Nếu cảm thấy kiệt sức thì đây là 5 điều nên làm

Nếu thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi hay mất động lực, khả năng cao bạn đang ở trong trạng thái “burnout” (kiệt sức). Điều này xảy ra khi bạn liên tục làm việc với cường độ cao mà không có khoảng nghỉ phù hợp, dẫn đến cạn kiệt về mặt cảm xúc và năng lượng. Vậy bạn cần làm gì để thoát khỏi tình trạng này?

Tình trạng “burnout” là gì?

Vào năm 1974, thuật ngữ này lần đầu tiên được giới thiệu bởi nhà tâm lý học Herbert Freudenberg. Ông mô tả “burnout” như là mối nguy thường trực đến những chuyên gia làm việc trong điều kiện khó khăn hay những người làm công tác xã hộ ở phòng khám miễn phí hoặc nhà tình thương. Đến năm 1999, ông đã tái định nghĩa “burnout” là trạng thái kiệt quệ, không còn động lực cố gắng để đạt được những mục tiêu trong trong tương lai. Gretchen Rubin, tác giả cuốn “The Happiness Project” – một trong những đầu sách bán chạy nhất của New York Times cho rằng “burnout” là “cảm giác choáng ngợp vì bị kiệt sức. Thậm chí, bạn thường xuyên cáu kỉnh hoặc có cảm giác như thể mình bị dồn đến đường cùng”. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “burnout” là kết quả tất yếu của sự căng thẳng trong một thời gian dài tại nơi làm việc.

Theo khảo sát của Deloitte, 77% nhân viên có thâm niên đã trải qua tình trạng kiệt sức trong công việc hiện tại, chủ yếu bắt nguồn từ các nguyên nhân chính như: thiếu sự hỗ trợ từ sếp, khối lượng công việc quá nhiều, áp lực tài chính, kỳ vọng từ gia đình,…”Burnout” còn thường xảy ra khi những cố gắng của chúng ta không được công nhận, và điều này nhanh chóng bào mòn sự nỗ lực của mỗi người.

Dù không cần dùng đến thuốc, nhưng nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài mà không được chữa trị , nó có thể gây trầm cảm, rối loạn lo âu cùng rất nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác. Thậm chí, sức khỏe thể chất của bạn cũng sẽ “biểu tình” với những triệu chứng như đau nửa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, thay đổi thói quen ăn uống,… Hơn thế, những người bị “burnout” trầm trọng còn có thể thực hiện các hành vi tự hoại trong lúc không kiểm soát được cảm xúc. 

Cần làm gì khi cảm thấy “burnout”?

1. Dũng cảm thừa nhận vấn đề

Tình trạng “burnout” sẽ ngày càng trở nên tệ hơn nếu chúng ta phớt lờ nó. Vì vậy, dũng cảm thừa nhận bản thân đang gặp vấn đề là điều vô cùng quan trọng, và là bước đầu để bạn chữa lành. Trước tiên, bạn cần tìm ra nguyên nhân cho sự mệt mỏi kéo dài của mình: Liệu bạn có đang đảm đương quá nhiều đầu việc? Sếp có công nhận nỗ lực của bạn không? Bạn vẫn có thời gian cho gia đình mình chứ?

Sau khi đặt những câu hỏi như vậy và xác định được nguyên nhân mình kiệt sức, bạn có thể trao đổi với sếp và đồng nghiệp để nhận được sự hỗ trợ. Nếu họ không thể giúp bạn, ít nhất bạn cũng có thêm động lực để tìm cho mình một hướng đi khác phù hợp hơn.

2. Đừng bỏ bê cơ thể

Mọi người thường khuyên rằng bạn nên tham gia những buổi điều trị tâm lý để khắc phục tình trạng kiệt sức. Nhưng nếu bạn không ngủ đủ giấc, không tập thể dục hoặc không ra ngoài hít thở không khí thì bạn vẫn sẽ cứ bị “burnout” thôi. Sức khỏe thể chất luôn có liên hệ mật thiết đến sức khỏe tinh thần, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Một cơ thể khỏe, tràn đầy năng lượng cũng giúp não bộ trở nên minh mẫn và làm việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng phải đảm bảo bản thân ăn uống đầy đủ, đừng quên bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, và uống nước đều đặn mỗi ngày.

3. Nói “không” khi cần thiết

Một phần lý do khiến nhiều người kiệt sức là vì cảm thấy choáng ngợp trước những kỳ vọng từ mọi người xung quanh, và họ không biết cách để khước từ. Vì vậy, cho dù cả nể, bạn luôn nhớ rằng mình có quyền nói “không” trước những yêu cầu của người khác, cho dù nó có nhỏ đến đâu. Nếu không cấp bách, bạn hoàn toàn có thể từ chối làm việc cuối tuần để dành thời gian với cả gia đình. Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, và quyết đoán trong sự lựa chọn của mình không chỉ giúp bạn “giữ lửa” trong công việc, mà còn tránh được tình trạng mất động lực về sau.

4. Hãy làm gương cho nhân viên

Nếu bạn làm quản lý, hãy xem bản thân như một hình mẫu lý tưởng cho nhân viên học tập. Bên cạnh việc truyền năng lượng tích cực, bạn cũng nên khuyến khích cấp dưới có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Nếu lúc nào bạn cũng chỉ biết đến công việc, thì bạn đang vô tình tạo áp lực cho đồng nghiệp làm điều tương tự. Theo một nghiên cứu từ Đại học Bách Khoa Virginia, giữ liên lạc với công ty ngoài giờ làm khiến nhân viên căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khoẻ và hạnh phúc của họ. Chính vì vậy, là cấp trên, bạn có thể chủ động thiết lập ranh giới về giờ giấc, phương thức liên lạc,… để nhân viên cảm thấy thoải mái hơn.

5. Chiều chuộng bản thân

Khi bị “nhấn chìm” trong guồng quay công việc, chúng ta có xu hướng quên đi  bản thân mình cũng như các thói quen sinh hoạt thường nhật. Vì thế, để không bị kiệt sức, bạn cần biết cách sắp xếp deadline sao cho hợp lý, để có những khoảng nghỉ chiều chuộng bản thân. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, trước tiên hãy dành một ngày ở nhà và chỉ làm những gì mình thích. Nếu một ngày vẫn chưa đủ, hãy mạnh dạn dành vài ngày đi nghỉ mát để tách biệt hoàn toàn khỏi những trách nhiệm nơi công sở. Khi thân – tâm – trí được chữa lành, bạn sẽ sớm tìm lại được động lực đã mất thôi!

Nguồn: Vogue


From the same category