sĩ. Từ giã những cánh đồng chiều nhiều khát vọng, từ giã những giấc mơ rơm rạ, trai làng chỉ có một cánh cửa, lên thành phố lập thân.

Sinh viên ngoại tỉnh, trọ học trong những căn nhà cấp bốn, nem nép sau những khối bê tông vuông vức đô thành. Chập choạng chiều, những ngày rằm mùng một, mùi nhang đèn từ những bàn thờ thiên trên sân thượng, bàn thờ thổ địa ngoài sân vườn, bàn thờ thần tài nơi góc nhà, thờ gia tiên nơi chính điện… lũ lượt tỏa ra từ những khối bê tông ấy. Mùi trầm hương đô thị hay nông thôn đều thanh tịnh như nhau. Khói nhà người chưa tỏa hết cõi riêng đã ngập lòng đứa trẻ khờ nhà hàng xóm tạm.

Tôi thường ái ngại những ngày rằm, mùng một đô thị, người ta quá sùng bái việc thờ cúng. Chạy trốn đi đâu cũng không khỏi mùi khói nhớ nhà kia. Tôi nhớ nhà tôi cũng có gian thờ cũng đỏ đèn nhang ngày đầu và giữa tháng. Nhớ sau làn khói trầm hương, tấm ảnh đen trắng của ông nội tôi mờ dần. Tôi nhớ mùi khét thân thuộc của đám vàng mã cuốn tàn gửi về cõi âm, tôi cay xè nước mắt vẫn tỉ mẩn đốt bằng hết…

Căn nhà trọ giữa thủ đô không có khói, cái suy nghĩ không phải nhà mình thì cũng xin thổ địa xá cho lễ đèn nhang. Khói nhang nhà nhà, khói tàn vàng mã đường đường… chạy đi đâu cũng không hết tủi. Nhớ gia đình, nhớ cảm giác nôn nao chờ hết tuần hương để hạ lễ, nhớ cái đầm ấm sum vầy quanh bữa cơm tươm tất, mà thường là kéo dài hơn hàng ngày… Giữa đô thị, một mình đã thấy lẻ loi. Trong không gian sực mùi khói trầm, cứ thấy như mình rơi đi nhẹ bẫng. Những ngày ấy, chạy xe một mình giữa phố phường Hà Nội, cậu trai mà lòng muốn rưng rưng.

2. Calcutta (Ấn Độ) là một thành phố lao động nghèo của những người công nhân. Vội vàng mãi mới qua được cửa check out sân bay để trốn khỏi cảm giác bị bủa vây bởi máy lạnh và những khối đá xẻ im lìm. Bước ra bên ngoài, nhiệt độ chừng 20oC, nhưng đã ấm lên khấp khởi. Xe chạy vào trung tâm thành phố, tôi kéo cửa kính xuống cầu xin một chút không khí thiên tạo.

Ùa vào lòng xe là hơi ấm, và một mùi gì đó rất đặc trưng mà không gọi được tên. Người lái xe hít hà, “Ui chao, ấm quá”. Mà thật, mùi nồng nồng hăng hắc ấy ấm thật, sực cả không gian rất dễ chịu, sau khi đã bắt đầu quen thuộc. Nhìn ra ngoài cửa xe, Ấn Độ lam lũ đang chập choạng. Đâu đó hình như đốt lửa, khói đã loãng ra trong trời chiều ngà ngà trắng. Đó là mùi lửa, mùi khói, mùi rơm rạ hay mùi đồng cỏ cháy? Nó vừa gần vừa quen với mùi khói lam chiều quê nhà.

Người lái xe bật cười khi trả lời câu hỏi của khách, “Đó là mùi… phân bò”, thứ nhiên liệu mùa đông của người Ấn. Đám bò hiền lành quanh năm gặm cỏ mà tuyệt nhiên không còn gì khác để ăn. Phân của chúng nhiều chất xơ, để khô đóng thành bánh khắp nơi. Dân nghèo Ấn Độ thu nhặt về chất thành đống quanh nhà, sử dụng làm mồi than đốt lửa quanh năm, nấu ăn, sưởi ấm…

Mùi đồng nội được sản xuất qua hệ tiêu hoá của con bò mới nghe qua thì sợ, nhưng trải nghiệm rồi mới thấy thú vị. Nó đặc trưng đến mức ở đâu dường như tôi cũng ngửi thấy, cho dù là giữa trung tâm thành phố cộng sản Calcutta hay trên dọc con đường từ thủ đô New Delhi đến lăng mộ Taj Mahal. Tôi gọi mùi khói đặc trưng ấy là mùi Ấn Độ.

Mỗi một chuyến hành trình, mọi giác quan đều có những sự cảm nhận tối đa. Thính giác thì nhớ âm thanh, Thị giác thì nhớ hình ảnh, Vị giác thì nhớ đồ ăn thức uống, Xúc giác thì nhớ thời tiết mỗi nơi… Mùi thuộc sở hữu của khứu giác, nó lắp ráp những miếng lego để hoàn hảo thành một bức tranh ký ức, mà nếu khuyết đi một miếng thực sự là một thiệt thòi. Đụng đến một mảnh logo nào của ngũ giác quan, đều có thể link ngay đến miền ký ức.

Tôi đã từng thốt lên “Ối, mùi Ấn Độ” ngay lúc bước khỏi xe ôtô, khi nghỉ giữa chặng đường dài lên cao nguyên Hà Giang. Ở nơi đó, trời trong veo. Khói nương chiều vẩn vơ vây là mặt đất. Mà sao cứ đến chập choạng chiều thì lại nhắc đến khói vậy. (Có lẽ, trời chiều thường lạnh, đốm lửa nào cũng thấy thương, hơi khói nào cũng cay mắt nhưng lại ấm lòng chăng?) Đám trẻ xứ núi mắt sáng, má nẻ khô nhoẻn miệng cười những lữ khách hiếu kỳ.

Chúng vẫn đang mải đốt đồng, mải chơi trò lúc chiều về chầm chậm, bỏ mặc đám ngựa bò vẫn nhẩn nha kiếm ăn. Khói đồng lan ra, len vào kẽ của những đám mây gần xứ cao nguyên… Nhận ra trong mùi khói có mùi cỏ, mùi cao nguyên… có cả mùi phân bò Ấn Độ của ký ức du khảo nhẹ bẫng của tôi. Rõ ràng, hai mùi tôi đã từng cảm nhận này là một, dù một lần có chút bất ngờ sờ sợ và một lần có chút sửng sốt quen quen.

Rồi thì tôi cũng đã không còn thắc mắc về mùi phân bò hay mùi cỏ cháy nữa, cũng bởi là qua truyền hình thì cũng đã thấy nhiều nơi cũng có kiểu sử dụng nhiên liệu đốt bằng… phân gia súc lớn này. Tôi đã cảm nhận thấy cái mùi khó quên ấy ngay trong nhà mình, trước màn hình tivi cho dù chương trình này chẳng phải đang được phát bằng công nghệ 5D (hình ảnh 4 chiều có mùi) mới nhất hiện nay. Mùi không đọng trong hốc mũi, mà dường như nó nằm chắc trong ký ức, thể hiện ra bằng sự cảm nhận không thông thường.

3. Sắp xếp lại từng ngăn ký ức, Lật giở từng trang của cuốn album hình thời gian… tôi hít hà để ngửi từng mùi vương vẫn mãi. Nói thơ theo kiểu Trần Dần, tự dưng tôi thấy thời gian mùi. Mùi mẹ, mùi bà, mùi cha, mùi ông nội. Gia đình mùi, người thân mùi. Thân thương cả con mèo mùi… Mùi lớn lên theo tôi, tôi biết đói với thức ăn mùi, biết náo nức với sách vở mùi ngày khai trường, biết tự hào với khăn quàng mùi.

Lớn hơn biết chộn rộn giao thừa mùi, lá dong – xôi nếp – pháo tép đì đùng. Mùi Tết nhất, mùi cuối năm nối đuôi mùi xuân mới… Rồi bốn vách mùi căn phòng sinh viên, ẩm dột mùi khi mùa mưa đến, ngột ngạt mùi khi nắng chói chang. Bốn mùa mùi chen chúc giọt mồ hôi, vấn vương vùi mối tình đầu yêu dấu…

Bạn phương Nam lần đầu ra Hà Nội, đi giữa mùa thu hít hà mùi hoa sữa, thốt lên “Nghe mùi gì thơm vậy, mùi Hà Nội hả”. Ngộ nghĩnh thay cái cách nói “nghe mùi” của người Nam thay vì “ngửi mùi” của người Bắc. Ngẫm ra có cái hay, “mùi" nhắc cho người ta thấy cả âm thanh, gợi cả hình ảnh cơ mà. Mùi hoa sữa thì mơ về Hà Nội. Mùi cỏ cháy nhớ xứ cao nguyên.

Mùi trầm nhang nhớ về gia đình nhỏ… Ngũ quan cảm giác bình đẳng, thứ gì cũng có lợi thế định danh một nỗi niềm. Để nhớ thương, để nôn nao hay hồi cố tri tân thì nhiều lắm. Chọn dăm ba mùi có nói hết được đâu… Chỉ biết rằng giờ là người trưởng thành, mỗi lúc đi xa về, bước ra cửa máy bay đã muốn hít tràn căng lồng ngực một bầu thân quen cái mùi nóng ứa mồ hôi xứ Bắc, mở cửa taxi cho gió cánh đồng mang mùi cánh đồng mùa gặt vào tận chỗ ngồi.

Đi xa thì nhớ thân quen, mùi đến trước đón chào người quen cũ. Khi đã thuộc một mùi, mới nghe đã như gần gụi. Khi đã nhớ một mùi, tâm tư chỉ muốn đến bên thôi.

Bạch Vân – Hình ảnh: Passion

Thực hiện: depweb

05/02/2009, 13:57