Ngân hàng cần thêm thời gian để ‘thoát’ nợ vàng

Tính đến ngày 27/10, cách ngày chấm dứt huy động vàng theo quy định dự kiến chỉ khoảng một tháng, nhiều ngân hàng vẫn còn thiếu một khối lượng vàng tương đối nhiều để tất toán hợp đồng vàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, số còn thiếu hiện vào khoảng 20 tấn (hơn 520.000 lượng vàng).

Trong đó, riêng ACB, hiện trạng thái âm vàng gần 100.000 lượng, Eximbank 26.000 lượng. Còn lại là của một số nhà băng khác. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trong cuộc trao đổi với báo chí hôm 25/10 cho rằng, nếu với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng cần thêm 2 tháng để có đủ số vàng cần thiết.

Trên thực tế, song song với việc mua vàng vào, một số nhà băng đã tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động vàng kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng với lãi suất tương đối cao để có thể bù đắp kịp số vàng còn thiếu.

Ngân hàng cần thêm thời gian để đoạn tuyệt với vàng. Ảnh: Lệ Chi.

Theo biểu lãi suất niêm yết cách đây hai ngày, Ngân hàng Á Châu (ACB) công bố lãi suất chứng chỉ huy động vàng vẫn giữ nguyên 1,4% mỗi năm với hai kỳ hạn 1 và 2 tháng cho cả loại vàng SJC và vàng ACB. Ngoài ra, ngân hàng này còn áp chính sách thưởng thêm 0,2% mỗi năm lãi suất cho các khoản gửi từ 30 lượng trở lên.

Còn tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ 25/10 cũng áp lãi suất cao nhất 1,6% một năm cho kỳ hạn 3 tuần trong chương trình “kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng”.

Trong khi đó, một số nhà băng khác, không niêm yết công khai lãi suất chứng chỉ huy động vàng trên website nhưng khi khách đến hỏi được thông báo cụ thể về lãi suất. Tại Ngân hàng Việt Á, nhân viên cho biết, hiện nhà băng này vẫn còn huy động vàng với kỳ hạn tối đa 2 tháng, lãi suất cao nhất là 1,6% khi khách gửi từ 100 lượng trở lên.

Trao đổi với VnExpress.net về thời điểm hoàn tất khâu tất toán trạng thái vàng, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết đến giờ vẫn chưa chính thức nhận được thông tin có cho phép gia hạn lại hay không. Nhưng nếu trường hợp Ngân hàng Nhà nước không cho gia hạn thì với tốc độ mua bình quân mỗi ngày 3.000 lượng, nhà băng của ông vẫn có thể tất toán trạng thái hợp đồng vàng đúng hạn. Tuy nhiên, theo ông Toại, nếu để việc này xảy ra thì sẽ gây áp lực lớn lên giá vàng, gây méo mó thị trường.

Ông Toại chia sẻ, bản thân các ngân hàng thương mại cũng là những “nạn nhân”. Bởi lẽ, trước đây khi cho phép triển khai hoạt động cho vay và huy động, các nhà băng không hề biết trước sẽ phải chấm dứt nghiệp vụ này. “Chính vì vậy, chúng tôi đã cho vay nhiều khoản dài hạn 10 năm thậm chí 20 năm. Nay chỉ trong thời gian ngắn buộc phải tất toán tất cả thì rất khó trở tay kịp”, ông nói.

Do đó, ông cho rằng việc gia hạn thêm một khoảng thời gian nhất định, tối thiểu 2 tháng nữa là điều rất cần thiết để các ngân hàng thương mại có điều kiện mua vàng vào cân đối trạng thái.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cũng bộc bạch, trước đây, nhà băng ông “trót mang” một số vốn bằng vàng khá lớn bán ra lấy tiền đồng. Giờ để chuyển đổi lại từ tiền đồng sang vàng là cả một quá trình gian truân.

Theo ông, tuy ngân hàng đã có nghiệp vụ riêng để hạn chế tối đa rủi ro, nhưng do thời gian qua, giá vàng biến động khá thất thường và luôn duy trì ở mức cao nên gây khó cho việc mua vào của nhà băng. “Để việc tất toán không gây ra nhiều rủi ro cho nhà băng, đồng thời không xáo trộn thị trường vàng, chúng tôi cần có một thời gian dài để lựa chọn thời điểm giá cả phù hợp nhất”, ông bộc bạch.

Bản thân Chủ tịch hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long cũng cho rằng, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thêm ngày chấm dứt việc huy động vàng của ngân hàng thương mại để giảm bớt áp lực lên giá cả thị trường.

Sau đó, cơ quan này có thể xem xét khả năng đứng ra nhập khẩu vàng để giải quyết thanh khoản cho các nhà băng, xem đây là cơ hội cuối cùng để các ngân hàng giải quyết dứt điểm những tồn tại về vàng.

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chiều 24/10 đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận chủ trương lùi thời hạn ngừng huy động vàng, thay vì mốc 25/11.

“Thời gian gia hạn cụ thể còn đang tính toán nhưng không được phép lâu, chỉ tính bằng tháng thôi. Và trong thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ từng đợt phát hành chứng chỉ huy động của từng ngân hàng, đảm bảo giảm dần dư nợ và ngừng hoàn toàn khi đến hạn”, ông Hưng nói.

Theo VnExpress

From the same category