Nếu gặp Raynaud... - Tạp chí Đẹp

Nếu gặp Raynaud…

Sức Khỏe

Đừng chủ quan! Có thể bạn đã bị Raynaud

Bệnh Raynaud được mô tả lần đầu tiên vào năm 1862, bởi bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud. Đây là một bệnh mạch máu. Khi người bệnh tiếp xúc với môi trường lạnh, các mạch máu ở đầu ngón tay, chân hoặc cả dái tai, chóp mũi sẽ co thắt lại, gây tím tái. Đặc biệt, bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Một số người bệnh Raynaud chỉ đơn giản là có bàn tay và bàn chân lạnh nhưng không giống như bị tê cóng. Các dấu hiệu và triệu chứng Raynaud phụ thuộc vào thời gian, tần suất và mức độ nghiêm trọng của sự co thắt mạch máu làm nền tảng cho rối loạn.

Trong một cuộc tấn công của Raynaud, các khu vực bị ảnh hưởng của làn da đầu tiên thường chuyển sang màu trắng, sau đó đổi màu xanh, cảm thấy lạnh, tê liệt, cảm giác nhận thức kém. Khi việc lưu thông máu được cải thiện, các khu vực bị ảnh hưởng có thể chuyển sang màu đỏ, rung hay sưng lên. Thứ tự của sự thay đổi về màu sắc không giống nhau ở tất cả mọi người và không phải ai cũng gặp cả ba màu như trên. Thỉnh thoảng, một cuộc tấn công chỉ ảnh hưởng đến một, hai ngón tay hoặc ngón chân và cũng có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác của cơ thể như mũi, môi, tai và thậm chí cả núm vú, kéo dài trong vài phút đến vài giờ.

bệnh Raynaud

Cho đến nay, Raynaud được chia làm hai loại:
– Nguyên phát (còn gọi là bệnh Raynaud), không rõ nguyên nhân gây bệnh. Thể này rất hay gặp, chiếm khoảng 90% các trường hợp, chủ yếu ở phụ nữ trẻ. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể giảm sau vài năm và trong thời gian có thai.
– Thứ phát (còn gọi là hội chứng Raynaud), do hậu quả của một số bệnh lý gây co thắt mạch máu.

Vì sao lại gặp Raynaud?
Có rất nhiều nguyên nhân thứ phát của hiện tượng Raynaud:

Xơ cứng bì: 80–90% bệnh nhân bị xơ cứng hệ thống (xơ cứng bì: scleroderma) gặp hiện tượng Raynaud. Đôi khi, bệnh nhân chỉ có hiện tượng Raynaud đơn thuần trong 15-20 năm, sau đó mới phát xơ cứng bì. Bất thường mạch máu đầu ngón cũng góp phần vào sự tiến triển hiện tượng Raynaud. Ngoài ra, loét đầu ngón do thiếu máu cục bộ có thể tiến triển đến hoại thư và tự hoại ngón.

Lupus đỏ hệ thống: Khoảng 20% bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống có hiện tượng Raynaud. Đôi khi, thiếu máu cục bộ dai dẳng có thể gây loét và hoại tử các ngón. Trong hầu hết các trường hợp nặng, những mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn do viêm nội mạc động mạch tăng sinh.

Viêm cơ bì hoặc viêm đa cơ: Khoảng 30% bệnh nhân viêm cơ bì hoặc viêm đa cơ gặp hiện tượng Raynaud. Tình trạng này thường phát triển trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp và có liên quan đến tăng sinh nội mạc động mạch đầu ngón.

Xơ vữa động mạch đầu chi: Đây cũng là nguyên nhân phổ biến của hiện tượng Raynaud trên các bệnh nhân nam hơn 50 tuổi.

Tắc nghẽn do viêm mạch huyết khối: Nguyên nhân này cũng cần phải được xem xét, đặc biệt ở người nghiện thuốc lá. Triệu chứng khởi phát bằng cơn tái xanh do lạnh ở 1 hoặc 2 ngón.

Huyết khối hay thuyên tắc: Đôi khi, hiện tượng Raynaud xảy ra sau khi bệnh nhân bị tắc nghẽn cấp tính do huyết khối hay thuyên tắc các động mạch lớn hay trung bình.

Hội chứng ngực thoát: Một số bệnh nhân bị hội chứng này gặp hiện tượng Raynaud khi áp lực nội mạch giảm hoặc do kích thích các sợi giao cảm ở đám rối cánh tay, hoặc do cả hai.

Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát: Thể hiện sự bất thường thần kinh thể dịch, ảnh hưởng lên cả tuần hoàn phổi lẫn tuần hoàn ở đầu ngón.  

Một số rối loạn về máu: Sự kết tủa của protein huyết tương do lạnh, tăng độ nhớt máu, tăng kết tập hồng cầu và tiểu cầu có thể xảy ra trên bệnh nhân có ngưng kết tố lạnh (cold agglutinin), cryoglobulin huyết, cryofibrinogen huyết. Tăng độ nhớt máu có thể đi kèm với hội chứng tăng sinh tủy, cũng cần phải được xem xét đánh giá ban đầu ở các bệnh nhân có hiện tượng Raynaud.
 
Ngoài ra, hiện tượng Raynaud cũng thường gặp ở người hay sử dụng các dụng cụ lao động gây rung tay nhiều, như cưa dây hoặc búa khoan. Tần suất hiện tượng Raynaud cũng xuất hiện nhiều trên các nghệ sĩ chơi piano hoặc thư ký đánh máy, những người làm việc nhiều trên bàn phím… Tổn thương tay do sốc điện và các thương tổn do lạnh cũng có thể làm hiện tượng Raynaud xuất hiện.

Một vài loại thuốc điều trị bệnh cũng có liên quan đến hiện tượng Raynaud như: các chế phẩm ergot, methysergide, ức chế beta và các hóa trị liệu như: bleomycin, vinblastine, cisplatin…

Nên làm gì khi bị Raynaud tấn công?
Những hành động đầu tiên và quan trọng nhất là cần sưởi ấm bàn tay, bàn chân hoặc bất kỳ khu vực nào trên cơ thể bị ảnh hưởng do Raynaud. Bạn có thể thực hiện theo các bước:
– Di chuyển đến một khu vực ấm hơn.
– Đặt tay dưới nách.
– Sưởi ấm ngón tay và ngón chân.
– Xoay cánh tay.
– Massage tay và chân.
– Có thể nhờ bác sĩ tư vấn thay đổi loại thuốc điều trị bệnh đang dùng.
– Ngoài ra, bạn cũng có thể nói chuyện với bác sĩ về:
+ Phản hồi sinh học: Sử dụng tâm trí để kiểm soát nhiệt độ cơ thể có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất các cuộc tấn công. Phản hồi sinh học bao gồm hình ảnh hướng dẫn để làm tăng nhiệt độ của bàn tay, bàn chân, hít thở sâu và thực hiện bài tập thư giãn khác. Bác sĩ có thể đưa ra liệu pháp giúp bạn tìm hiểu các kỹ thuật phản hồi sinh học. Sách và băng đĩa về Raynaud cũng được phát hành rất nhiều.
+ Bổ sung niacin (còn được gọi là vitamin B3): Việc thiếu hụt niacin là nguyên nhân làm giãn mạch máu, tăng lưu lượng máu đến da. Niacin bổ sung có thể hữu ích trong điều trị Raynaud, mặc dù bổ sung niacin có thể gây tác dụng phụ.

bệnh Raynaud

Phòng vẫn hơn chữa
Có một vài cách giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của Raynaud:

Giữ ấm: Vào mùa đông, bạn cần giữ ấm cho cơ thể bằng cách đội mũ, khăn, tất, mang găng tay, vật dụng che tai và mặt nạ nếu đầu mũi và dái tai rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Bạn cũng cần tập thể dục làm ấm cơ thể, tăng lưu thông máu vài phút trước khi ra ngoài trời lạnh.

Đề phòng ngay cả khi ở nhà: Việc mang tất và găng tay luôn cần thiết. Khi cần lấy hay cất đồ vào tủ lạnh, đừng quên đeo găng tay để tránh bị lạnh. Ngoài ra, cần chỉnh máy điều hòa nhiệt độ ở mức ấm hơn để ngăn ngừa các cuộc tấn công của Raynaud.

Xem xét việc chuyển đến nơi có khí hậu ấm hơn: Với những người bệnh nặng, việc di chuyển đến nơi có khí hậu ấm hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, Raynaud vẫn có thể xảy ra ở vùng có khí hậu ấm áp.

Không hút thuốc: Hút thuốc gây ra co thắt mạch máu, giảm nhiệt độ da, có thể dẫn đến một cuộc tấn công của Raynaud. Hít khói thuốc lá cũng có thể làm bệnh nặng hơn.

Kiểm soát căng thẳng: Stress cũng có thể là nguyên nhân của Raynaud. Do đó, cần giữ tinh thần thoải mái với lối sống lành mạnh, công việc ít áp lực.

Tránh chất caffeine: Caffeine làm mạch máu thu hẹp và có thể làm tăng các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh Raynaud.

Chăm sóc đôi tay và đôi chân: Nếu có hiện tượng Raynaud, hãy bảo vệ bàn chân và bàn tay khỏi những chấn thương. Đừng đi chân đất. Hãy chăm sóc móng cẩn thận để tránh bị thương ở những ngón nhạy cảm. Ngoài ra, tránh mặc bất cứ thứ gì nén các mạch máu ở bàn tay hoặc bàn chân, như dây đeo cổ tay thắt chặt, nhẫn hoặc giày dép chật. 

Bài: Nguyễn Mưa

logo

Chóng mặt, đau bụng, đau bắp chân… với tuổi 30 là chuyện dễ bỏ qua, nhưng khi bước sang tuổi 40, đó là những dấu hiệu rất đáng lưu tâm.


Thực hiện: depweb

13/02/2014, 18:01