Theo bảng niêm yết lãi suất sáng ngày 7/12 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm ở kỳ hạn 13 và 36 tháng. Kỳ hạn từ 1-9 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,8%/năm.
Tại Eximbank, lãi suất huy động tiền đồng được ngân hàng này giảm sâu hơn, mức cao nhất chỉ còn 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Từ kỳ hạn 15 tháng trở đi, lãi suất chỉ còn 11%/năm…
Tại một số “ông lớn” khác như: Vietcombank, lãi suất huy động VND cho khách hàng cá nhân hiện cũng chỉ còn 10,5%/năm cho các kỳ hạn dài 12 – 24 – 36 – 48 – 60 tháng, còn lãi suất huy động từ khối doanh nghiệp kỳ hạn 12 tháng còn 10%/năm. Tại Vietinbank, kỳ hạn 12 – 13 tháng được gữi ở mức 11%/năm, từ 13 đến 36 tháng là 10%/năm và kỳ hạn trên 36 tháng chỉ còn duy trì ở mức 9%/năm…
Các mức lãi suất trên được xem là đã giảm đáng kể, bởi vào trung tuần tháng 9/2012, thị trường đã chứng kiến một loạt ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, Sacombank… đi đầu trong việc áp lãi suất huy động VND cao. Lúc đó, ACB và Sacombank lần lượt áp mức cao nhất 13%/năm, Eximbank là 12,8%/năm. Sau đó những mức lãi suất cao này nhanh chóng mở rộng trong hệ thống ngân hàng.
Và trước đợt giảm để đón đầu chính sách giảm lãi suất từ NHNN, đầu tháng 11 , lãi suất huy động VND được khá nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,3% – 0,8%. Ví dụ như, tại Techcombank, lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm, thay vì mức 12,5%/năm trước kia. Hay như ngân hàng Eximbank, lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, thay vì mức 12,3 – 12,8% cũ.
Bên cạnh đó, tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn trên 12 tháng chỉ ở mức 10%/năm. Agribank huy động 12%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng lần lượt ở mức 11%/năm và 11,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở Vietinbank là 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 10 – 11%/năm cho kỳ hạn từ 13 – 36 tháng…
Còn việc giảm lãi suất của các ngân hàng hiện được nhìn nhận là nhằm đón đầu xu hướng hạ trần lãi suất huy động sắp tới.
Trước đó, theo thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp thường kỳ tháng 11/2012, Chính phủ đã yêu cầu, trong tháng 12 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Riêng về điều hành lãi suất, cơ quan điều hành yêu cầu “xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo cuối chiều ngày 29/11 lưu ý: Liệu việc còn tiếp tục quy định trần lãi suất huy động, quy định lãi suất cơ bản hay không thì đã được Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, ngay trong tháng 12 phải trình ra phương án điều hành cụ thể.
“Nhưng tôi có thể nói rằng, theo đúng quy luật, khi lạm phát xuống thì lãi suất chắc chắn phải xuống”, Bộ trưởng Đam khẳng định.
Thông tin từ NHNN cho biết, lãi suất huy động VND tương đối ổn định với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống, giảm khoảng 0,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện nay, lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1 – 2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; từ 01 tháng đến dưới 12 tháng 8,8 – 9%/năm, từ 12 tháng trở lên 10 – 12%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.
Đánh giá về xu hướng giảm lãi suất hiện nay, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với mức giảm từ 5 -8%/năm so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.
Tính đến ngày 21/9, tổng phương tiện thanh toán (M2) vước tăng 12,21%, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,52% so với 31/12/2011. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS.Kiên, khả tăng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN hút ròng hơn 60,5 nghìn tỷ đồng trên OMO. Trong quý II/2012, sau hàng loạt sự cố của ngân hàng ACB, NHNN đã phải bơm ròng 43,5 nghìn tỷ đồng trên ÔM nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tín dụng.
Từ đầu tháng 11 trở lại đây, NHNN đã tăng mạnh lượng tín phiếu bán cho các tổ chức tín dụng trên OMO để hút tiền với lãi suất thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động, cho thấy thanh khoản của nhiều tổ chức tín dụng đang dư thừa.
Do đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, vấn đề chính của các doanh nghiệp hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Như vậy, để doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay mới, vấn đề không dừng lại để hạ lãi suất hay khoanh nợ, mà còn phải hỗ trợ các giải pháp giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp.