Nếu ở môi trường âm nhạc khác, chắc Dương sẽ hạnh phúc hơn

Nguyễn Công Phương Nam – tên Việt của nhà sản xuất Vincent Nguyen, là người đứng sau thành công ở chặng thứ 3 trong sự nghiệp của Tùng Dương với album “Li ti” đầy ấn tượng. Album mới này phô diễn một Tùng Dương bắt đầu chạm đến độ chín của giọng hát và tư duy cởi mở với nghệ thuật.

Anh có biết gì về Tùng Dương, trước khi Dương liên lạc với anh để đề nghị hợp tác?

Tôi biết đến Dương qua Minh Đức – producer của Phương Nam film. Chúng tôi trao đổi với nhau về việc làm một album electro cho Tùng Dương khá lâu trước khi Dương thực sự đặt vấn đề với tôi. Lúc ấy tôi đã biết Dương rất cá tính nhưng chưa thực sự đánh giá được thực lực của ca sĩ này.

Những ấn tượng đó có thay đổi khi anh bắt đầu nói chuyện và làm việc với Dương?

Có, thay đổi nhiều chứ. Những lần trao đổi ban đầu cho album “Li ti” đã cho tôi thấy về nhạc cảm và chiều sâu của Dương. Nó nhiều hơn là cá tính bên ngoài của cậu ấy.

Trước anh, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo đã là hai người thực hiện 2 sản phẩm rất thành công cho Dương. Một – dân gian đương đại, hai – newage. Một khá an toàn và một đầy phá cách. Anh là người thứ ba, có áp lực gì khi tìm một con đường mới cho cậu ấy thử nghiệm và phá cách?

Tôi rất thích gu âm nhạc và ý tưởng của hai nhạc sĩ này. Nhưng trong nghề mà, mỗi người một cách. Khi mình không so bì với ai thì mình cũng sẽ nhẹ nhàng với bản thân hơn. Áp lực lớn nhất là chính bản thân tôi, là một người được học hành chính quy về nhạc nhẹ ở nước ngoài, tôi không cho phép mình làm chuyện nửa vời. Tôi muốn những cái tôi tham gia có thể đưa cho người nghe trên thế giới nghe được, được tự hào về sản phẩm đó lại càng hay. Và tôi phải làm được điều đó cho một ca sĩ có thẩm mĩ và giọng hát tốt như Tùng Dương.

Anh có biết Quốc Trung cũng đã mất 2 năm nghiên cứu Dương và chưa thực hiện được sản phẩm?

Tôi nghĩ Quốc Trung lo nhiều công việc khác hoặc chưa tìm ra cảm hứng để làm việc này mà thôi.

Electronics. Tại sao anh lại lựa chọn chất liệu ấy cho Dương trong khi tôi hiểu sở trường của anh là jazz và classic?

Electronics là ước nguyện của Dương. Trong khâu thực hiện, cậu ấy lúc nào cũng đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn nữa theo hướng này. Ví dụ như bài “Đồng hồ treo tường”, tôi đã có ý bẻ nó sang hướng punk rock. Vì muốn nó thật rock nên tôi cho trống acoustic chơi bài này. Khi Dương nghe qua demo lần đầu, cậu ấy có vẻ hơi thất vọng vì quá ít chất electronics.

Tôi học jazz và classic chính quy, nhưng sau khi ra trường, tôi làm việc trong phòng thu với rất nhiều bạn bè ở Đức, trau dồi thêm nhiều xu hướng thể loại khác, ngoài electronics, còn có latin, funk, rock thập niên 60-80, broadway… và hiện nay là nhạc phim. Tùng Dương có ý tưởng hợp tác với tôi khi nghe bài “Moon and you” trong album “Trăng và em” của Jazzy Dạ Lam do tôi hòa âm và đồng sản xuất năm 2004, một album mà tôi sẽ luôn nhớ đến với nhiều khoảnh khắc âm nhạc thật đẹp.

Bài “Moon and you” đã được hòa âm electronics cùng với orchestra, rất tương tự màu sắc của ca khúc “Li ti”. Thật là điều thú vị khi lần này tôi lại có điều kiện và kinh phí để thực hiện hòa âm với dàn nhạc giao hưởng. Rất cám ơn vì Tùng Dương đã cố gắng hết mình để có đủ kinh phí đầu tư cho album với một tham vọng nghề nghiệp rất lớn này.

Dương nghe nhiều, thích nhiều. Nhưng để áp dụng vào con đường đi của anh ấy, theo anh, Dương cần phải tinh lọc gì cho vừa vặn bản thân?

Theo tôi, trong loại nhạc pop Việt có âm hưởng dân ca như bài “Con cò”, hay “Giăng tơ”, Tùng Dương là xuất sắc. Còn các loại pop electronics khác, trong thời gian tới sẽ còn phải thử nghiệm và tìm tòi nhiều. Dương chưa định hình giọng hát và cách thể hiện của mình trong electronics ở đây, sắp tới sẽ như thế nào. Nên phải để cậu ấy kiến tạo ra cái riêng của mình hơn, qua các cuộc thử nghiệm.

Tôi thích được hưởng những cú bất ngờ thú vị hơn là gò nắn ai. Điều chắc chắn là electronics đòi hỏi cái chất “đời” nhiều hơn “đạo”, bụi bặm hơn, từng trải hơn. Những cái ấy cần kinh nghiệm cuộc sống, ta không thể tập luyện nó được.


Album “Li ti” đạt bao nhiêu phần trăm yêu cầu chuyên môn anh đặt ra và Dương làm được bao nhiêu phần trăm sự kỳ vọng của anh?

Lần đầu hợp tác với nhau, tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều là “giao diện mở”… cả hai đều kỳ vọng vào nhau. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy ở nhau những tiềm năng để cùng phát triển tiếp. Dĩ nhiên là tôi còn mong mỏi và muốn được thử nghiệm nhiều hơn nữa cho album này. Những gì còn sót lại, mong sẽ được hơn ở lần sau.

Anh sống ở Âu châu, văn hóa cởi mở hơn và phát triển sâu rộng hơn. Khác với Việt Nam, đôi khi những người làm sáng tạo như Dương trở thành dị biệt. Anh thấy gì về điều này?

Thật ra nhạc pop châu Âu cũng hẹp hòi nhiều định kiến lắm, do các hãng phát hành media ấn định các công thức này để chiều theo thị hiếu số đông khán giả, với chủ ý đánh nhanh thắng nhanh. Các nghệ sĩ thực thụ sống rất đạm bạc, chuyên môn của họ thì cực cao, những người nào bứt phá nổi lên được bằng nghệ thuật thì họ được trọng vọng và sùng bái. Tôi nghĩ, làm việc âm nhạc ở đâu rồi cũng cần phải tính đường dài, lựa bước theo từng lúc mà đi. Tôi mong những đồng nghiệp và cả Tùng Dương sẽ có một tương lai như ý.

Trước đây tôi luôn nhìn thấy ở Dương một sự trưng trổ muốn phô diễn. Điều anh làm được ở “Li ti” là kiềm chế giọng ca này, nén nó xuống trong một không gian âm nhạc chung? Kìm cương được con ngựa này có khó không?

Trước khi bắt tay vô thực hiện album, tôi có tâm sự với Dương về ví dụ của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ. Các phim như “Matrix”, “No country for old men”, “Avatar”… sử dụng bạo lực và đủ các thủ thuật công nghệ khác mà khán giả ham thích, câu được khách rồi họ đã lồng vào nội dung những triết lý cuộc sống, nhân bản, cá tính và nghệ thuật riêng của đạo diễn luôn rõ ràng. Và họ thành công hơn phim nghệ thuật Arthaus của châu Âu rất nhiều. Sau đó Tùng Dương vào phòng thu và là Tùng Dương của “Li ti” luôn như vậy, tôi không hề cần phải sửa đổi gì nhiều trong các bài thu.

Theo anh, sau “Li ti”, Dương có khó để tìm kiếm một dự án khác để tiếp tục thử nghiệm, hoặc có khó để anh ấy đi tiếp hướng đi của “Li ti” nếu đặt Dương trong môi trường âm nhạc Việt?

Con đường của “Li ti” sẽ không dễ dàng cho Tùng Dương. Nhưng nếu có tâm theo và giữ được nhiệt huyết như kỳ này lâu dài thì Dương vẫn sẽ thành công. Tôi tin vào điều này. Vừa rồi, “Li ti” được bình chọn Album của năm ở giải Cống hiến. Khi chúng tôi làm việc, chẳng ai tính tới chuyện thi lấy giải, nhưng khi được giải, tôi thấy thật là vui và bất ngờ.

Vì thật ra loại nhạc này lạ và khó cho nhiều người, được bình chọn cho giải này là điều động viên lớn cho ê-kíp, cho thấy người Việt Nam nghe nhạc bây giờ rất có gu. Xin được gửi lời cảm ơn tới mọi người, những người đã ủng hộ, và cả những bạn không ủng hộ “Li ti” của Tùng Dương, đã cho chúng tôi biết thêm về thị hiếu, những điều mà các bạn chờ đợi và cách mà các bạn nghe nhạc. Và với Tùng Dương, tôi muốn nói với cậu ấy “keep trying, the show must go on”.

Từ trường hợp Tùng Dương, anh nghĩ đến nghệ sĩ quốc tế nào?

Tùng Dương hơi giống Prince ở điểm rất xì tin, cứng đầu theo cái riêng của mình cho bằng được, và có năng khiếu bẩm sinh… Nếu ở một điều kiện, môi trường và công nghệ âm nhạc khác, chắc Dương sẽ hạnh phúc hơn hiện nay cho dù chưa chắc sẽ thành công hơn. Trả lời bạn nghe cho vui thôi chứ tôi thấy không nên đem ra so sánh như thế này…

Thực hiện: Hà Cao

From the same category