Các bạn trẻ bây giờ, chắc ít người biết, hoặc là nghe tên Jane Birkin. Nàng thuộc thế hệ mẹ tôi, nhưng các minh tinh hay là ca sĩ thì trời đã sắp sẵn vào loại có tên không tuổi, nên tôi vẫn cứ gọi Birkin là nàng. Jane Birkin, người nữ ca sĩ Anh quốc chọn Pháp làm quê hương thứ hai ấy, chính là “nàng thơ” của nhạc sĩ Pháp Serge Gainsbourg. Bản nhạc được nhắc đến nhiều nhất của Gainsbourg, “Je t’aime… moi non plus” nguyên viết tặng Brigitte Bardot, nhưng tác giả lại đem thu âm giọng mình với Birkin vào năm 1969 để rồi đôi tình nhân trẻ tuổi ấy lập tức thành một hiện tượng truyền thông. Một xì căng đan nho nhỏ cho bài hát “quá ư táo bạo” (vào thời ấy) và một hình ảnh mới mẻ được lăng xê: Jane Birkin người-nữ-ngực-nhỏ.
Viết đến đây tôi mới nhớ ra rằng có lẽ nhiều bạn trẻ biết Birkin, quan tâm đến Birkin mà chẳng cần để ý nàng ở đâu là ai: hãng Hermès đã thiết kế chiếc túi da dùng cuối tuần lừng danh mang tên nàng, theo gợi ý của nàng vào năm 1984 và đến giờ vẫn là món hàng xa xỉ đáng ao ước nhất.
Tất nhiên tôi không mê Birkin vì túi Hermès. Tất nhiên nếu phải thần tượng một ai đó vào cái tuổi… hồi xuân, tôi không chọn Birkin. Tôi nhắc đến nàng chỉ vì lý do duy nhất: bộ ngực phẳng. Hình dáng thon gầy, có phần xương xẩu thẳng đuột ấy, đã có thời là biểu tượng cái đẹp, đã có thời được các cô gái noi gương, đã có thời là mốt khắp châu Âu, và ngẫu nhiên in hằn vào đầu óc tôi một vết không mờ: phải, một bộ ngực đẹp là bộ ngực nhỏ.
Người Mỹ, riêng người Mỹ quan niệm khác: họ mê những bộ ngực đồ sộ. Anne Nicole Smith nếu không nâng ngực, chẳng bao giờ lấy được tỷ phú. Người mẫu thời trang muốn vào được đất New York, hãy nhớ rằng phải có ngực tròn đầy, mặt có không đẹp cũng chả sao, đơn cử ví dụ Lara Stone. Chỉ dân Âu châu mới thích ngực nhỏ. Họ thấy vậy thanh thoát hơn. Cũng có thể họ thấy vậy là xóa nhòa giới tính, thành một biểu tượng lưỡng tính hoặc đơn tính. Tôi có lý do khác để yêu Birkin.
Lý do như sau: năm 34 tuổi, Birkin đóng vai người yêu của họa sĩ áo Egon Schiele trong phim “Egon Schiele Exzess und Bestrafung”, ở đó, nàng thơ ngoài đời của Gainsbourg đã biến thành nàng thơ tưởng tượng của nhà họa sĩ. Nếu được phép mơ mộng, thì tôi cũng muốn có nàng làm nàng thơ của riêng tôi. Bởi vì đó là một nhan sắc hoàn hảo. Phi giới tính, phi thời gian, mà sống động, mà duyên dáng. Tôi e rằng nếu Birkin có bộ ngực đầy như Brigitte Bardot, nàng không còn đẹp như vậy nữa.
Ta đang nói chuyện thập kỷ 70 của thế kỷ trước, bạn nhớ cho, thời điểm ấy, lâu lắm rồi, chứ không phải “đương đại” táo tợn hôm nay, mà Birkin không mặc áo ngực. Lý do lúc ấy đơn giản và thực tế: nàng không tìm được chiếc áo lót nào vừa cỡ. Vậy mà cũng xong, ừ thì không có thì thôi khỏi mặc.
Cho đến giờ này, tôi vẫn thích vẻ đẹp không giới tính đó. Vẻ đẹp hồn nhiên, thơ dại, vẻ đẹp trái cây chưa chín, vẻ đẹp rắn rỏi như những nét khắc vào đá và gợi tình nhờ đó, chứ không phải vẻ quyến rũ rừng rực của các người đẹp ngực lớn. Người Nhật mê ngực lớn vì họ thiếu các cô gái có ngực (đây là chuyện thiếu-nên-khát), vẽ truyện tranh manga toàn ngực núi lửa. Chắc tôi không Mỹ không Nhật nên tôi cứ thích ngực phẳng Jane Birkin.
Nãy giờ tôi lan man nhiều rồi, giờ xin vào chuyện chính. Vì sao hình ảnh người nữ răng thưa ngực phẳng lại được Âu châu ưa chuộng?
Tôi cho rằng việc lăng xê biểu tượng ngực nhỏ là hành động nữ quyền luận, là cách mà các nhà hoạt động nữ quyền dùng để chống lại thế giới đàn-ông-chuyên-chế, chống lại cái quan niệm chỉ có lợi cho đàn ông là phải có ngực đầy mới đẹp. Đẹp, là cho các ông ngắm, là cho các ông thỏa mãn, là để kỹ nghệ khiêu dâm tung hoành. Thế thì các bà các cô phải chống lại, phải vùng lên, không cho nam nhi có dịp thỏa mãn nữa. Chúng tôi không chiều các anh nữa, chẳng việc gì phải chiều. Chúng tôi ngực phẳng, răng thưa, chúng tôi xộc xệch cứng nhắc, vậy đấy, các anh chê thì các anh lên núi mà tu.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà việc tạo dựng hình ảnh người nữ ngực phẳng rơi vào đúng thời kỳ mạnh nhất của phong trào phản chiến. Chống chiến tranh, chống bắt lính sang Việt Nam, thì sẵn đây chống luôn ý thức sở hữu nghìn đời. Không có chiều chuộng nữa. Càng không đi thẩm mỹ viện sửa ngực để chiều chuộng. À, vậy là chống luôn cả giải phẫu thẩm mỹ.
Nếu Jane Birkin cũng để dành tiền làm thêm để đi nâng ngực, thì tôi đâu còn chuyện để nói hôm nay. Serge gainsbourg cũng không có nàng thơ nào cho mình.
Bài: Quốc Bảo
Nhỏ cũng đẹp! Các bài viết trong chuyên đề: >> Người đẹp bán khỏa thân: Tôi yêu… Tổ chức chuyên đề: Vũ Thủy |