Ngẫu hứng ẩm thực từ “Eat, pray, love” - Tạp chí Đẹp

Ngẫu hứng ẩm thực từ “Eat, pray, love”

Ẩm Thực
Tôi tình cờ cầm đọc “Eat, pray, love” khi lang thang đợi giờ lên máy bay. Trước đó, cô bạn thân luôn trích dẫn từ cuốn sách này khiến tôi hơi ngán. Nhưng khi đọc cho chính mình, tôi bỗng hiểu tại sao nhiều phụ nữ lại tìm thấy sự đồng cảm với hành trình khám phá thế giới và chính mình của Elizabeth (Liz).

Liz của “Eat, pray, love” dũng cảm từ bỏ một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một tình yêu mù quáng và cả sự nghiệp để đi du lịch, đi tìm chính mình qua ba đất nước – Ý, Ấn Độ và Indonesia. Ở nước Ý, nàng phát hiện ra tình yêu ăn uống. Ở Ấn Độ, nàng khám phá thế giới tâm linh, và ở đảo Bali, nàng gặp tình yêu của mình. Ba đất nước trên ba lục địa qua con mắt Liz rất thực, rất riêng. Tôi thích nhất trường đoạn viết về Ý, nơi mà ẩm thực là hơi thở cuộc sống. Tình yêu ẩm thực của người Ý xuất phát từ những thứ giản dị nhất: bánh tiramisu, trái cà chua chín mọng, hay măng tây mập béo. Đó là một phần của tình yêu cuộc sống, cái mà “Eat, pray, love” khám phá và nâng niu. 

Đọc sách thành ra ngẫu hứng nấu ăn. Những món ăn đơn giản, từ ba đất nước Liz đi qua, và những câu văn đẹp của “Eat, pray, love”. Có thể mấy món ăn này không hoàn toàn đúng với “bản gốc”, nhưng đấy là những ngẫu hứng rất tôi.

Indonesia – “Mất cân bằng là một phần không thể thiếu của cuộc sống cân bằng”


Bali là nơi Liz tìm ra sự cân bằng giữa sự hưởng thụ cuộc sống và thế giới tâm linh. Đọc trường đoạn này, tôi nhớ đến món salad nổi tiếng của Indonesia, Gado gado. Không quá cầu kì, đây là món ăn chay đơn giản gồm rau củ theo mùa, đậu chiên và sốt lạc. Nguyên liệu có thể thay đổi tùy theo khẩu vị. Rau củ có thể được luộc qua nếu bạn không thích ăn đồ sống. Thêm trứng luộc, bạn sẽ có bữa ăn nhẹ.

Salad rau sốt lạc

Món này quan trọng nhất là sốt lạc. Phần rau củ có thể thêm thắt theo ý thích.

Nguyên liệu (cho 4 phần ăn nhỏ)

2 củ cà rốt
Đậu phụ rán, vài miếng (hoặc thay bằng trứng cút luộc)
Rau xà-lách nhiều loại, nhặt lấy lá, khoảng 2 bát ăn cơm
Giá, nhặt rễ, khoảng 1 bát ăn cơm
½ quả táo

Sốt lạc

5 thìa súp bơ lạc
5 thìa súp nước ấm
1 thìa súp nước tương Kikkoman
¼ thìa cà phê đường
½ thìa cà phê nước chanh vắt

Cách làm

– Cà rốt cạo vỏ, dùng dao bào mỏng. Táo thái mỏng, ngâm nước có chút cốt chanh tránh thâm.
– Đậu phụ đã rán, cắt miếng.

– Làm nước sốt: cho bơ lạc, nước, nước tương, nước cốt chanh và chút đường vào khuấy đều. Nêm nếm sao cho hỗn hợp có vị mặn ngọt, hơi chua chua.

– Bày rau quả và đậu phụ lên đĩa. Rưới một chút nước sốt, phần sốt còn lại để ra bát con giữa bàn, ai cần có thể dùng thêm.

Ấn Độ – “Trái tim là nơi nghỉ chân của trí óc”
Ấn Độ là một đất nước kì lạ, nơi giao thoa của nhiều nền tôn giáo, là thế giới của thiền và tâm linh. Nhắc đến món ăn Ấn, nhiều người sẽ ngắc ngư vì vị cay và nồng mạnh. Người không ăn được thì quay đi. Ai ăn được thì nghiền ghê lắm. Nấu món Ấn cho ngon không dễ, vì nguyên liệu khó tìm ở Việt Nam. Hôm nay tôi giới thiệu món đồ uống thôi – Mango Lassi (sinh tố xoài và sữa chua). Vị ngọt của xoài quện với vị chua, béo, mát lạnh của sữa chua quả thực rất ngon và lạ, chắc sẽ nhiều người thích.

Mango Lassi (Sinh tố sữa chua và xoài)

Món này cũng rất ngon nếu bạn thay xoài bằng nho hoặc dâu tây

Nguyên liệu (cho 4-5 cốc sinh tố)

3 quả xoài chín
250ml sữa chua có đường
200ml sữa tươi không đường
3-4 thìa đường cát, tùy khẩu vị
Đá (nếu thích)

Cách làm

– Xoài gọt vỏ, bỏ hột.

– Cho xoài, sữa chua, sữa tươi và đường vào máy sinh tố xay nhuyễn. Ai thích uống lạnh có thể cho đá vào xay cùng.

– Nêm nếm lượng đường cho hợp khẩu vị. Đổ vào cốc, uống lạnh.

Ý – “La Dolce Vita” (Cuộc sống ngọt ngào)


Tiramisu có lẽ là món ăn Ý phổ biến nhất. Ở Ý, món này được làm theo kiểu pudding, ăn khi đã được ướp lạnh. Sang các nước khác, tiramisu có đủ dạng, từ bánh ga-tô đến kem. Tôi thì vẫn thích tiramisu dạng pudding truyền thống. Vị mát lịm của kem, pho mát mascarpone quyện với vị cà phê nồng và bánh sampa thật quyến rũ. Cũng như cuộc sống, món bánh này thật ngon, thật tuyệt vời bởi sự cân bằng giữa ngọt và đắng.

Tiramisu

Dùng cà phê Việt Nam cho món này còn thơm và ngon hơn cà phê espresso của Ý! Bánh sampa nhập từ Ý hợp với món này nhất. Thông thường, người Ý làm món này với trứng sống đánh bông. Công thức này đã nấu chín lòng đỏ trứng, an toàn hơn cho mọi người.

Nguyên liệu (cho 6-8 phần ăn)

400g bánh sampa (savoiardi)
400ml cà phê đen (pha đặc)
60ml rượu Amaretto, hoặc Kahlua (nếu thích)
4 lòng đỏ trứng
180g đường cát
250ml pho mát mascarpone
500ml kem whipping (để thật lạnh)
3 thìa ca-cao

Cách làm

– Chuẩn bị khay đựng tiramisu. Có thể chọn bát thủy tinh thành cao ít nhất 10cm, hay chia vào các cốc nhỏ. Pha cà phê, trộn lẫn cà phê với rượu nếu dùng.

– Cho trứng vào bát nhôm. Chuẩn bị một nồi nhỏ với một chút nước sôi, sao cho khi cho bát nhôm đựng trứng lên nồi, bát không chạm nước. Đun nước sôi rồi vặn lửa nhỏ. Cho đường vào bát trứng, khuấy đều. Để bát lên nồi nước sôi, liên tục khuấy khoảng 6-10’ cho đường tan hẳn và trứng dần đặc lại.

– Lấy bát đựng trứng ra, dùng máy đánh kem đánh bông lòng đỏ trứng. Trộn pho mát mascarpone vào, đánh bông.

– Trong một bát khác, đánh bông cứng kem whipping (chú ý, đánh kem trong phòng lạnh sẽ tránh bị chảy). Trộn kem whipping vào hỗn hợp trứng. Để trong tủ lạnh.

– Để ra bàn bánh sampa, cà phê để nguội, và kem. Lăn bánh sampa qua cà phê cho ngấm một chút, cho vào bát. Lặp lại đến khi bánh phủ hết mặt bát. Phủ lớp kem lên trên, rồi tiếp tục một lớp bánh, rồi một lớp kem. Làm như vậy đến khi hết bánh và kem. Tầng trên cùng rắc một chút bột ca-cao.

– Để bánh vào tủ lạnh ít nhất 4 tiếng. Khi ăn, múc ra đĩa.

White Poplar

Thực hiện: depweb

07/09/2011, 09:42