Ngạc nhiên về những đứa trẻ già trước tuổi - Tạp chí Đẹp

Ngạc nhiên về những đứa trẻ già trước tuổi

Tin Tức

Giật mình con trẻ sợ… chết!

Trong nhiều lần tham gia các diễn đàn học làm cha mẹ, tôi có dịp làm quen với chị Nguyễn Thị Hương (ngõ 949, đường Giải phóng, Hoàng Mai, Hà Nội), được chị chia sẻ về những tình huống khác lạ khi trò chuyện với cậu con trai. Mới 9 tuổi nhưng Tuấn, con chị Hương có suy nghĩ già trước tuổi. Những câu hỏi của bé luôn khiến chị giật mình, suy ngẫm.

Với  trẻ em, nên tạo cho các em môi trường sống trong lành, sự hồn nhiên.

Theo lời kể của chị Hương, một buổi chiều cách đây gần 3 tháng, vừa đi làm về tới nhà, thấy cậu con trai mặt buồn rầu, ủ rũ, nằm bẹp trên giường, không chào, chị tưởng con trai bị ốm cuống cuồng chạy lại sờ lên trán. Nhưng không… Chị Hương gặng hỏi: “Con mệt hay có chuyện gì, nói cho mẹ nghe được không?”. Ngập ngừng hồi lâu, Tuấn nói: “Con người sẽ sống được bao lâu hả mẹ?”. Chị Hương cười, trả lời câu hỏi của con: “Sống đến trăm tuổi con à”. Tuấn hỏi tiếp: “Vì sao ai cũng phải chết ạ?”. Chị Hương khẽ xoa đầu con và nói: “Trẻ con, không nên nghĩ xa xôi”.

Sau lần đó, chị Hương cũng không để ý đến những câu hỏi “quá già” của cậu con trai. Nhưng, mỗi lần trò chuyện với con, chị nhận thấy Tuấn có nhiều sự thay đổi. Vẻ mặt Tuấn lúc nào cũng buồn thiu và bé trở nên ít nói. Hơn 1 tháng sau, Tuấn nhắc lại câu chuyện sự sống và cái chết. Tuấn hỏi: “Mẹ biết trên đời cái gì là quý nhất không?”. Chị Hương nói: “Con là thứ quý giá nhất đời mẹ”. Nét mặt Tuấn trở nên nghiêm nghị: “Không phải đâu mẹ, sự sống là quan trọng nhất”. Nghe câu nói ấy, chị Hương cảm thấy bàng hoàng khi đứa con trai mới 9 tuổi đã quan tâm nhiều đến câu hỏi: “Con người sống được bao lâu; Cái gì là quý giá nhất?”.

Sợ con mắc bệnh tự kỷ hoặc gặp rắc rối gì đó về vấn đề tâm lý cần được tháo gỡ, chị Hương quyết định đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, nhưng tại đây các bác sĩ kết luận cháu bé hoàn toàn bình thường. 7 ngày sau khi đi khám về, Tuấn tiếp tục hỏi mẹ: “Sao con người không có hai mạng sống? Tại sao ai cũng phải chết hả mẹ?”. Lần này, chị Hương lặng người, không tin vào tai mình, không hiểu vì sao, cậu con trai lại hay nhắc đến cái chết đến vậy.

Để có câu trả lời, chị Hương xin nghỉ làm, dành thời gian trò chuyện với con. Gặng hỏi mãi chị mới biết, con hay xem phim ảnh, có cảnh ông bà, bố mẹ của nhân vật trong phim bị chết nên luôn ám ảnh. Tuấn còn nói với mẹ rằng rất hay mơ thấy ác mộng. Và từ đó, chị Hương kiên quyết cấm con xem phim, chỉ cho xem phim hoạt hình để lấy lại sự ngây thơ, trong trẻo trong suy nghĩ của con trẻ.

Không chỉ riêng trường hợp bé Tuấn, rất nhiều phụ huynh chia sẻ trên diễn đàn làm cha mẹ đều cho rằng trẻ con bây giờ suy nghĩ già dặn hơn tuổi và có những hành động khiến người lớn khó kiểm soát.

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng, tâm sinh lý của trẻ em bây giờ “lớn” hơn tuổi rất nhiều. Có bé 3 tuổi đã biết nói: “Vợ chồng thì phải thương yêu nhau chứ!”. Có thể đứa trẻ không hiểu câu mình nói ra nhưng tự trong ý thức, suy nghĩ, cũng như việc chứng kiến những cảnh “ngọt ngào” trên phim ảnh, trẻ cũng có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, cũng có nhiều tình huống, trẻ mắc “bệnh tâm lý” vì bị ảnh hưởng quá nhiều từ môi trường sống, phim ảnh… dẫn đến có suy nghĩ lệch lạc, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Cũng như trường hợp bé Tuấn luôn bị ám ảnh về cái chết.

Ngẫm sự sống qua lăng kính trẻ thơ      

Quay trở lại câu hỏi sự sống và cái chết qua lăng kính của trẻ thơ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cảnh báo: “Con người chỉ tìm đến cái chết khi bước tới đường cùng. Giới trẻ ngày nay tìm đến cái chết dễ hơn bao giờ hết. Họ coi thường mạng sống của mình. Nguy hiểm nhất là hai từ “tự tử” đang trở thành một “thú vui”, một “trò tiêu khiển”…”.

Theo nhận định của một tiến sỹ xã hội học, nguyên nhân dẫn đến cái chết của những đứa trẻ hiện nay đôi khi chỉ vì lý do lãng xẹt. Chỉ vì nỗi buồn bâng quơ, một thứ tình cảm nhẹ nhàng tuổi mới lớn hoặc một nỗi lo lắng nhỏ nhoi mà các em đã tự kết liễu đời mìnhå.

Cách đây không lâu, ngày 7/8/2012, một nam sinh tên H. trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) đã tẩm xăng tự thiêu vì bị một bạn gái cùng khóa từ chối tình cảm. Trước đó, ngày 17/3/2012, 3 nữ sinh THCS Phan Chu Trinh (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông) uống thuốc độc tự tử vì làm mất sổ đầu bài, sợ bị mắng. Nữ sinh K.O, lớp 12 của trường THPT tư thục Đông Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) bị cô giáo bắt chép lại bài kiểm tra, nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử cũng khiến dư luận không khỏi xót xa. 

Nhận định về thực trạng giới trẻ lựa chọn cái chết để giải thoát, các nhóm nghiên cứu vấn đề khủng hoảng tâm lý dẫn đến tự tử cảnh báo hiện tượng tự tử tập thể tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang trẻ hóa, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25 tuổi.

…Và khi trăn trở của một đứa trẻ về thứ quý giá nhất trên đời là “mạng sống” bị giới trẻ xem nhẹ thì đó quả thật là một điều khó tin rất cần có sự lên tiếng mạnh mẽ từ dư luận để thức tỉnh những trái tim yêu cuộc sống.

Choáng váng với “thú tiêu khiển thời thượng”

Theo Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP) cảnh báo, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử bao gồm: Rối loạn tâm thần, lạm dụng chất gây nghiện, hút thuốc lá, nghiện cờ bạc, yếu tố sinh học và yếu tố xã hội… Trong số đó các yếu tố xã hội, sự ảnh hưởng của các trang mạng xã hội đang lan truyền nhau một loạt bài viết về cái gọi là “giáo trình tự tử”. Điều khiến PV “choáng váng” là việc nhiều đứa trẻ xem chuyện bày vẽ, chỉ dẫn ai đó tự kết liễu đời mình trên mạng là thú tiêu khiển thời thượng nên vào cuộc rất phấn khích. Có trẻ còn ví mình là “chuyên gia” trong lĩnh vực… tự tử. Và cũng vì những lý do đó mà đám “chuyên gia tự tử” dồn tâm huyết trong việc nghiên cứu các cách thức chỉ dẫn ai đó quyên sinh.

Theo NĐT

Thực hiện: depweb

04/09/2012, 12:24