“Nếu ta đều tử tế và lịch thiệp, thì thế giới sẽ ổn thôi” – Chú gấu Paddington
Trong cuốn hồi ký viết trước khi từ giã thế gian, nhà văn Stefan Zweig hồi tưởng lại một khoảnh khắc trọng đại trong đời ông và đời biết bao con người khác trên khắp cõi hồng trần: “Vào ngày 28 tháng Sáu năm 1914, một phát súng nổ ra, ở Sarajevo, trong một giây làm vỡ tan thành ngàn mảnh như chiếc bình đất rỗng cái thế giới của an bình và của lý trí sáng tạo trong đó chúng tôi đã được nuôi dạy và lớn lên”. Phát súng ở Sarajevo, như ta biết, là khởi đầu của chiến tranh thế giới thứ nhất, một biến cố mà những kẻ đã kinh qua có cảm giác như thế giới đã ngấp nghé ngày tận thế. Rốt cuộc, không có tận thế nào cả. Thế giới tiếp tục trải qua chiến tranh thế giới thứ hai còn kinh hoàng gấp bội, nhưng cũng không có tận thế.
Nếu có bài học nào đã được dạy đi dạy lại trong lịch sử, thì đó là: với con người, chỉ có cái chết đơn lẻ, không có cái chết toàn thể. Thế giới sẽ tiếp tục vần xoay, dù cọt kẹt, dù chỉ là gắng gượng để đến một ngày kia lại có những tai ương mới giáng xuống chặn nó tiến lên trên quỹ đạo, nhưng kiểu gì nó cũng không bao giờ dừng lại hẳn. Ngay cả đối với thứ dịch bệnh quái đản mà cả thế giới đang chống chọi, dẫu trong khoảnh khắc những trái phá của nó làm đứt tung cuộc sống đang liền mạch của chúng ta và tưởng như rất khó để vá lại những nứt gãy sâu, con người vẫn thầm hiểu với nhau rằng, rồi ta sẽ vượt qua.
Và khi đã vượt qua, như người hùng Jason trong thần thoại Hy Lạp đã giết rồng để mang về bộ lông cừu vàng, con người sau những giông tố cũng có một bộ lông cừu vàng của mình: cái nhìn thấu suốt về thế giới.
Một buổi sáng như mọi buổi sáng trong đời, Gerry Lane (Brad Pitt thủ vai) – một cựu nhân viên Liên Hợp Quốc đã thôi việc từ lâu – thức dậy bên vợ. Anh vui vẻ làm bánh kẹp cho hai cô con gái trong khi chúng chọc ghẹo anh. Anh có lẽ đã chờ đợi một ngày mới cũng bình thường, giản dị mà hạnh phúc, nhưng rồi trong phút chốc, tất cả đổi thay. Buổi mai bình yên bị thay thế bởi bầu không khí hỗn loạn trên đường phố. Chuyến đưa con đi học trở thành cuộc chạy trốn điên cuồng khỏi một đám quái vật xác sống hung hãn, vô tri và khát máu. Dịch bệnh thốt nhiên ập đến như một cơn sóng thần tràn vào khi con người còn đang mải xây lâu đài cát bên bờ biển.
không thể rã nhỏ, thế giới là của tất cả mà cũng chẳng là của ai.
Giờ đây, khi xem lại phần mở đầu của “World war Z” (Thế chiến Z), một bộ phim của đạo diễn Marc Forster, ta sẽ cảm thấy xúc động lạ lùng. Bạn hẳn còn nhớ những ngày đầu tiên khi nghe tin tức dịch bệnh từ một thành phố xa xôi nào đó tận Trung Quốc mà ta nghĩ chẳng phải chuyện của mình – những ngày cuối đông giá rét và ai nấy đều đợi chờ mùa xuân mới. Không ai, không một ai vào giờ phút ấy nghĩ mình sẽ phải đối phó với điều gì, và điều gì sẽ đến cùng mùa xuân. Quanh ta, mọi người đều cười vui, lên kế hoạch, chúc tụng nhau, mộng ước.
Phần lớn những bộ phim về dịch bệnh đều bắt đầu từ một thước phim hoàn toàn vô tư lự. Trong “Contagion” (Bệnh truyền nhiễm) của Steven Soderbergh, vào ngày đầu tiên khi một thứ virus kỳ quặc từ một con lợn truyền nhiễm vào con người trong một sòng bạc huyên náo ở Hồng Kông, người ta vẫn còn đang uống cocktail và lả lơi chuyện trò, đâu hay rằng viễn cảnh u tối đang trà trộn vào tất cả. Beth Emhoff (thủ diễn bởi Gwyneth Paltrow) trở về nhà với tâm trạng hân hoan. Hai ngày sau, cô chết, rồi đến con cô, và hàng ngàn người khác. Đến cuối phim, ta sẽ được tiết lộ về con đường virus đi bao dặm đến ký sinh nơi Beth: một chiếc máy xúc của công ty cô đốn hạ khu rừng ở Trung Quốc khiến đàn dơi không còn nơi trú ẩn, một con trong số đó đã bay đến một trang trại nuôi lợn và đánh rơi một mẩu chuối nhiễm bệnh phẩm, khiến một con lợn ăn phải, người đầu bếp của sòng bạc mổ thịt nó, và rồi ông bắt tay Beth khi chụp chung một tấm hình lưu niệm.
Quả là một trường hợp điển hình của hiệu ứng cánh bướm, điều mà trong diễn từ Nobel văn chương năm 2018, nữ văn sĩ Olga Tokarczuk đã mô tả sự phát hiện ra nó “đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ niềm tin bất diệt vào khả năng gây ảnh hưởng, năng lực kiểm soát của chúng ta, và tương tự, cảm giác uy quyền tối cao trên thế gian này”. Thế giới là một mạng lưới chằng chịt những kết nối đầy mẫn cảm; mọi xung lực ta đặt vào nó, theo một đường zig-zag khó lường, lại trở về trả lại ta. “Chúng ta chỉ là một phần nhỏ xíu của tiến trình ấy”.
Khi làm “Contagion”, Steven Soderbergh đã cố tình tạo nên một phức điệu với rất nhiều những mạch truyện của những ngôi thứ nhất khác nhau vừa tuyến tính vừa đan cắt, từ một tay bác sĩ vật lộn với căn bệnh chết người đến một nhà dịch tễ học của WHO bị bắt cóc, từ một tay blogger kiếm chác nhờ thuyết âm mưu đến một người đàn ông bình thường mất vợ con vì virus. Nhưng ở phần cuối cùng, khi tái hiện hành trình của loài dơi, ông đã dùng góc nhìn của ngôi kể thứ tư, của một đấng biết-tất-cả, của một người kể chuyện vô hình đứng cao hơn chúng ta. Hành trình ấy, những con người trong phim không ai biết tận tường, chỉ có “vị thượng đế” kia là chứng kiến. Nhưng con người không nhìn thấy là bởi trước nay họ luôn đập vụn và chia thế giới thành “của anh”, “của tôi” rồi tranh giành từng mẩu thừa cho đến khi tai họa đến không phân biệt kẻ giàu người nghèo, và họ nhận ra, thế giới là một toàn thể không thể rã nhỏ, thế giới là của tất cả mà cũng chẳng là của ai.
“Cái gì đang ở trong đầu nhà ngươi vậy, xác sống?” – lời ca khúc “Zombie” của ban nhạc The Cranberries vẫn văng vẳng bên tai ta. Vào năm ngoái, MV ca khúc đạt được 1 tỷ lượt xem trên YouTube, bất chấp việc đã 16 năm kể từ lần đầu tiên ca khúc này ra mắt. Cùng với ma cà rồng, xác sống hay zombie có lẽ là đề tài ma quỷ gợi nhiều cảm hứng nhất với những nhà sáng tạo. Khác biệt là, dù ma cà rồng và xác sống được tạo thành bởi cùng một cơ chế – bị một ma cà rồng hay một xác sống khác cắn – nhưng dường như chưa từng có ai kể về một bệnh dịch ma cà rồng, chỉ có bệnh dịch xác sống mà thôi. Nó cũng có nguyên do của nó.
Bộ phim về xác sống có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử điện ảnh là “Night of the living dead” (Đêm của những xác chết), một bộ phim độc lập của George A.Romero vào năm 1968, kể về một đám xác chết sống dậy nhờ phóng xạ từ vụ nổ một tàu thăm dò không gian trong bầu khí quyển trái đất. Ngày nay, xem lại cảnh một tay xác sống từ bóng đêm lừ lừ bước ra tóm lấy gáy con người hay cảnh một đàn xác sống đờ đẫn trong khoảng sân trống của bộ phim đen trắng từ thập niên 60 có thể không còn khiến ta sởn gai ốc, bởi ta đã được những nhà làm phim hiện đại chiêu đãi những bữa tiệc điện ảnh giật gân và chân thật hơn nhiều, nhưng chính từ bộ phim được coi như phim xác sống hiện đại đầu tiên ấy mà xác sống không chỉ có nghĩa là xác sống.
Romero làm bộ phim vào thời kỳ cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam gây nên cơn phẫn nộ trên toàn thế giới, và theo những nhà lịch sử điện ảnh, những xác sống trong phim là “đám đông im lặng”, những người đã không lên tiếng chống lại những điều sai trái, và đạo diễn người Mỹ đã dùng xác sống như biểu tượng để “phê phán những bệnh trạng của xã hội thực – sự bất lực của chính phủ, những kỹ thuật sinh học mới, tình trạng chiếm hữu nô lệ, thói tham lam và nạn bóc lột”.
Những ẩn dụ đó vẫn còn lại trong dòng phim xác sống hiện nay.
Luôn đói khát, vô cảm, không trí tuệ, tê liệt về đạo lý, ngấu nghiến tất cả những gì có ở trên đường, được kéo lê đi bởi động lực duy nhất là ăn não người, hành xử theo bầy lớn, không phải quái vật ngoài hành tinh hay sinh vật hoang dã mà là bất cứ ai trong những con người hàng ngày ta vẫn gặp – dù mỗi nhà làm phim có những hình dung khác nhau về xác sống nhưng về cơ bản, chúng đều là như vậy, từ “Resident evil” (Vùng đất quỷ dữ) đến “Train to Busan” (Chuyến tàu tới Busan), từ “28 days later” (28 ngày sau) đến “World war Z”. Và đó chẳng phải là tình trạng ì trệ chung của con người trong xã hội tiêu thụ?
Hình ảnh những đám đông xác sống là hình ảnh của sự vô tri về cái ác. Chúng lao vào với cái miệng há hoác mà không biết mình đang làm gì. Không thể cải hóa xác sống bởi chúng đã đánh mất linh hồn. Giống ai nếu không phải rất giống với chính chúng ta ngày nay, những con người với nhu cầu ngày một phình to ra và những ham muốn vô độ với mọi thứ đã bị tư bản hóa: từ thực phẩm, tin tức, bê bối của những ngôi sao đến lối sống xanh, lối sống tối giản hay làn sóng nữ quyền. Hẳn vì vậy mà trong những tác phẩm về xác sống, sẽ luôn có những cảnh khắc họa sự đối lập giữa những con người thực thụ biết yêu thương và bè lũ xác sống nhũn não không bao giờ biết đủ.
Đó là thước phim khi người cha trong “Train to Busan” với vết cắn chí mạng, trong giây phút biến đổi thành xác sống, anh giật tay mình ra khỏi đứa con trai, chạy về phía cuối đuôi tàu, dưới ánh mặt trời thiên đỉnh, anh nhớ về kí ức được ôm đứa con trong tay khi nó mới sinh ra, đôi mắt anh trắng dã, những mạch máu nổi gân khắp mặt, anh mỉm cười và thực hiện hành động cuối cùng của một con người là nhảy xuống đường ray tự vẫn. Đó là thước phim người mẹ trong “Train to Busan 2” đưa nọng súng lên cằm trong vòng bu kín như bầy kiến lửa của đám xác sống hung hăng, vì cô muốn cứu con và cô cũng không muốn trở thành một zombie vô tri giác. Còn trong bộ phim kinh điển “28 days later”, tình yêu của Jim và Selena cùng sự chở che vô điều kiện họ dành cho một đứa trẻ mất cha như điều tốt đẹp duy nhất còn lại trên thế giới đã bị ăn nham nhở.
Và trong thế giới thực, khi cuộc đời đột ngột bị hãm phanh bởi dịch bệnh, ta giật mình nhận ra lâu nay có lẽ ta cũng là một xác sống vật vờ, làm mọi sự theo quán tính, đánh mất bản dạng trong đám đông, bị thôi miên bởi chủ nghĩa tiêu dùng bành trướng, gây ra những hậu họa khôn lường và biện minh đó là hành vi vô thức.
Hình ảnh những xác sống chồng đống lên nhau cao như núi tìm cách vượt qua bức tường để xâm lăng Jerusalem trong “World war Z” có kinh hoàng không? Có. Và nó không chỉ là một hình ảnh tưởng tượng. Chủ nghĩa xác sống đã lan đi khắp muôn nơi, và nó có thể đánh đổ mọi nơi nó muốn dù cho đó là ngôi nhà của Chúa. Nó không tha cho cả những vị linh mục (như trong “28 days later”). Nhưng một tin tốt lành, rằng khác với phim, trong đời thực, xác sống cũng có thể trở lại làm người, nếu muốn.
Nghĩ về dịch bệnh, ta nghĩ đến gì? Nỗi đau, sự tàn phá, sự xâu xé lẫn nhau, và cái chết. Toàn những thứ xấu xa. Toàn những điều không có gì đẹp đẽ. Dịch bệnh thì có gì để đẹp? Nhưng Luchino Visconti trả lời là có.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết mỏng tráng lệ âu sầu của Thomas Mann, đạo diễn huyền thoại người Ý Luchino Visconti đã tạo nên “Death in Venice” (Chết ở Venice), một trong những bộ phim đẹp nhất về sự ám ảnh của dục vọng, trên nền cảnh là Venice rạng ngời sắp đến hồi u ám bởi dịch thổ tả lan tràn.
Câu chuyện kể về Aschenbach, một nhạc sĩ già tới nghỉ trong khách sạn Grand Hôtel des Bains dành cho những gia đình giàu có ở Âu châu. Tại đó, ông tình cờ gặp Tadzio, một cậu thiếu niên đẹp như thiên thần. Ông lặng thầm say mê cậu trong nỗi dằn vặt về đạo đức, tự vấn mình trong những câu hỏi về mỹ học cao siêu, một cái lướt qua cậu cũng làm nội tâm ông dậy sóng. Khác với phần đa những bộ phim lấy bối cảnh dịch bệnh, “Death in Venice” trôi qua chậm rãi từ đầu tới cuối như một bản adagio lững thững. Những vị quý tộc nô đùa trên biển, uống rượu, chơi đàn, ăn tiệc, tán gẫu, đôi khi luận bàn về âm nhạc. Họ trải qua cuộc sống mơ màng thức ngủ nằm ngoài mọi cay đắng và phản trắc, không biết một buổi rạng đông có thể hủy hoại đời mình.
Câu chuyện kể về Aschenbach, một nhạc sĩ già tới nghỉ trong khách sạn Grand Hôtel des Bains dành cho những gia đình giàu có ở Âu châu. Tại đó, ông tình cờ gặp Tadzio, một cậu thiếu niên đẹp như thiên thần. Ông lặng thầm say mê cậu trong nỗi dằn vặt về đạo đức, tự vấn mình trong những câu hỏi về mỹ học cao siêu, một cái lướt qua cậu cũng làm nội tâm ông dậy sóng. Khác với phần đa những bộ phim lấy bối cảnh dịch bệnh, “Death in Venice” trôi qua chậm rãi từ đầu tới cuối như một bản adagio lững thững. Những vị quý tộc nô đùa trên biển, uống rượu, chơi đàn, ăn tiệc, tán gẫu, đôi khi luận bàn về âm nhạc. Họ trải qua cuộc sống mơ màng thức ngủ nằm ngoài mọi cay đắng và phản trắc, không biết một buổi rạng đông có thể hủy hoại đời mình.
Không có nhiều lời thoại, nhưng “Death in Venice” tràn trề âm nhạc. Những bản waltz vui rộn ràng của Franz Lehár, như thể người ta đang khiêu vũ và múa ca khi thế giới kề bên vực thẳm. Những bản giao hưởng nặng trĩu cô đơn của Gustav Mahler, như chứng minh sự tàn diệt cũng có thể được tự sự bằng ngôn ngữ của cái đẹp. Những bản ru êm ái của Mussorgsky, như lời ru từ biệt đưa con người qua đớn đau đi vào giấc ngủ ngàn đời.
Không có nhiều lời thoại, nhưng “Death in Venice” tràn trề âm nhạc. Những bản waltz vui rộn ràng của Franz Lehár, như thể người ta đang khiêu vũ và múa ca khi thế giới kề bên vực thẳm. Những bản giao hưởng nặng trĩu cô đơn của Gustav Mahler, như chứng minh sự tàn diệt cũng có thể được tự sự bằng ngôn ngữ của cái đẹp. Những bản ru êm ái của Mussorgsky, như lời ru từ biệt đưa con người qua đớn đau đi vào giấc ngủ ngàn đời.
Có những tàn khốc không thể ngăn khi nó đến, nhưng chừng nào nó còn chưa khiến ta lụi tắt hoàn toàn, hãy vẫn chìm đắm trong âm nhạc, hãy vẫn tao nhã, hãy vẫn yêu và thèm muốn yêu và dằn vặt vì yêu.
Khoảng 400 năm trước, thành phố Venice từng bị tàn sát bởi dịch hành. Một phần ba số cư dân bỏ mạng. Khi cuối cùng dịch bệnh cũng qua đi, họ ăn mừng bằng một lễ hội để tri ân sự phù trợ của Đức Mẹ Đồng Trinh. Lễ hội mang tên Festa della Madonna della Salute đến nay vẫn còn được tổ chức. Điều đó nhắc ta nhớ rằng, dịch bệnh vốn chẳng có gì mới. Cứ vài chục, vài trăm năm một lần, dịch bệnh lại quay trở lại, trong lốt khác. Mà sau rốt, mọi biến cố đều chỉ là một hóa thân khác của quỷ, một đầu thai khác của tai họa trong quá khứ. Nhưng con người lại quên đi quá chóng, tự phụ quá dễ dàng và mắc lỗi quá nông nổi. Trong bộ phim “12 monkeys” (12 con khỉ) của Terry Willam, một người tù của tương lai đi ngược thời gian với sứ mệnh chặn lại dịch bệnh từ khởi điểm, nhưng rồi có ích gì đâu, cuối cùng, người chết là anh chứ không phải kẻ đem phát tán thứ virus chết người. Dù biết trước những gì sẽ đến, con người vẫn không thể diệt tận gốc mầm mống của sự điên rồ. Hay trong “Blindness” (Mù), bộ phim của Fernando Meirelles chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn đoạt giải Nobel, José Saramago, khi toàn bộ nhân loại mắc căn bệnh mù trắng, họ chẳng thể nhớ ra “mù lòa” là chứng bệnh biểu tượng cho những kẻ không nhìn thấy Chúa trong Kinh Thánh, không hối cải, họ tiếp tục tự hủy hoại mọi thứ quanh mình, bởi họ, con người hiện đại, đã quên đi những giá trị thường hằng mình từng kính phục để rã đám trong những tiện nghi nhất thời và sung sướng giả tạm.
Vượt qua dịch bệnh vẫn chưa phải chiến thắng cuối cùng. Hãy nhớ đến người anh hùng Jason của Hy Lạp, sau khi lấy được bộ lông cừu vàng nhờ sự mách nước của nàng Medea, chàng lên ngôi vua, nhưng rồi chàng phản bội tình yêu của Medea và vì vậy khiến thần linh nổi giận. Sau này, chàng chết trong cô đơn khi bị chiến thuyền Argo đè nghiến lên người. Con người là vậy đó, luôn thất bại vì điểm yếu chí tử của mình: sự đãng trí, sự hay quên. Ta quên quá nhanh những hứa hẹn và những phút giây chứng ngộ. Và bài học của dịch bệnh hôm nay sẽ không mang ý nghĩa gì nhiều nếu như khi bánh quay cuộc sống lại xoay đều, nó lại cuốn con người theo và hất văng bộ lông cừu ta đã đoạt được. Nói như Gerry Lane trong “World war Z” vào giờ phút ngồi trên chiếc thuyền con băng qua dòng nước lớn để gặp lại gia đình nhỏ, sau khi thứ vaccine chống lại bệnh dịch xác sống đã được điều chế thành công, đưa thế giới trở lại bình yên như nó vốn từng: “Nếu phải chiến đấu, hãy chiến đấu. Hãy chuẩn bị cho bất cứ điều gì. Cuộc chiến của chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi”.