“Là chồng, anh có dám hôn vào phần bụng bị rạn da?” đã từng là một câu hỏi nóng trên mạng gần đây.
Nhiều bà vợ đã hỏi, hay thầm hỏi câu này với mong muốn được bạn đời trả lời rằng “Anh có thể làm việc đó!” nhằm thể hiện sự thương yêu, quan tâm, sự trân trọng đối với những người vợ, người mẹ.
Tôi cũng từng mang câu hỏi đó đi hỏi một số bạn nam khá thân thiết, rất thương vợ và quý trọng phụ nữ. Kết quả lại hoàn toàn trái ngược với đáp án tôi kỳ vọng. Hầu hết đều cho rằng câu hỏi trên thật là ấu trĩ.
“Đúng là tư duy đàn bà!” như một anh cảm thán.
Đáp lại, bạn tôi chỉ bình tĩnh trả lời rằng “Em rạn da, em xấu, em không thương quý chính bản thân mình. Thì tại sao em lại đòi người khác phải thương, phải trân trọng em?”
Mang một sinh mệnh càng càng lớn lên chính là nguyên nhân chủ yếu khiến da bụng của người phụ nữ càng ngày càng căng ra.
Nếu quá trình da bị căng quá nhiều, hay quá đột ngột, thì nó sẽ không khác gì việc mảnh vải bị xé. Kết quả là cấu trúc da bị tổn thương nghiêm trọng. Bị đứt gãy đột ngột, cấu trúc da sẽ phải mất thời gian và công sức hồi phục. Và khi cơ thể tự tái tạo lại cũng sẽ không thể như cũ, cuối cùng tạo thành sẹo – hay gọi một cách dễ hiểu chính là các vết rạn.
Nhiều bà mẹ với tâm lý “nuôi 2 người” khi bầu bí nên ăn uống thả ga dẫn tới tăng cân quá nhiều và rạn da
Về bản chất thì việc tạo ra các vết rạn da trên bụng hay đùi không khác gì việc bị dao cứa đứt tay và liền sẹo sau đó. Hoàn toàn có những cách để hạn chế rạn da.
Vì áp lực của người thân, vì mong muốn của chính mình có một em bé khỏe mạnh, và ý nghĩ “có bầu phải ăn cho hai người”, nhiều mẹ thường tăng gấp đôi gấp ba lượng thức ăn hàng ngày vào cơ thể. Các mẹ không biết rằng, việc hấp thu chuyển hóa dinh dưỡng khi mang thai còn phụ thuộc vào khả năng tải dinh dưỡng của nhau thai và đấu tranh sinh tồn giữa mẹ và thai nhi. Cho nên mới có những trường hợp mẹ mang thai tăng cân không nhiều, nhưng em bé phát triển vù vù. Lại có những mẹ tăng cân nhiều, mà siêu âm thì em bé chỉ miễn cưỡng vừa đủ chuẩn cận dưới.
Tôi biết có những bà mẹ, khi kể về việc mình tăng tới 15 – 20kg trong khi mang thai, thì thường nói với giọng nếu không tự hào thì cũng coi là việc bình thường. Nhưng sự thật là, để tới mức tăng hơn 20kg trong giai đoạn thai kỳ, nói một cách nghiêm khắc không phải là mẹ thương con, vì con; mà là đang tự hành hạ bản thân và em bé. Hay nói trắng ra là, chính bà mẹ đó không biết thương bản thân mình.
Việc kiểm soát trọng lượng của các bà mẹ khi mang thai, hiện vẫn còn là một vấn đề chưa được coi trọng khi đi khám thai sản. Trừ phi các bà bầu ngấp nghé nguy cơ bệnh lý thì bác sĩ mới có khuyến cáo về chế độ ăn, còn lại thì thậm chí còn khuyến khích mẹ bầu ăn nhiều các đồ bổ hơn, “để em bé tăng cân tốt hơn” trong khi không hề đối chiếu cân nặng của họ trước và trong khi mang thai.
Nếu nhà bạn có cái máy bơm nước, bạn có muốn nó làm việc liên tục cả ngày cả đêm tới mức cháy khét không? Bạn tất nhiên sẽ trả lời “Không”, vậy đừng làm điều đó cho cơ thể mình.
Ăn uống khoa học và hợp lý sẽ hạn chế được tình trạng rạn da
Vì thế, khi mang thai nên ăn uống có khoa học, ăn uống theo nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ phát triển của em bé trong bụng. Đừng vì cái lý do “cần tẩm bổ” hồn nhiên quá mức mà tự khiến mình bị rạn da bụng do tăng cân quá mức.
Và đừng vì mình có cái bụng rạn mà tự hào.
Bài: Nguyễn Tú Anh
Admin hội Ăn dặm kiểu Nhật