Nên làm gì khi rơi vào trạng thái ‘không muốn làm gì’? - Tạp chí Đẹp

Nên làm gì khi rơi vào trạng thái ‘không muốn làm gì’?

Sống

Vào một ngày, bạn thức dậy và cảm thấy rất chật vật để có thể xuống giường, bạn không muốn làm gì dù công việc đang chồng chất. Cùng với việc thiếu động lực, bạn còn dễ cáu kỉnh và mệt mỏi hơn bình thường. Hầu như ai cũng sẽ phải trải qua cảm giác này, nhất là khi công việc bận rộn và căng thẳng quá mức. Nhưng cũng đừng quá lo lắng vì bạn có thể đánh bại nó bằng 6 cách dưới đây. 

1. Nghỉ ngơi 

Cảm giác không muốn làm bất cứ điều gì có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang căng thẳng hoặc kiệt sức. Việc nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc bản thân là điều tốt nhất bạn nên làm. Cuộn tròn trong chăn ấm với cuốn sách yêu thích, tận hưởng một bữa ăn ngon nhiều rau xanh, xem một bộ phim vui vẻ, nghe một playlist nhẹ nhàng,… hãy tập trung vào những việc khiến bạn cảm thấy được phục hồi và an ủi. 

Việc nghỉ ngơi không chỉ khiến tinh thần và thể chất bạn được nạp lại năng lượng mà còn giúp những suy nghĩ của bạn được minh mẫn hơn, hạn chế những sai lầm trong công việc và ngăn chặn kiệt sức hiệu quả. 

2. Ra ngoài đi dạo

Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng bên ngoài sẽ giúp thiết lập lại tâm trạng của bạn hiệu quả, kể cả khi chỉ là 10 phút đi bộ quanh nhà. Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với thiên nhiên sẽ cải thiện sức khỏe của bạn tốt hơn, tâm trạng tốt hơn, tương tác xã hội tích cực hơn và còn làm gia tăng chỉ số hạnh phúc.

3. Thiền

Thiền là một phương pháp giúp bạn dọn dẹp tâm trí hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giảm căng thẳng, lo lắng và giúp nâng cao khả năng tập trung. Hãy để bản thân được thả lỏng, không nghĩ ngợi về những bộn bề xung quanh bằng cách tập thiền 20 phút mỗi ngày. Thời gian đầu có thể sẽ không dễ dàng nhưng việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ cảm xúc của mình và biết chấp nhận bản thân, tránh để những tiêu cực không đáng có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

4. Lập những kế hoạch nhỏ

Khi bạn đang không muốn làm bất cứ điều gì thì những kế hoạch cho tương lai dễ khiến bạn bị choáng ngợp. Nhưng cứ mắc kẹt trong hiện tại cũng không phải là một ý hay. Bạn nên thiết lập cho bản thân những kế hoạch nhỏ dễ thực hiện như trang trí lại căn phòng trong nhà, chuẩn bị bữa ăn yêu thích, đọc một cuốn sách mới trong hai ngày, trả lời một email,… 

Hãy chọn những gì bạn thích làm, hoặc luôn muốn làm và lên kế hoạch thực hiện  nó. Mỗi một việc nhỏ được hoàn thành, bạn sẽ có động lực để làm thêm một việc khác. Nhưng cũng đừng quá khắt khe với bản thân nếu bạn không thể bám sát kế hoạch, chỉ làm những gì bạn có thể và khi bạn có thể.

5. Chia sẻ cảm nhận

Khi bạn đang vật lộn với những cảm xúc khó khăn thì việc chia sẻ chúng ra là điều rất cần thiết. Bạn có thể thực hành việc viết nhật ký hoặc trò chuyện cùng ai đó.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng viết nhật ký là một công cụ sức khỏe tinh thần hữu ích, đây là cơ hội tuyệt vời để bạn suy ngẫm về mọi thứ xung và khám phá lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy.

Nếu không muốn tâm sự cùng người khác thì bạn vẫn có thể cải thiện tâm trạng bằng cách ra ngoài một mình. Việc thưởng thức một tách cà phê ngon và lắng nghe những cuộc trò chuyện xung quanh, mỉm cười với nhân viên ở cửa hàng tạp hóa hay chào một người hàng xóm là tất cả những trải nghiệm xã hội đơn giản mang lại hiệu quả cao.

6. Theo dõi cảm giác của bạn

Trạng thái không muốn làm gì dễ xảy ra khi bạn căng thẳng quá mức và bị quá tải trong công việc cũng như cuộc sống. Tuy nhiên nếu cảm giác này kéo dài hơn hai tuần thì bạn nên chú ý bởi rất có thể đó là một dấu hiệu của trầm cảm. 

Trầm cảm thường rất khó để cải thiện nếu không có sự hỗ trợ từ chuyên gia sức khỏe, vì vậy tốt nhất bạn theo dõi cảm giác của bản thân và nói chuyện với bác sĩ tâm lý để có những phương pháp trị liệu đúng đắn, khoa học giúp mang lại kết quả tốt nhất.

Ảnh: Pinterest

Tham khảo: verywellmind.com

Tác giả: Thu Thủy

25/06/2022, 16:06