Số liệu thống kê gần đây từ các tòa án nhiều nước cho thấy, phụ nữ chủ động đứng đơn ly dị chiếm khoảng 70%, chỉ có non 1/3 số đơn do nam giới viết. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong năm 2003 cũng có 69% số đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên. Điều này trái ngược với suy nghĩ chung của hầu hết chúng ta, vì ai chẳng biết nếu phải ly hôn, phụ nữ mới là người chịu nhiều mất mát, thiệt thòi hơn cả. Ngay cả với những đôi trai gái yêu nhau, trong đa số trường hợp chia tay, các cô gái vẫn là người chủ động. Tại sao lại có hiện tượng đó?
Có phải đàn ông chung thủy hơn nên họ ít muốn chia tay? Thật ra không phải thế, các nghiên cứu cho thấy nói chung khả năng sống độc thân của đàn ông kém phụ nữ. Trước hết vì họ không quen làm việc nhà từ nhỏ nên rời vợ ra, họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, vì vậy ly dị để sống một mình, đối với đàn ông là chuyện bần cùng. Có người đến mấy năm sau vẫn chưa quen được với trạng thái không có vợ. Cho nên dù không còn chút tình cảm nào với vợ nhưng nếu chưa tìm được người thay thế, đàn ông vẫn không muốn chia tay. Thực tế cho thấy hơn 90% đàn ông viết đơn ly dị là do họ đã có người đàn bà khác ở đâu đó. Nếu không, ngay cả khi tình yêu đã chết, sống với người vợ không còn chút tình cảm gì nữa, họ vẫn có thể quan hệ xác thịt bình thường, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Về điểm này, phụ nữ không giống đàn ông. Khi nhận thấy cuộc hôn nhân quá bất hạnh thì dù chưa hề có người đàn ông nào, thậm chí chưa nghĩ đến chuyện đó, họ cũng sẵn sàng chia tay. Không ít phụ nữ nói thẳng ra họ không muốn tiếp tục cuộc sống như thế nữa, trong nhiều trường hợp, phụ nữ còn không ngần ngại phân tích thẳng thắn vì sao không thể chung sống nữa, đồng thời họ chấm dứt luôn quan hệ tình dục với chồng. Trong khi đàn ông thường mập mờ hơn, chẳng ông chồng nào dám nói toạc bụng dạ mình ra: “Tôi muốn bỏ cô để lấy người khác”.
Nhưng khi tỏ tình thì đa số đàn ông nói trước. Có lẽ chính vì trước đây họ trót rót vào tai người yêu quá nhiều lời hoa mỹ, cả thề thốt nữa nên bây giờ nói lời chia tay hơi bị… ngượng mồm. Khá nhiều đàn ông đánh bài chuồn không kèn không trống. Có cô gái thật thà hỏi: “Sao lâu nay anh không đến mà cũng không điện thoại cho em?”. Họ chỉ ậm ừ: “Dạo này anh bận quá, công việc không dứt ra được”. Chẳng lẽ lại nói anh không thấy hứng thú nữa hoặc gọi điện hẹn hò với cô khác thích hơn. Thế mà hồi mới yêu nhau, họ không bỏ lỡ một cơ hội nào, khối anh vừa phóng xe máy trên đường vừa gọi di động cho người yêu, dù bận thế nào vẫn thu xếp được thời gian gặp gỡ.
Một biểu hiện nữa của cánh mày râu khi muốn chia tay là họ thường có dấu hiệu hững hờ khi ở bên bạn gái. Trước kia nếu bạn gái bảo: em muốn đến chỗ này, chỗ nọ, họ sốt sắng đưa đi ngay nhưng giờ họ làm như là tai mới bị điếc đặc. Có những anh đầy kiêu căng bỗng nhiên nói toàn những giọng nhũn như con chi chi: “Thật ra thì anh không xứng đáng với em” rồi họ kể ra khối tính xấu của họ để đối phương nghe mà ngán. Nhưng nếu bạn gái ngây thơ tưởng là anh ta nói thật cứ cố cãi: “Không, anh là người đàn ông tốt” thì họ sẽ nghĩ thầm trong bụng: “Sao mà chỉ số thông minh thấp thế không biết”.
Khi phụ nữ đã yêu, ngọn lửa tình trong họ thường bốc cháy rừng rực với những rung động mạnh mẽ hơn nhưng khi ngọn lửa ấy đã tắt, họ nhất quyết dứt áo ra đi thì họ nói thẳng và kiên quyết hơn. Trong khi đó đàn ông vốn được mệnh danh là “phái mạnh” nhưng trong chuyện chia tay họ chẳng mạnh tí nào.
Khi phụ nữ đã yêu, ngọn lửa tình trong họ thường bốc cháy rừng rực với những rung động mạnh mẽ hơn nhưng khi ngọn lửa ấy đã tắt, họ nhất quyết dứt áo ra đi thì họ nói thẳng và kiên quyết hơn. Trong khi đó đàn ông vốn được mệnh danh là “phái mạnh” nhưng trong chuyện chia tay họ chẳng mạnh tí nào. Thậm chí có anh chưa chia tay hẳn với người này đã lằng nhằng với người khác theo kiểu “bắt cá hai tay”. Thực ra đa số họ cũng chỉ bắt cá một tay thôi, còn tay kia khua khoắng loằng ngoằng làm động tác giả với người cũ. Điều tồi tệ nhất ở đàn ông là cho dù 95% tình cảm họ đã hiến dâng cho mối tình khác, chỉ còn lại 5% dành cho người cũ nhưng nếu cần, họ vẫn có thể lên giường cả hai nơi và chưa biết chừng nếu có nơi thứ ba nữa cắn câu thì họ cũng đi nốt.
Hiện tượng “bắt cá hai tay” rất ít có ở phụ nữ. Nếu có người đàn bà nào có thể chung chạ với hai ba người cùng lúc thì chắc chắn không phải tình yêu mà chỉ nhằm mục đích vụ lợi. Trong khi có những gã đàn ông có thể buổi sáng ngồi khóc với em này, chiều lại lấy mùi soa thấm nước mắt cho em khác. Có chàng ngồi một lúc lấy điện thoại bấm đi ba bốn nơi, nơi nào cũng yêu thương hết mình cả mà lạ lùng là giọng họ rất chân thành.
Theo Tiến sĩ tâm lý Piontek (Thái Lan) thì khi tiến tới hôn nhân, con người hiện đại có thể trải qua nhiều cơ hội lựa chọn bạn đời. Khảo sát của ông tại thủ đô Băng Cốc, con số ấy trung bình là 10. Như vậy sự chia tay đâu phải là chuyện lạ, phải chăng phụ nữ nên nhạy cảm hơn với tâm lý chia tay của đàn ông? Mỗi lần chia tay là một lần hiểu mình hơn bao giờ hết. So với những người chưa từng trải nghiệm sự chia ly, người trải nghiệm có kỷ niệm về cuộc đời phong phú hơn, bản thân việc chia tay cũng trở thành một thứ kinh nghiệm quý báu của đời người. Hơn nữa, trải qua sự phôi pha của thời gian, mỗi cuộc chia ly đều làm cho cuộc đời bạn đậm đà hương sắc hơn. Nếu cổ nhân đã nói nói “tương phùng là khởi đầu của ly biệt” thì xin được nói thêm, ly biệt lại trở thành khởi điểm cuộc hành trình đi tìm bản ngã của mình./.
(Trịnh Trung Hòa)
Chia sẻ bài viết này