“Thay đổi để không chết”
Theo anh, đâu là yếu tố giúp cái tên “Dũng khùng” luôn thắng trên thị trường phim Tết?
Các giải thưởng Việt Nam thường trao cho đề tài. Nhưng đề tài chỉ là một vấn đề của phim, và thế giới đã làm hết rồi. Quan trọng là người kể chuyện. Người kể chuyện phải có duyên, và duyên cũng phải đúng vùng miền. Tôi nghĩ mình làm được điều đó.
Anh thắng còn vì khả năng “nhái” phim Mỹ thành công?
Nói không copy cũng khó. Điện ảnh không đủ lực để có thể làm từ đầu đến cuối mà không giống ai. Ở đây, sáng tạo = copy + paste + cái của mình. Quan trọng là sáng tạo của mình đặt vào đúng chỗ, người ta tin và vẫn tập trung theo câu chuyện. Hiện nay, copy số một phải nói đến Mỹ.
Ngay cả xem “KingKong” cũng thấy một chút “Titanic” trong đó. Và những nền điện ảnh nhỏ hơn lại chịu ảnh hưởng của Mỹ. Hàn Quốc, Hồng Kông chẳng hạn. Hàn Quốc chịu ảnh hưởng Mỹ + tính cách Hàn Quốc, thị trường Hàn Quốc, cho ra loại phim Hàn Quốc. Việt Nam hay các nước khác cũng vậy. Cũng có rất nhiều cái để copy. Nhưng phải thấy cái đó hay và hay đúng chỗ.
Cũng phải nói thêm, những người đi học nước ngoài có khả năng copy cao hơn tôi. Họ đã từng làm nhưng chưa thành công. Có thể vì nó chưa thấm được vào máu của họ và họ kể lại câu chuyện không tương thích với thị trường mình.
Anh đang là một trong những đạo diễn “hot” nhất, kiếm bộn tiền nhất và được các nhà sản xuất cưng chiều nhất. Đứng trên đỉnh vàng son, anh có nghĩ mình sẽ thay đổi và đủ dũng cảm để thay đổi?
Thật ra Việt Nam không phải là nơi chưa có thị trường. Nó đã từng có thị trường – mà người ta gọi là mì ăn liền – và cái thị trường đó từng chết. Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là rất sợ… lại chết! Làm phim mà thành công thức khán giả sẽ chán.
Trước đây, tôi có hai dự án song song là “Nhật ký Bạch Tuyết” và một phim hài khác của Galaxy. Chúng ta đều biết Galaxy là nhà phát hành rất mạnh. Nếu kết hợp với họ thì phần thành công sẽ rất cao. Nhưng tôi thấy được mình cần phải làm cái gì đó mới hơn, và tôi làm phim ca nhạc “Những nụ hôn rực rỡ”, vì muốn phả vào mùa Tết màu sắc riêng, chứ không muốn làm dạng phim hài như “Giải cứu thần chết”.
Nhu cầu của mình là phải được làm mới. Làm xong phim Tết, tôi có dự án xây dựng phim hè và hợp tác với Galaxy. Năm nay, tôi cũng kí hợp đồng với BHD để làm phim cổ trang. Tôi muốn thay đổi, muốn phát triển, để không chết, nhất là khi đã có bài học từ phim mì ăn liền. Còn nếu có chết, tôi cũng phải tránh cái chết cũ!
“Thay đổi là một thú vui”
Điện ảnh luôn tồn tại hai dòng phim nghệ thuật và thị trường. Ly kỳ ở chỗ, hai dòng phim này thường hay “choảng” nhau. Anh – đại diện cho “phe” thị trường – có bao giờ nghĩ sẽ bước sang bên kia “chiến tuyến”?
Tôi nghĩ đã là phim, dù thị trường hay nghệ thuật, cũng phải có thị trường. Vấn đề là nó nằm ở thị trường phổ biến hay thị trường đặc biệt. Sản phẩm của anh có thể là bình dân hoặc cao cấp. Cao cấp ít người xài nhưng nó vẫn phải có thị trường. Đến một lúc nào đó, tôi cũng phải thay đổi. Khi đã ổn định thị trường này, sẽ muốn xâm chiếm thị trường khác, đó là chuyện hiển nhiên. Thay đổi với tôi là một thú vui!
Anh có quan tâm đến những giải thưởng điện ảnh?
Nhiều người nắm giải thưởng đó hay tự cho mình danh giá, rồi chê phim này, phim kia ngớ ngẩn. Nhưng nói thật, cách tổ chức của họ còn ngớ ngẩn hơn những phim ngớ ngẩn nhất của điện ảnh Việt Nam. Những giải thưởng lớn, có thể người ta không coi trọng, nhưng ít ai coi thường. Nhưng đây, không ít người coi thường.
Tôi thậm chí còn cho rằng nó ngớ ngẩn tới mức không đáng lấy đó làm tiêu chí. Khi ra trường, tôi và Vũ Ngọc Đãng đều thấy thị trường đang thiếu tiêu chí lớn nhất, đó là khán giả. Chúng ta hay ca ngợi Trần Anh Hùng, và đúng là Trần Anh Hùng rất giỏi trên thị trường quốc tế. Nhưng hỏi anh ấy đã làm được gì cho điện ảnh Việt Nam?
Trong khi, không có hiện tượng Lê Hoàng, thì có bao nhiêu nhà sản xuất tư nhân dám đầu tư? Mọi người có nghĩ Việt Nam có thị trường nếu không xuất hiện “Gái nhảy”? Và nếu không có “Gái nhảy”, có thể giờ này tôi vẫn đi làm quảng cáo, ca nhạc.
Đã thành công thức, cái gì thuộc về thị trường thì lên rất nhanh và… lộn xuống còn nhanh hơn. Vì thị trường là thời trang, luôn đổi mới. Anh nói không muốn chết như cái chết của phim mì ăn liền. Vậy thì bây giờ, năm tới và nhìn xa hơn, anh sẽ nhấn ga như thế nào để vẫn bon bon trên con đường của mình một cách an toàn?
Thị trường đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhưng vẫn phải làm cái mình có, mình muốn. Chúng ta hay nói “đo” nhu cầu của khán giả, nhưng vẫn trên lí thuyết. Người làm thị trường thế nào đi nữa cũng phải có niềm tin với bản thân. Có thể mình sẽ chết? Đó là chuyện bình thường.
Mình không đuổi kịp nhu cầu khán giả, sẽ có thế hệ khác thay thế mình. Đó mới là câu chuyện thị trường. Còn bản thân thị trường luôn gây bất ngờ. Có những phim thị trường “ăn” nghệ thuật. Ngược lại, có những phim nghệ thuật “ăn” thị trường. Ví dụ, “Titanic” là phim thị trường, nhưng cũng rất kinh điển.
“Triệu phú ổ chuột” là phim nghệ thuật, nhưng vẫn thắng. Tài năng thật sự sẽ được đứng trên đỉnh, và đứng trên đỉnh đó sẽ tìm thấy phía bờ bên kia. Nhìn lại thị trường Việt Nam, thấy mọi người mau lên và mau xuống ở tất cả các lĩnh vực, kể cả… nhà báo. Điều đó có nghĩa thị trường quá ít người tài, quá ít cạnh tranh. Thị trường phải đào thải và phải quyết liệt thì mới phát triển.
Con người cá nhân phải có trách nhiệm với mình và thị trường của mình. Nhưng nó xuống là xuống! Đó là câu chuyện của tài năng. Ai chẳng nghĩ mình tài. Nhưng tài hay không, có được chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Còn ăn khách hay không ăn khách, người ta thích hay không cũng hên xui lắm. Tôi sẽ chẳng du nhập buồn đau vào người, chỉ gắng giữ lại những điều tốt đẹp!