Ngày âm nhạc chết đi: khi phần nhìn lấn át phần nghe

Từ sau sự ra đời của truyền hình và những phương tiện nghe nhìn, diện mạo âm nhạc đã thay đổi hoàn toàn. Những trải nghiệm âm nhạc thực sự mở rộng biên giới vượt khỏi thính giác, trở thành câu chuyện của cả thị giác. Người ta bắt đầu thích xem nhạc hơn là nghe nhạc. Nghe khó tin ư? Nếu xét theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Quốc tế IFPI năm 2018 thì lượt xem video âm nhạc trên YouTube nhiều hơn lượt nghe nhạc của tất cả các nền tảng nghe nhạc trực tuyến cộng lại.

Hình ảnh lấn lướt những thanh âm

Sự phát triển thần tốc của MV trong vài chục năm qua có lẽ là sự đáp lại tất yếu dành cho nhu cầu của thính giả. Song cũng như MTV – kênh truyền hình đã tạo động lực đưa video âm nhạc trở thành yếu tố không thể thiếu trong công nghiệp ghi âm nhưng giờ đây chính nó cũng dẹp âm nhạc xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho những chương trình tạp kỹ và truyền hình thực tế ăn khách, dường như một điều gì đó mang tính bản thể trong âm nhạc đang biến mất dần. Hình ảnh và vẻ bề ngoài ngày càng lấn lướt những thanh âm, nhất là trong những thị trường âm nhạc non nớt, lung lay tới tận gốc rễ, mà Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Năm 2016, Soobin Hoàng Sơn phát hành “Phía sau một cô gái”, xoay vần hoàn toàn sự nghiệp âm nhạc của mình. Tính đến nay, ca khúc này đã đạt tới hơn 224 triệu lượt nghe qua lyrics video trên YouTube và hơn 390 triệu lượt nghe trên Zing MP3.

Năm 2016, Soobin Hoàng Sơn phát hành “Phía sau một cô gái”, xoay vần hoàn toàn sự nghiệp âm nhạc của mình. Tính đến nay, ca khúc này đã đạt tới hơn 224 triệu lượt nghe qua lyrics video trên YouTube và hơn 390 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Vậy mà, Music Video (MV) của nó được phát hành sau đó lại chỉ đạt được lượt xem trên YouTube chưa bằng số lẻ của lyrics video. Quá u uất, lệch pha so với tưởng tượng, diễn xuất đơ cứng, đó là những gì người ta nói về MV “Phía sau một cô gái”. Sự thất bại của một MV, bỗng nhiên, lại bị coi là cú chững lại của một ca sĩ, điều đó cũng chẳng khác việc đánh giá thấp một bộ phim vì trailer hay poster của nó không bắt mắt là mấy. Nhưng ở Việt Nam là như thế, MV là một cán cân công lý minh định sức nóng sự nghiệp của người làm nhạc.

Trong khi đáng ra chỉ là một phần của sản phẩm âm nhạc, cuối cùng MV lại trở thành tất cả. Ngược lại, ca khúc hay bản ghi âm từ linh hồn giờ đây teo bé thành một phần phụ của MV, so ra thì chẳng quan trọng gì hơn áo quần và cốt truyện trong MV đó. Đến mức mà, ở Việt Nam, người ta chuyển sang phê bình… MV, tỉ như cho “Anh ơi ở lại” của Chi Pu 7 điểm, rồi “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP thì được 7,5 điểm.

Soobin Hoàng Sơn không thể leo lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp chỉ vì hiệu ứng đi xuống của MV “Phía sau một cô gái”

Đây là một sự lạ, bởi ngay cả những trang báo hàng đầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng như Rolling Stones, Pitchfork, NME, The Guardian, Variety… hay những nền tảng đánh giá như Metacritic, chưa ở đâu chấm điểm MV cả. Họ chỉ chấm điểm album hay liveshow, đến cả bài hát còn hiếm khi.

Vậy thì vai trò của một MV là gì mà lại được tập trung đầu tư nhiều đến thế? Thậm chí, rất nhiều nghệ sĩ còn coi MV là chiến lược phát triển chủ chốt cho con đường âm nhạc?

MV không phải là cốt lõi của âm nhạc

MV có lịch sử gần trăm năm, từ những năm 1920 – khi phim tiếng ra đời, với tiền thân là những bộ phim ca nhạc. Dẫu vậy, phải tới khoảng thập niên 60, thập niên bùng nổ về âm nhạc và truyền hình giải trí thì những MV thực sự mới được định hình. The Beatles có lẽ là những người đầu tiên có một chiến lược dài lâu với video ca nhạc, bắt đầu từ thành công ngoài sức tưởng tượng của bộ phim âm nhạc “A hard day’s night”, vốn dĩ được làm ra để quảng bá cho album cùng tên. Và đến “Strawberry fields forever”, The Beatles đã tạo nên một chuẩn mực cho nền công nghiệp âm nhạc sau này, khi video âm nhạc của họ không chỉ là những hình ảnh đi kèm ca khúc, mà tự thân nó là một tác phẩm avant-garde với những sắp đặt bất thường và thủ pháp quay mang tính thể nghiệm. Cũng từ đây, MV có một đời sống riêng, không hẳn là tách rời khỏi bản ghi âm, nhưng cũng không còn là sản phẩm đính kèm nữa.

Bộ phim âm nhạc “A hard day’s night”, được làm ra để quảng bá cho album cùng tên của The Beatles

Sau đó thì không cần kể nhiều, MTV ra đời, đánh dấu sự lên ngôi của MV. Không thể nói MV không phải một sản phẩm nghệ thuật. “Thriller” của Michael Jackson thậm chí còn được đưa vào Viện lưu trữ phim Quốc gia Hoa Kỳ bởi giá trị đặc biệt mang tính văn hóa – lịch sử – thẩm mỹ, tức là xếp chung cùng những kiệt tác điện ảnh như “Cuốn theo chiều gió”, “Công dân Kane”. Và rồi có rất nhiều đạo diễn lớn đã bắt đầu khởi nghiệp từ đây. Trước khi làm “Fight club”, “The curious case of Benjamin Button”“The social network”, David Fincher từng làm MV cho Michael Jackson, Madonna, Aerosmith. Còn Lasse Hallström, trước khi nhận đề cử Oscar cho “My life as a dog”, ông khởi nghiệp với công việc làm MV cho ABBA. Đến cả khi MTV đã đi xuống thì MV cũng không tàn lụi, nó chỉ chuyển sang một vòng đời mới còn dồi dào sức sống hơn: YouTube.

Mặc dù vậy, ngay từ buổi sơ khởi của mình, MV đã được định dạng vai trò là công cụ truyền thông và quảng bá nhằm thúc đẩy doanh số bán ca khúc và album. Chưa bao giờ khác, dù cho kỹ xảo làm MV có đi xa tới mức nào. Cốt lõi của âm nhạc vẫn luôn luôn là âm nhạc, như giải Grammy chẳng hạn, những hạng mục cao quý nhất là “Album của năm”, “Ghi âm của năm”, và Viện Hàn lâm cũng chẳng quan tâm liệu MV của các ca khúc đề cử tại hạng mục này hay hay dở, thậm chí không có MV cũng chẳng sao.

“Thriller” của Michael Jackson có công mở ra thời đại nhạc hình

Để làm rõ thêm, cũng phải nói rằng không thể nói MV không bán được. Với những siêu sao ca nhạc, cái gì họ cũng bán được, đến áo in mặt mình còn bán được, cho nên chẳng tội gì họ không bán cả MV. Như nghệ sĩ nhạc rock Bryan Adams, sau khi cho khán giả xem miễn phí các video âm nhạc chán chê, ông tổng hợp một loạt các video ca nhạc lại trong một album mang tên “So far so good”, và bán tới hơn 13 triệu bản trên toàn cầu.

Nhưng trong nền âm nhạc Việt Nam hiện nay, bán album còn khó, bán video album chắc là một chuyện không tưởng, và như thế, MV vẫn là sự cho không, vẫn chẳng có thị trường nào được tạo ra. Các nghệ sĩ “muốn qua sông phải lụy đò”, họ vẫn phải chịu sự chi phối quá lớn từ những nhà tài trợ. Âm nhạc vì thế mà ngày càng méo mó.

“Despacito” trở thành ca khúc được phát trực tuyến nhiều nhất mọi thời đại, với lượt xem từ YouTube chiếm đa số

Sự biến dạng của MV, sự biến dạng của âm nhạc

Ở phương Tây, có hai ngày từng được gọi là “ngày âm nhạc chết đi”, một là ngày chiếc phi cơ chở Buddy Holly, Ritchie Valens và The Big Bopper gặp tai nạn cướp đi sinh mạng của cả ba huyền thoại rock, và hai là ngày John Lennon bị ám sát. Còn ở Việt Nam, “ngày âm nhạc chết đi” có lẽ rất nhiều và ngày càng xuất hiện dồn dập hơn.

Không có một thị trường nghe đúng nghĩa, nghệ sĩ buộc phải lấp đầy sự nghiệp âm nhạc của mình bằng phần nhìn. Với chi phí sản xuất đắt đỏ lên đến 500 triệu tới 1 tỷ đồng, mỗi MV là một mảnh đất màu mỡ cho các nhãn hàng. Chỉ cần tài trợ một khoản tiền tương đối là thương hiệu có thể lồng ghép, kiểm soát thông điệp của MV. Mối quan hệ cộng sinh này chẳng có gì nguy hại cho đến khi cán cân giữa nghệ thuật và tiền bạc bị nghiêng hẳn về một bên.

Hồ Ngọc Hà triệt tiêu nghệ sĩ tính của mình bằng một sản phẩm tràn ngập quảng cáo

Kết quả cho ta một sản phẩm như “Vẻ đẹp 4.0” của Hồ Ngọc Hà, khi từ nội dung bài hát cho tới kịch bản MV đều phục vụ nhu cầu bán dịch vụ của nhà tài trợ. Dạo gần đây, tưởng như Tiki đã thống trị cả thị trường MV Việt, khi mà từ nam chính trong MV “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” của Min đến nhân vật bạn gái của Erik trong MV “Anh ta là sao?”, rồi nàng Cám Chi Pu trong MV “Anh ơi ở lại?” và hằng hà sa số các nhân vật khác, dù trong bối cảnh MV hết sức khác nhau, không loại trừ cả cổ trang, mỗi người đều được dúi vào tay một gói hàng của Tiki với thông điệp “cần là có ngay”.

Không phải MV quốc tế không có quảng cáo, thậm chí MV quốc tế còn quảng cáo nhiều hơn gấp bội lần so với MV của các ca sĩ Việt Nam. Đếm sơ sơ trong “Telephone” của Lady Gaga cũng có tới chục nhãn hàng xuất hiện, nhân vật trong MV của cô đeo tai nghe HeartBeats, dùng điện thoại Virgin, máy tính HP, cuốn tóc bằng những lon Coke Diet… Âm nhạc quốc tế thương mại hóa tới mức các ca sĩ còn bán các suất đưa tên sản phẩm vào lời bài hát. Việc văn hóa pop sáp nhập cùng chủ nghĩa tiêu dùng và các siêu tập đoàn đã sớm được dự đoán từ khi Andy Warhol đặt bút vẽ những hộp sốt cà chua Campbell. Xem “What do you mean?” của Justin Bieber, người ta sẽ không bao giờ có cảm giác đó là một MV quảng cáo cho Calvin Klein. Hay nhận diện thương hiệu của Beats by Dre và son dưỡng môi EOS chỉ góp vào một phần rất nhỏ trong “We can’t stop” của Miley Cyrus.

Lady Gaga mang rất nhiều quảng cáo vào MV nhưng vẫn trao cho ca khúc của mình một diện mạo riêng

Nhưng cho dù các nghệ sĩ ấy đưa vào MV thật nhiều thương hiệu quảng cáo, thì phần thu âm của ca khúc vẫn có một đời sống rất riêng trong âm nhạc: tạo nên doanh số vật lý, xuất hiện trên radio, tồn tại trong các nền tảng nghe nhạc trực tuyến để mang lại lợi nhuận cho ca sĩ.

Còn tại Việt Nam, có cảm tưởng như rất lâu rồi, tất cả khái niệm âm nhạc chỉ được gói gọn trong MV. Ngày càng nhiều kỷ lục được thiết lập. Vô số cái tên tạo “trend”. Trong mắt khán giả giờ đây, âm nhạc phải là loại hình được thưởng thức trực quan chẳng khác gì phim ảnh. Còn đối với ca sĩ, một bài hát mà không có MV kèm theo thì cũng không được tính là một sản phẩm âm nhạc nữa.

Thời đại của những ca khúc độc lập với sức sống dai dẳng được nuôi dưỡng trong những thiết bị phát nhạc đơn thuần đã nhanh chóng bị thay thế bằng một thời đại của YouTube, của kịch bản drama, của meme ảnh chế, của nội dung viral… Việc mượn MV cho mục đích quảng cáo lộ liễu, đó không thể là lời ngụy biện để các nghệ sĩ đánh tráo khái niệm về âm nhạc.

Âm nhạc không thể nào là âm nhạc nếu chỉ đóng vai phụ trên sân khấu đáng ra là của nó.


From the same category