BST Thu Đông 2013-14 của Rick Owens
Thế nào là “cool”?
Theo Vanessa Friedman, cool không hẳn là cứ phải lên trang nhất của báo chí thời trang. Ngược lại, đó là những người làm việc đằng sau “cánh gà”, như cô stylist Katie Grand hay người sáng lập và đồng chủ bút tờ Paper, Kim Hastreiter; đó là những người làm ra, hoặc ít ra là nhìn thấy cool trước tất cả mọi người. Có lẽ tôi không quá quan tâm đến cool vì cho rằng cool vận hành cũng phù phiếm không khác thời trang. Những gì ai cũng thấy cool thì bớt phần thú vị, giống như những món đồ ai cũng chưng diện thì thực ra đã lạc mốt từ lâu. Cool là đi trước thế gian một bước, làm việc nào đó, biết điều gì đó, đọc hay xem gì đó và mặc món đồ nào đó trước khi mọi người nhận ra đó là cool. Họ làm điều đó như thế nào? Nghe có vẻ như một nghịch lý: cool tức là không quan tâm, không gắng gượng để… cool. Theo lời của một người bạn tôi: “cool là sự thảnh thơi, không đoái hoài đến cũ – mới, không cần biết mặc vậy có cool hay không!”
Trong thời trang, mặc đồ của các thương hiệu nổi tiếng cool (để có phong cách cool) mới chỉ là bước đầu tiên. Không có gì dễ hơn việc sắm quần sờn áo rách của Comme des Garcons, áo da biker jacket của Rick Owens hay trang phục phẳng lì không một đường cắt của Celine, nhất là khi ai đó có điều kiện. Một stylist của Vogue đã kể rằng khi “tất cả mọi người” (hãy hiểu theo nghĩa những người trong cuộc và am hiểu thời trang) đều hâm mộ Martin Margiela đầu thập kỷ 1990, thì phối đồ của Armani (biểu tượng của cool trước đó 10 năm) sao cho thật đặc sắc mới thật sự là một thử thách cho gu thẩm mỹ cool của bạn.
Một bí quyết luôn đảm bảo thành công là chọn đồ của các nhà thiết kế (NTK) trẻ hoặc mới vào nghề, đặc biệt khi đó là một NTK sống cùng thành phố với bạn. Bạn vừa hỗ trợ một tài năng địa phương, vừa chứng tỏ mình không phải là một tín đồ thời trang mượn thanh danh đồ hiệu. Bằng chứng của phong cách “không những không cool mà còn vô tri”, theo quan điểm cực đoan, là mặc đồ của các thương hiệu “thời trang ăn liền” (fast fashion). “Thời trang ăn liền” bị kết tội “giết chết” thời trang, làm cho các NTK mốt địa phương (nhiều khả năng là một người quen của bạn) điêu đứng. Và nếu không đặt lợi nhuận lên trên sinh mạng nhân công rẻ mạt của các quốc gia nghèo thuộc thế giới thứ ba, thì cũng hủy hoại môi trường vì sản xuất quá nhiều những thứ chỉ vài tháng sau đã không còn giá trị. Thậm chí nếu bạn yêu thích việc hỗ trợ cho ngành mốt tại địa phương thì cũng không có nghĩa là bạn có thể lờ đi thời trang thế giới. Vì cool tuy không có nghĩa là phải am hiểu tường tận thời trang, nhưng không biết gì thì cũng không ổn.
Jennifer Lawrence tại buổi ra mắt BST Haute Couture Thu Đông 2013 của Dior trong trang phục Resort 2014 và cặp mắt kính rất “cool”
Haute Couture vs. “cool”
Từ trước đến giờ, việc dễ nhất để biết về phong cách ăn mặc hợp thời là theo dõi tuần lễ thời trang, tuy tôi luôn cho rằng xem tuần lễ thời trang haute couture là một sự lãng phí thời gian. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng đây là sự kiện kém cool nhất của thời trang thế giới. Về mặt chuyên môn mà nói thì nó diễn ra quá muộn, khi những điều quan trọng nhất – xu hướng mới, từ trang phục, màu sắc, họa tiết hay tỷ lệ cool mới đã được định đoạt từ lâu. Trong tháng 7, khi các bộ sưu tập haute couture Thu Đông ra mắt trên sàn diễn cho khách hàng lựa chọn (và nếu họ mua đồ thì phải đợi thêm 2-3 tháng), thì đồ ready to wear mùa Thu đã được bày bán ở những địa chỉ ai-sành-điệu-thì-phải-biết, và tại những trang mua sắm trực tuyến. Cuối cùng người ta cũng có thể ướm thử những món đồ họ đã thấy qua video hay ảnh chụp cách đó gần nửa năm.
Một lý do nữa là tính chất cá nhân và giá cả của đồ haute couture. Khi chiếc váy của bạn có giá vài chục ngàn đô, được may riêng cho bạn và khi trên thế giới cùng lắm chỉ có 1, 2 người sở hữu một thiết kế tương tự thì bạn mặc nó như thế nào, kết hợp với cái gì cũng trở thành độc đáo. Thực ra tôi cũng không biết người ta khoe trang phục haute couture trước ống kính báo chí hay blogger thời trang để làm gì? Mượn danh tiếng của thương hiệu để đánh bóng gu cá nhân, hay bỏ tiền túi làm PR cho các thương hiệu? Điều dễ chấp nhận hơn là việc các ngôi sao được trả tiền, cho mượn đồ haute couture để quảng cáo cho thương hiệu. Đã từ lâu, haute couture là một dạng kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó” sành điệu. Những bộ trang phục mất cả trăm giờ thêu, may thủ công, những show thời trang hoành tráng phải gây ấn tượng đủ cho người ta nhớ đến tên thương hiệu khi mua lọ nước hoa, thỏi son, chiếc ví da hay đôi kính râm có logo đó.
Các thiết kế trong BST Haute Couture Thu Đông 2013 của Dior
Nhưng cũng giống như trong thời trang, những gì “quá cool” nhanh chóng trở thành lạc mốt, những thứ “không cool tý nào” lại có dịp lên ngôi. Tôi nghĩ là điều này đã diễn ra trong mùa haute couture Thu Đông năm nay, khi Raf Simons trình diễn BST của Christian Dior với các trang phục khác hẳn phong cách Dior chúng ta đã quen mắt và ca ngợi không biết bao nhiêu lần. Tạm biệt quý cô Paris của thập kỷ 1950, hãy đón chào các cô nương đài các trong phong cách Mỹ, Nhật hay các dân tộc châu Phi, ít ra là cho đến mùa Xuân sang năm. Màu xám tro và áo bar jacket thắt đáy lưng ong truyền thống của Dior không còn là điểm khởi đầu duy nhất cho phong cách mới. Bên cạnh đó là màu xanh cobalt, họa tiết và trang sức của cư dân sa mạc Sahara, vạt áo dáng kimono, vải lụa “xếp li 3D” làm theo cách thủ công của người Nhật hay mô típ sọc thủ công và kiểu dáng áo top ba lỗ khỏe khoắn của người Mỹ.
Đây là một BST “thảnh thơi” cả về ý tưởng lẫn cấu trúc. NTK cắt xẻ, ghép mảnh trang phục hay kết hợp đồ vest với kỹ thuật quấn vải “draping” – những thử nghiệm có thể làm bạn nhầm tưởng đây là BST của một thương hiệu nhỏ (nhưng cool) nào đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang được chứng kiến các thương hiệu thời trang “cổ thụ”, từ Hermès, Dior đến Saint Laurent Paris thoát dần ra khỏi sự ràng buộc của quá khứ, rũ bỏ (xin được mượn lời của Pierre Berge) những huyền thoại về phong cách haute couture Paris, mở cửa đón một chút không khí tự do và sự đa dạng của thế giới bên ngoài. Cũng cool, phải không?
Bài: Thành Lukasz