Nghe "Cao nguyên đá" thấy một Tây Bắc "rock" - Tạp chí Đẹp

Nghe “Cao nguyên đá” thấy một Tây Bắc “rock”

Giải Trí

Một Tây Bắc khắc nghiệt mà nên thơ

Ai đã từng đi qua những địa danh Hà Giang, Lũng Cú… sẽ khó mà quên được bát ấu tẩu và những triền đá hùng vĩ – và ca khúc chủ đề của đĩa nhạc đã mang đến cả hai điều này. Một Tây Bắc hùng vĩ và khắc nghiệt  với  “ngẩng lên chỉ thấy đá”. Giọng hát Hoàng Hiệp “xé lòng” người nghe khi kể chuyện bằng âm nhạc về thân phận những con người, sinh ra là phải vật lộn để tồn tại ở nơi “có tiền cũng chẳng dùng để làm gì”.

Nhưng Tây Bắc không chỉ có sự hùng vĩ và khắc nghiệt, Tây Bắc còn có sự tươi tắn và thơ mộng với hình ảnh cô gái Thái trong “Tắm tiên”. Bản ballad “Chiếc khăn khô ướt” cũng giống như những cung bậc khác của một dòng cảm xúc, góc nhìn khác về một vùng đất nhân văn và ấm áp.

Xen giữa những bản nhạc của Ngũ Cung là hai track nhạc khá đặc biệt do nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang thể hiện: bản đàn môi “Gọi tình” mở đầu album và làn điệu dân ca “Huyền thoại người con gái Mông”. Biên tập có chủ ý khiến không khí Tây Bắc càng thêm đậm đà. Không khí đó được thổi đến người nghe bằng một phong cách rock đậm đặc, đầy hứng khởi.
Sau khi nghe đĩa nhạc “Cao nguyên đá”, ngày 12/12 này khán giả có thể được nghe Ngũ Cung biểu diễn trong liveshow cùng tên của nhóm tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

So với album đầu tay, tinh thần progressive trong chất nhạc của Ngũ Cung đã có sự giảm bớt. Sự trưng trổ rõ nét nhất là tay guitar Thắng “nháy”. Khác với người chú (cũng là người chịu trách nhiệm sản xuất album) – nhạc sĩ Thanh Phương, Thắng có phong cách chơi đàn khá “dữ dằn”. Nhưng kỹ thuật trình diễn cũng như những sáng tạo của anh trong mỗi track nhạc lại rất bắt tai người nghe, đặc biệt đối với những tín đồ rock.

Khác với Thắng “nháy”, ở album này, Hoàng Hiệp lại thể hiện sự tiết chế hơn hẳn thời “Giã cốm đêm trăng”. Hiệp vẫn tận dụng hiệu quả thế mạnh giọng hát trời phú của mình, nhưng anh không còn chênh vênh ở những nốt lên cao.  

Thế mạnh của Ngũ Cung là một đội hình đồng đều về kỹ thuật và tài năng, vì thế, hoà âm phối khí trong các ca khúc của họ rất chặt chẽ mà vẫn cuốn hút. Đó là trường hợp của “Gió bấc”, một ca khúc với ca từ đẹp và nhiều thông điệp tích cực. Hay “Ái hoa” khá thú vị với một chút chất liệu funky và ca từ phá cách.

Sau 7 năm, từ một ban nhạc trẻ, Ngũ Cung giờ đây hoàn toàn xứng đáng là ban nhạc trụ cột của rock ở Việt Nam. Với những sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp và có trách nhiệm như “Cao nguyên đá”, người nghe đặc biệt là các tín đồ rock, vốn rất kiên trì với tình yêu dành cho các ban nhạc nội địa, có quyền tiếp tục tin tưởng và chờ đợi những sản phẩm “rock ra rock” tiếp theo của Ngũ Cung.

Ít nhất, sau khi nghe đĩa, ngày 12/12 này họ có thể được nghe Ngũ Cung biểu diễn trong liveshow cùng tên của nhóm tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

7 năm – chậm hay cầu kỳ?

Giữa một thị trường âm nhạc chỉ thấy những thứ quen quen, một sản phẩm như “Cao nguyên đá” là sự khích lệ thực sự, với cả công chúng yêu nhạc trong nước cũng như với những người đang nỗ lực làm nghề ở Việt Nam.

Xét trên một phương diện nào đó, một ban nhạc tuổi đời còn rất trẻ, khoảng cách 7 năm từ đĩa nhạc đầu tay tới album thứ hai có vẻ là hơi dài, thậm chí khắt khe một chút, có thể gọi là…chưa chuyên nghiệp.

Nhưng trường hợp của ban nhạc Ngũ Cung đặt trong mặt bằng của nhạc Việt nói chung, nhạc rock ở Việt Nam nói riêng, lại là một nỗ lực, thể hiện sự chuyên nghiệp của nhóm.

Sự chuyên nghiệp đầu tiên chính là sự theo đuổi với con đường nghệ thuật của Ngũ Cung. Cái khó của rock ở Việt Nam từ xưa tới nay luôn là khó sống, khó theo nghề. Chính vì thế các ban nhạc đa số “chết yểu” theo mô hình phát hành một album và… nghỉ. (Trừ Bức Tường vẫn giữ “kỷ lục” là ban nhạc rock ra đĩa đều tay nhất).

Nếu theo dõi chặng đường hoạt động của Ngũ Cung, từ những ngày đầu tiên bước ra từ một cuộc thi nhạc rock cho tới hôm nay, cũng thấy rằng để tồn tại họ đã vượt qua nhiều thử thách và biến động. Đội hình ban nhạc thay đổi liên tục từ sau khi album “365000 ngày” ra mắt. Họ cũng từng gặp những vấp váp ngay từ khi mới vào nghề.  Nhưng trong suốt 7 năm vừa qua, Ngũ Cung vẫn bền bỉ biểu diễn và sáng tác.

Cách mà Ngũ Cung thai nghén “Cao nguyên đá” cũng rất chuyên nghiệp. Chất liệu Tây Bắc đã bắt đầu manh nha trong album đầu tay của nhóm ở những ca khúc như “Cướp vợ – Tục lệ người H’Mông” hay “Nụ hôn trên đỉnh Fansipan”… Nhưng tới album “Cao nguyên đá”, có thể nói Ngũ Cung đã định hình khá rõ nét được một phong cách “rock Tây Bắc”.

Dường như ban nhạc này có một mối duyên tiền định với Tây Bắc. Mối duyên đó chảy trong dòng máu của tay guitar Thắng “nháy” và được bồi đắp bằng kho tàng văn hoá, những trải nghiệm hàng chục năm được truyền lại từ nhạc sĩ Trần Tuấn Long, ông nội Thắng.

Từ những chất liệu mềm đó, trong suốt 7 năm, ban nhạc chia sẻ rằng họ đã thực hiện nhiều chuyến lên vùng địa đầu Tổ quốc, “để cảm nhận, để quan chiếu lại chính những gì chúng tôi được biết và thực sự thấm thía văn hoá Tây Bắc”.

Sự cầu kỳ đó chính là sự chuyên nghiệp thực sự hiếm có ở Việt Nam. Kết quả, người nghe được đón nhận một sản phẩm âm nhạc đáng nghe.

Bài: Độc Cầm

Ảnh: Trọng Tùng

logo      

Thực hiện: depweb

10/12/2014, 16:48