Phạm Phương Cúc giật mình: “Mình không thuộc về nơi này”. Lại bỏ ngang. Về. Bỏ cả khóa học Master về nghệ thuật đương đại và hiện đại tại nhà đấu giá Christie’s danh giá. Ngày mới của cô gái sinh năm 1989 bắt đầu…
Mỗi ngày là một ngày mới
Một ngày của Cúc thường bắt đầu từ rất sớm. Cúc nói, hừng đông là lúc cô cảm thấy sảng khoái nhất để đánh thức các giác quan và chuẩn bị cho một ngày dài làm việc cật lực và nhiều thử thách. Nhưng ngày mới cũng mang tới vô số những cơ hội và trải nghiệm mới mẻ.
Quá trẻ để thực sự biết mình muốn gì và làm thế nào, Cúc tạm gác lại giấc mơ bán tranh để nộp đơn xin học bổng tại trường Linfield College. Chương trình học bổng đã đưa Phạm Phương Cúc đến nước Mỹ xa xôi, với ngành học có vẻ hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật. Đó là quản trị y tế và kinh doanh. Thời điểm đó, cả nước Mỹ lên cơn sốt với hiện tượng người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ. Như Cúc thừa nhận, “giấc mơ Mỹ” của ông Barack Obama và lời cam kết cải thiện hệ thống y tế quốc gia ở đất nước này khiến cô quyết định chọn ngành y để tìm hiểu sâu hơn.
Tuy vậy, công việc không có sự sáng tạo dần khiến cô gái Hà Nội cảm thấy buồn tẻ dù được trả lương cao và có môi trường làm việc tốt. Xen giữa khoảng thời gian đi thực tập, Cúc về nước nghỉ hè năm 2010 và tình cờ gặp một nhà tư vấn nghệ thuật người Pháp làm cho nhà Christie’s. Qua ông, Cúc chợt nhận ra mỹ thuật thực ra là một thế giới rất rộng lớn chứ không chỉ bó hẹp trong khung vẽ và cây cọ. Ngay các nước gần Việt Nam như Singapore, Indonesia cũng đã hình thành cả một thị trường nghệ thuật cực kỳ bài bản và chuyên nghiệp với những hệ thống hỗ trợ cho người họa sỹ, được tổ chức rất tốt. Đó là các gallery, nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật thường niên, nhà sưu tập mỹ thuật, nhà phê bình. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều nhà sưu tập tranh, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống hỗ trợ đủ mạnh nhằm tạo ra một thị trường đầu tư và sưu tập tranh chuyên nghiệp.
Gallery của cô gái tuổi 23
Một yếu tố có vai trò then chốt đối với sự hình thành thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp là làm sao tạo được tính tương tác giữa người mua và người bán. Quan hệ cung – cầu về các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tranh, phải đủ mạnh để kích hoạt được xu hướng đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật như một trào lưu. Trên thế giới, nhà đấu giá là yếu tố bắt buộc để có thể thỏa mãn các yếu tố trên, bởi họ có tính liên thông hai chiều, vừa tạo ra thị trường để người mua, người bán đến với nhau, đồng thời lôi kéo sự tham gia của giới doanh nhân, “ông chủ” thật sự của các bộ sưu tầm tác phẩm nghệ thuật. Thị trường kinh doanh tranh tại nước ta còn rất sơ khai, hay có thể gọi đó là thị trường nghiệp dư và tự phát.
Trước đây, có thể kể đến nhà sưu tập hàng đầu Đức Minh (đã mất), ông Hà Thúc Cần (Việt kiều Singapore cũng đã mất) và một số các nhà sưu tập trong nước khác cùng với Việt kiều hoặc người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy xu hướng này, dù chưa định hình một trào lưu rõ nét mà chủ yếu là những nỗ lực cá nhân. Có lẽ cần phải có những người đi tiên phong thế hệ mới, gồm các nhà sưu tập, đấu giá tranh tham gia tích cực thì mới tạo nên một thị trường thực sự chuyên nghiệp.
Cúc và nhóm cố vấn mỹ thuật người nước ngoài của cô, cùng nhà phê bình nghệ thuật Angela Molina (Tây Ban Nha) đã làm việc nghiêm túc để có thể chọn ra được 4 họa sỹ độc quyền cho gallery này. Đó là các họa sỹ: Nguyễn Trung, Lý Trần Quỳnh Giang, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Sơn.
Tranh của Họa sỹ Lý Trần Quỳnh Giang lột tả những trạng thái cô đơn không thể sẻ chia của con người trong thế giới hiện đại. Họa sỹ Đỗ Hoàng Tường lại cho người xem thấy sự giằng xé trong sâu thẳm nội tâm con người và ý chí vươn lên phá bỏ những ràng buộc để đạt tới cái đẹp hoàn mỹ. Còn tranh của Họa sỹ Nguyễn Sơn khai mở một chất thiền tĩnh lặng sâu thẳm bằng lối vẽ phương Đông độc đáo.
Họa sỹ Nguyễn Trung (sinh năm 1940) không xa lạ gì với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông được họa sỹ Đinh Cường (Virginia, Mỹ) coi là “một trong vài ba nghệ sĩ xuất sắc bậc nhất của mỹ thuật đương đại Việt Nam”. Tranh Nguyễn Trung hiện diện trong các bộ sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế, được treo trong Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Singapore… Bức đại Trừu tượng “Ngày mới” (Dawn) có kích thước 2,5×6 mét được ông gửi gắm tất cả tâm hồn và sự bùng nổ của cảm xúc ở tuổi bẩy mươi. Bức tranh được treo ở vị trí trang trọng nhất trong CUC Gallery.
Tên của tác phẩm được Cúc chọn đặt cho buổi triển lãm khai trương gallery đầu năm nay, hình như cũng nói lên kỳ vọng của cô gái 23 tuổi có bề ngoài lặng lẽ như muốn che giấu ngọn lửa cuồn cuộn sức sống trẻ bên trong để dám đi tới cùng.
Bài: Thành Trung
Ảnh: NhaDT
Chuyên mục Khi người ta trẻ Bài đã đăng: >> Võ Hồng Nhung: Cô gái đứng ở góc phòng >> Ngày mới của Cúc >> Phương Linh: Mơ bay tới chân trời |