Ngày của Mẹ đâu chỉ cần những lời chúc hoa mỹ - Tạp chí Đẹp

Ngày của Mẹ đâu chỉ cần những lời chúc hoa mỹ

Sống

Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn tha thiết rằng: “Không có bài hát nào nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người”. Đẹp Online hiểu rằng, những lời nói quý giá nhất mà các bà mẹ muốn nghe trong Ngày của Mẹ không phải là bất kỳ lời chúc hoa mỹ nào, mà là tâm tình rất thật từ chính những đứa con của họ – những tâm tình chưa một lần được thổ lộ trực tiếp. 

Đỗ Vĩnh Tường (25 tuổi, giáo viên tiếng Anh): muốn trở thành người hùng của mẹ!

“Ngày của Mẹ năm rồi tôi dành tặng cho mẹ tấm thiệp viết tay, món đồ trang trí nhỏ cùng một chiếc hôn thật sâu. Mẹ vẫn kiệm lời như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng khoảnh khắc ấy tôi nhận ra rằng mẹ đang cố giấu sự xúc động. Mẹ khẽ quay mặt đi, tay run run, hình như là… vui lắm. Cách đây ba năm, tôi có công việc đầu tiên và bắt đầu góp một phần sức cho gia đình. Nhưng thấy mẹ vẫn còn chắt chiu từng đồng để dành cho những việc tương lai sau này của con, tôi đã ôm cổ mẹ và thủ thỉ: ‘Mẹ đừng đi làm nữa nhé, con nhận thêm việc để làm thay phần của mẹ’. Có lẽ đó là khoảnh khắc tôi muốn trở thành ‘người hùng’ của mẹ”.

Võ Hồng Diễm (25 tuổi, học viên cao học): tốc độ thành công phải nhanh hơn tốc độ già đi của mẹ

“Tôi thấy rất hào hứng vì có hẳn một ngày dành riêng cho mẹ bởi nếu không có ngày này, chắc một đứa ngại bày tỏ tình cảm như tôi sẽ không dám thổ lộ mấy lời ‘sến súa’ với mẹ. Nhớ lại giai đoạn thi Đại học, vì nghĩ đến chuyện san sẻ gánh nặng cho mẹ, tôi chỉ ‘chấm’ ngành nào sau khi ra trường có thể kiếm được nhiều tiền (cười). Hiện tại, tôi đang học Thạc sĩ với mong muốn mở rộng cơ hội công việc hơn. Ở tuổi này rồi, tốc độ thành công của tôi phải nhanh hơn tốc độ già đi của mẹ mới được”.

Thảo Vy (26 tuổi, nhân viên văn phòng): niềm vui mỗi ngày là thủ thỉ cùng mẹ

“Tôi may mắn có tới 3 mẹ: mẹ ruột, dì ruột (là chị của mẹ nhưng ở cùng nhà và rất thương mình) và mẹ chồng. Nhờ có Ngày của Mẹ mà hằng năm tôi có thêm cơ hội để thể hiện tấm lòng dù nhỏ đến các mẹ. Chỗ dựa vững chắc cho mẹ sao? Tôi nghĩ có lẽ không đến lượt tôi bởi… mẹ có ba rồi (cười). Nhưng tôi vẫn muốn ngoài ba, mình là người mẹ tìm đến mỗi khi mệt mỏi hay gặp bế tắc trong cuộc sống. Tôi vẫn hay gọi mẹ là bạn Trang ‘đẹp’, và niềm vui mỗi ngày của tôi vẫn là gọi điện kể đủ chuyện trên đời cho ‘bạn ấy’ nghe”. 

Ứng Minh (27 tuổi, nghiên cứu tự do): trưởng thành là cách duy nhất để trở thành chỗ dựa của mẹ

“Thật lòng, với tôi ngày nào cũng là Ngày của Mẹ, còn riêng ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 có chăng cũng chỉ là một ngày nhắc nhớ về những hy sinh lớn lao của mẹ. Mẹ tôi vốn là người điềm tĩnh nhưng vì lo việc học hành của tôi mà gương mặt mạnh mẽ ấy cũng không giấu được nỗi buồn. Có thể nói, sự trưởng thành của tôi hiện tại được thôi thúc bởi một suy nghĩ: ‘Tôi không muốn mẹ buồn phiền về mình nữa’. Là con trai một, trưởng thành là cách duy nhất để tôi trở thành chỗ dựa của mẹ”.

Huỳnh Tố Thanh Vy (22 tuổi, sinh viên Đại học kinh tế Tp. HCM): đền đáp tốt nhất cho mẹ là học thật giỏi và ngoan

“Chẳng hiểu sao, khi còn là một con nhóc 12 tuổi, tôi đã muốn thay mẹ gánh vác mọi nhọc nhằn, và hành động đầu tiên thể hiện sự quyết tâm ấy chính là làm tốt việc của mình – học thật giỏi và ngoan ngoãn. Nói đến chuyện con càng lớn mẹ sẽ càng già, tôi lại thấy điều này dường như không ứng với hai mẹ con tôi. Chẳng hiểu sao tôi càng lớn, mẹ lại ngày càng tràn đầy năng lượng. Nhiều khi tôi nghĩ, tôi so với mẹ không biết ai mới là gái đôi mươi nữa – mẹ ‘xì teen’ bao nhiêu, tôi ‘bà cụ non’ bấy nhiêu (cười)”.

Hùng Phan (31 tuổi, quản lý dự án truyền thông): khoảng cách hai thế hệ chỉ có thể rút ngắn bằng việc chia sẻ nhiều hơn

“Quan tâm đến những người mình yêu thương chắc chắn không thể gói ghém trong một ngày rồi nhưng tôi nghĩ nhờ những dịp như Ngày của Mẹ, mẹ con tôi lại có lý do để mở tiệc (cười). Trước đây, tôi vô tư đến mức không hề quan tâm rằng những công việc trong gia đình đã khiến mẹ mệt mỏi ra sao. Mãi đến một ngày thấy mẹ yếu đi, đau xương khớp nhiều hơn, tôi mới nhận ra mình phải giúp đỡ mẹ nhiều hơn. Khoảng cách giữa hai thế hệ là thứ chỉ có thể rút ngắn bằng việc luôn ở bên và chia sẻ với nhau nhiều hơn, nên tôi hạn chế tối đa việc online, chat chit, bớt sống ảo và dành tất cả những thời gian ấy cho mẹ”. 

Thực hiện: Huyền My Trương

11/05/2019, 11:00