Ngạt thở, bỏng nặng do sưởi ấm bằng than - Tạp chí Đẹp

Ngạt thở, bỏng nặng do sưởi ấm bằng than

Tin Tức

Bé 6 tháng bỏng nặng vì sưởi than củi

Bác sỹ Nguyễn Như Lâm, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, mới đây cháu Vi Thị Ơn, 6 tháng tuổi, quê ở Nghệ An nhập viện trong tình trạng bị bỏng 50%, tỉnh táo nhưng tinh thần bị kích thích. Bé vật vã, quấy khóc. Đùi phải và vùng miệng họng bị bỏng nặng nhất.

Người nhà của bé Ơn cho hay, trong đợt rét đậm, rét hại dịp Tết dương lịch vừa qua, vì sợ rét nên gia đình đã đốt củi thành than, để dưới gầm giường để sưởi ấm cho bé. Không may, ngọn lửa đã bén vào chăn màn, quần áo, giường chiếu và bùng lên, khiến cháu bé bị bỏng lửa rất nặng.

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của cháu Ơn vẫn chưa có nhiều tiến triển. Diện tích bị bỏng lớn, mức độ nặng. Do đó, bé còn phải thực hiện rất nhiều đợt phẫu thuật nữa.

Bệnh nhi bị bỏng nặng do sưởi ấm bằng than trong phòng kín (Ảnh: C.Q) 

Bác sỹ Lâm cho biết, mới đợt rét đậm, rét hại đầu tiên nhưng đã có lác đác những trường hợp bị ngạt hoặc bỏng do sưởi than (trong đó người già là chủ yếu, trẻ em có 1-2 trường hợp). Những năm trước, tình trạng này xảy ra không ít.
 
Mùa đông còn kéo dài, bác sỹ Lâm khuyến cáo cần để lò sưởi xa các vật dụng dễ bắt lửa. Khi bị ngộ độc khí CO do sưởi bằng than cần xử lý ngạt trước khi xử lý bỏng. Theo đó, đưa ngay bệnh nhân ra chỗ thoáng, cởi bớt cúc áo trên, cởi khăn quàng cổ để bệnh nhân dễ thở. Sau khi đảm bảo bệnh nhân đã sống được thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cứu chữa.

Trên đường đi nếu bệnh nhân bị ngạt nặng thì cần hà hơi thổi ngạt, giúp bệnh nhân lấy hết dị vật trong cuống họng ra để đường thở lưu thông.

Cấp cứu vì tắm, gội cùng lúc trong ngày rét

 
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có khoảng 2.000 – 2.500 lượt bệnh nhi đến khám. Trong những thời ký rét đậm, rét hại, con số này tăng thêm khoảng 10-15%. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, dễ dẫn đến viêm phổi do trời quá lạnh.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa cho biết, số trẻ đến khám trong những ngày qua tăng lên đáng kể do thời tiết, đặc biệt bên cạnh viêm phổi, trẻ còn bị tiêu chảy do rotavirus.

Đối với người cao tuổi, thời tiết giá lạnh sẽ dễ “đánh gục” các cụ vì sức khỏe suy giảm, sức chịu đựng kém. Trời lạnh sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co mạch dẫn đến dễ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đau các khớp xương.

Tại Viện Lão khoa Quốc gia trong những ngày qua có nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì các bệnh mãn tính như tim mạch, hen phế quản. Các bệnh này dễ tái phát trong thời tiết lạnh. Đặc biệt, có cụ bị tăng huyết áp vì dậy quá sớm (huyết áp thường tăng cao vào lúc 4-5 giờ sáng). Lại có cụ do quá sạch sẽ, tắm gội cùng lúc nên bị cảm lạnh, huyết áp tăng vọt, phải nhập viện cấp cứu.

Trước tình hình này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các bệnh viện bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh.

Bộ Y tế cảnh báo ngộ độc khí CO do sưởi than

Để dự phòng những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các bệnh viện, địa phương trong toàn quốc cần đưa ra cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín; bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm; trẻ em tại các nhà trẻ, trại trẻ không đảm bảo điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

07/01/2013, 22:50