Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Nga gửi Thủ tướng Nga, khối lượng tài sản bằng tiền điện tử thuộc sở hữu của các chủ sở hữu người Nga hiện nay khoảng 2.000 tỷ ruble, tương đương 26,6 tỷ USD.
Ngày 8/2, Chính phủ Liên bang Nga đã phê duyệt khái niệm quy định tiền điện tử, theo đó, nhà nước quy định các nghĩa vụ nghiêm ngặt đối với tất cả người tham gia thị trường này và nhấn mạnh vào việc bảo vệ quyền của các nhà đầu tư tư nhân.
Thông báo trên trang web của Chính phủ cho biết quy định này được đưa ra nhằm tích hợp cơ chế lưu thông tiền kỹ thuật số vào hệ thống tài chính của đất nước.
Khái niệm nay giả định rằng người dùng tiền kỹ thuật số được chia thành các nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn. Việc bảo vệ quyền của công dân, theo khái niệm, sẽ được đảm bảo bởi yêu cầu cấp phép cho các nền tảng tiền điện tử. Các nền tảng này sẽ phải có sự bảo đảm tài chính về tính thanh khoản và mức độ an toàn vốn.
Tuyên bố của Chính phủ có đoạn: “Việc thực hiện khái niệm này cho phép đưa ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số ra công khai và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh hợp pháp.”
Các cơ quan chức năng tham gia vào việc phát triển khái niệm này gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Nội vụ, Cơ quan An ninh Liên bang, Cơ quan Thuế liên bang, Bộ Phát triển kinh tế và Văn phòng Tổng Công tố của Liên bang Nga.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov gửi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, khối lượng tài sản bằng tiền điện tử thuộc sở hữu của các chủ sở hữu người Nga hiện nay khoảng 2.000 tỷ ruble, tương đương 26,6 tỷ USD.
Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm hoàn toàn đối với tiền điện tử. Đến ngày 25/1, Bộ Tài chính tuyên bố ủng hộ việc điều tiết thị trường thay vì một lệnh cấm hoàn toàn đối với các loại tiền kỹ thuật số.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga có lợi thế về khai thác và yêu cầu Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính đi đến thống nhất.