“Nêm muối” cho hôn nhân - Tạp chí Đẹp

“Nêm muối” cho hôn nhân

Sống

Nhưng, có một nhà tâm lý đã nói thế này: Thay vì than thở là “canh nhạt”, bạn hãy đứng dậy, tìm lấy nắm muối và bỏ vào bát canh. Hôn nhân cũng vậy, hãy luôn để trong tim mỗi người một “nắm muối”.

Vì sao tôi ngoại tình

“Đây, vợ tôi đây. Cô ấy vừa bị tôi bắt quả tang đang ngoại tình. Hôm nay, tôi áp tải cô ấy đến đây, xem các anh còn khuyên tôi nên… tiếp tục chung sống với người phụ nữ này không nhé”.

Người đàn ông hùng hổ ngồi phịch xuống ghế rồi chỉ sang người phụ nữ đang đứng bên cạnh, giọng đầy tức tối. Dăm tháng trước, hai vợ chồng họ đã tới văn phòng tư vấn tâm lý, nhờ gỡ rối khúc mắc trong hôn nhân. Đi đi lại lại mấy lần, giờ, hai người đã trở thành “khách quen” của văn phòng. Mới tuần trước, một vị chuyên gia còn khuyên họ nên ngồi lại với nhau, nói ra tất cả những chất chứa trong lòng và cùng tìm cách giải quyết. “Ly hôn là đường cùng. Nếu còn cơ hội hàn gắn thì anh chị hãy cố gắng” – Chuyên gia tư vấn “chốt” lại vấn đề.

Vậy mà chỉ được vài hôm thì lại xảy ra cơ sự này. Người chồng chắc là chẳng còn hi vọng gì hàn gắn gia đình nữa, sau khi đưa “tội đồ” vợ đến bèn bỏ đi luôn. Bóng anh vừa khuất, chị vợ bắt đầu khóc.

– Như anh chị đã biết, cuộc sống vợ chồng của chúng tôi, bề ngoài thì sóng yên bể lặng nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận – chị tấm tức. Ngày trước khi còn yêu nhau, tôi hình dung hôn nhân thật là đẹp. Hôn nhân sẽ giúp cho tình yêu của chúng tôi đã tươi càng thêm tươi. Vậy mà…

Hai vợ chồng họ lấy nhau đã gần 10 năm. Nghe chị vợ kể lại, họ có rất hiều điểm khác biệt. Trước tiên là về nghề nghiệp. Chị làm ngành nhân văn, anh lại làm về mảng khoa học tự nhiên. Chẳng ai hiểu gì về việc của nhau để mà chia sẻ, giúp đỡ. Trong cuộc sống riêng, anh thích “gà” thì chị thích “vịt”. Anh bảo trắng thì chị lại ưa hồng. Chị cứ tưởng, vợ chồng khác nhau sẽ giống như hai lưỡi cưa, bù đắp cho nhau thành một mảnh hoàn chỉnh. Nhưng, sự khác biệt đó càng đẩy họ đi xa 2 hướng.

Ngày thường đi làm, về tới nhà là cả hai cùng mệt rũ, thở ra đằng tai. Nhiều hôm chị ngại đi chợ nấu nướng nên alo cho anh tùy nghi di tản. Mỗi người rẽ vào một cửa hàng, làm cái gì đó ấm bụng rồi về nhà, lăn lên giường ngủ một mạch tới sáng. Vào cuối tuần, tính chị lãng mạn, thích rủ anh đi xem phim, ăn nhà hàng. Anh lại cho rằng mấy thứ đó là phù phiếm. Anh thích nằm trên giường xem truyền hình cáp hơn. Sinh nhật chị, thay vì mua hoa, mua quà, anh dúi cho chị vài trăm ngàn đồng, gọi là để chị “tự sắm”. Dần dần, từ một người đàn ông mà chị từng tự hào là đẹp trai, hào hoa, phong nhã, trong mắt chị, anh chỉ còn là một “ông chồng” khô cứng, nhạt thếch.

Sống với anh, chị thấy mình giống như một cỗ máy được lắp đặt sẵn giờ. Hai vợ chồng chị lại hiếm muộn về đường con cái, kết hôn lâu rồi vẫn chưa có con chung. Thế là tổ ấm của hai vợ chồng càng lạnh lẽo hơn. Đi thì chớ, về tới nhà là chị nhìn thấy hình bóng quá ư quen thuộc của anh. Cả cái cách anh cười, anh đi lại, rồi tiếng anh ngáy o o đều đến rợn người. Chị chẳng biết mình chán hôn nhân từ lúc nào, chỉ biết hết giờ đi làm, nghĩ đến việc phải về nhà là chị thở dài.

“Tôi ngoại tình lâu rồi anh ạ. Nhưng, mới rồi anh ấy mới biết” – người vợ ngưng khóc, chị hít một hơi dài rồi bình tĩnh nói tiếp. “Ngoại tình với anh ấy khiến tôi cảm thấy lung linh hơn”.

 

Người đàn ông mà chị nói tới là Thản – sếp mới của chị. Họ nhanh chóng cảm mến nhau chỉ sau vài tháng làm việc chung. Anh Thản là trai chưa vợ, kém chị 3 tuổi nhưng rất hiểu và thông cảm với những gì đang xảy ra trong cuộc sống hôn nhân của chị. Quen Thản, chị bỗng dưng có người quan tâm, chăm sóc. Chị hơi ho hắng một chút Thản đã biết và luống cuống mua thuốc cho chị. Trong khi đó, chị có nằm bẹp trên giường cả ngày, chồng chị vẫn tềnh tệch không hay. Trưa đến, Thản lại nhắn tin rủ chị đi ăn cơm trưa. Cái cảm giác đi cùng một người đàn ông vào quán, được anh ta lấy ghế cho ngồi, rót nước cho uống thật tuyệt. Và cuối mỗi buổi chiều, khi cả cơ quan đã về hết, chị vẫn nán lại bên máy tính vì sợ về nhà thì Thản xuất hiện. Anh đưa cho chị tấm khăn mùi soa thơm phức để chị lau mồ hôi, hoặc là khoác cho chị tấm áo choàng khi chị rùng mình vì lạnh… Chỉ thế thôi mà chị thấy đời đã tươi rói.

“Chúng tôi đâu đã làm gì quá đà. Tôi hiểu vị thế của mình. Thản là trai chưa vợ. Anh ấy rồi sẽ có gia đình riêng. Tôi chỉ… mượn Thản để làm chỗ dựa tinh thần mà thôi” – chị thanh minh.

Hôm vừa rồi, chồng chị bắt gặp môt tin nhắn hỏi thăm của Thản trong điện thoại của chị. Lẽ thường, chị có thể chối bay vì tin nhắn rất chung chung: “Em đã về đến nhà chưa?”. Nhưng chẳng hiểu sao, chị lại thừa nhận đang ngoại tình ngay lập tức. Chị chỉ muốn “ghi chú” rõ với chồng rằng đó chỉ là ngoại tình về tư tưởng. Chị ngoại tình là để thấy đời đẹp hơn, thế thôi. Nhưng, người chồng của chị cho rằng đã ngoại tình thì đều không thể chấp nhận được.

Trước khi đưa chị đến gặp chuyên gia tư vấn để “vạch mặt chỉ tên” chị, anh đã viết sẵn lá đơn li dị để trên bàn ở nhà. “Li dị ư, tôi đâu có sợ. Tí nữa về tôi ký ngay. Không có việc này, chắc chẳng bao giờ tôi lấy được can đảm để bước ra khỏi cuộc hôn nhân nhàm chán ấy” – chị đáp đầy cương quyết mặc dù các chuyên gia tư vấn đang cố gắng tìm cách “gỡ rối” cho vợ chồng chị.

 

Hãy bỏ muối vào cuộc hôn nhân

Chị Hoa, một nhân viên văn phòng thừa nhận, tình trạng các cặp vợ chồng, sau một thời gian dài chung sống, thấy hôn nhân nhàm chán là có thật. Lý giải điều này, chị Hoa cho rằng, có lẽ do mọi sinh hoạt hàng ngày đã trở nên quá quen thuộc, sự lãng mạn khi mới yêu nhau qua đi, thay vào đó là lo toan cơm áo gạo tiền chi phối. Thay vì nhìn thấy nhau đẹp như hoàng tử công chúa, họ lại thấy một người chồng ì trệ, khô cứng, một người vợ cau có và suốt ngày như… cú vọ.

Chẳng hiểu sao, ở công sở, tôi có thể nói chuyện với bất kì ai nhưng về tới nhà, cứ gặp chồng là cấm khẩu – chị Hoa tâm sự. Đám thanh niên trong cơ quan, cứ vào buổi trưa là tìm chị để “tám”. Chị nói cái gì là cả lũ há hốc mồm ra nghe, nghe xong là cười nắc nẻ. Một lần đi nghỉ mát cùng cơ quan vợ, nghe mọi người tôn chị là “tổ sư của nghề tán dóc”, anh ngạc nhiên lắm. Bởi, ở nhà, chị hoặc là im lặng, hoặc là kêu ca, chửi gà mắng chó, đánh con suốt ngày. Anh có lên tiếng là hai vợ chồng khục khặc. Vì thế, trong lòng anh, hôn nhân thật buồn tẻ và là nấm mồ chôn vùi tình yêu. “Đã chót có con với nhau thì đành chịu. Chứ nếu làm lại, tôi sẽ không bao giờ chọn mụ ý” – ngồi bên bờ biển, anh Hùng nửa đùa nửa thật nói với các đồng nghiệp của vợ.

Anh Tùng – một chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết: Sự nhàm chán chính là kẻ thù lớn của hôn nhân. Nhàm chán bào mòn trái tim của người trong cuộc. Mỗi ngày thấy chán nhau một ít, dần dần sẽ chán nhau kinh khủng. Khi mọi việc không dừng được, có cặp vợ chồng quyết định ly hôn. Có cặp vợ chồng chấp nhận sống cùng nhau nhưng việc anh, anh làm, việc tôi, tôi quyết, đừng ai xâm phạm vào lãnh thổ của ai.

Chị Bích – cũng từng thấm thía một cuộc hôn nhân “thiếu muối” là như thế nào. Kinh tế khá giả, con cái ngoan ngoãn, cuộc sống của vợ chồng chị có thể nói là hoàn hảo. Nhưng sự hoàn hảo, ít xung đột và đều đều ấy lại khiến gia đình chị nổi sóng. Cuộc sống của chị như đi trên một vòng tròn đã được lập trình sẵn bất tận. Ngày nào cũng giống ngày nào, đi từ nhà tới cơ quan, chiều từ cơ quan về nhà trên cùng một cung đường. Sau đó về cùng một ngôi nhà, cùng một không gian, gặp từng ấy gương mặt, ăn từng đó món, nói từng đó câu chuyện na ná nhau và cuối cùng là đi ngủ.

Nghe một người bạn khuyên, chị hãy thử làm gì đó khác lạ để “đổi gió”, chị Bích quyết định giữ chồng bằng việc đi phẫu thuật thầm mỹ. Chị đi làm mí, nâng mũi… nhưng “lạ” chưa thấy đâu mà mặt sưng vù. Tiền vừa mất, chồng lại không ngừng chê chị lạ hoắc, trông lại “ghê ghê”. Chị Bích nhận ra rằng, làm mới hôn nhân không hẳn là thay đổi cơ học như vậy. Chị lại chuyển hướng khác. Chị lên lịch để cả nhà đi chơi xa cuối tuần, rồi thi thoảng lại kê lại đồ đạc, thay lại màu rèm cửa, sơn lại căn phòng… ít ra cũng có một chút gì đó “xáo động” cuộc sống vốn như ao bèo phẳng lặng của chị.

Nhưng, không phải ai cũng có nhiều tiền để suốt ngày đi nghỉ dưỡng, chơi bời. Anh Hùng chồng chị Thoa lại có kế riêng. Thay vì mỗi chiều đi nhậu với bạn, thi thoảng anh về nhà rõ sớm, bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Lúc hứng, anh lại vào bếp nấu ăn thay chị Hoa. Bắt chước một người bạn, thi thoảng, “chẳng vào dịp gì”, anh vẫn mua về nhà bó hoa tặng cho “mụ già” và bảo thật ngọt rằng: Tặng em này (Anh dùng từ em thay cho từ mẹ nó). Chị Hoa lúc đầu ngạc nhiên lắm, rồi cười tít. Dần dần, chị mở lòng mình với anh hơn.

 

“Mấy cái mẹo vặt đó, vậy mà hiệu nghiệm phết. Ít ra là cũng khiến chúng tôi không còn cảm thấy quá chán khi phải sống cạnh nhau” – anh Hùng khoe.

Hoàng Phúc
(theo Đời sống Gia đình)

Thực hiện: depweb

14/09/2012, 09:13