– Mừng, mừng quá trời!
– Mừng cái gì!
– Chửa rồi. Có chửa rồi!
– Ối trời ơi, sáu mươi tuổi đầu mà còn chửa sao! Bà không sợ dân làng đàm tiếu à?
– Không phải tôi chửa mà cái con Na nó chửa.
– Có phải cái con Na, người yêu của con trai bà không? Bà tệ quá nhé, chị em bạn bè thân thiết với nhau từ nhỏ đến giờ, mà cưới vợ cho con trai, không thèm mời tôi một tiếng!
– Đã cưới đâu mà mời.
– Chết! Cái Na chưa chồng đã có chửa, là chửa hoang. Xưa, quê ta, con gái như vậy bị gọt đầu bôi vôi và nộp vạ làng đó! Bây giờ chưa chồng mà có chửa cũng vẫn bị chê cười là hư, vậy mà bà lại dám “rước” nó về làm dâu nhà bà sao?
– Trước khác, bây giờ khác, bà ạ!
– Nói lạ! Xưa và nay có thể có những cái khác nhau, nhưng truyền thống đạo đức tốt đẹp thì phải giữ, không được thay đổi chứ.
– He . he … bà nói, thoạt nghe có vẻ đúng lắm, nhưng trên đời này cái tốt, xấu nó còn tùy hoàn cảnh cụ thể bà ạ.
– Thế hoàn cảnh cụ thể mà bà định nói là hoàn cảnh nào. Quê hương ta vẫn lũy tre, cây đa, mái đình đó, vẫn dòng sông êm đềm chảy cạnh làng đó…. Có khác gì đâu?
– Thế mà có cái khác đấy, bà ạ. Cái dòng sông quê ta trước đây trong xanh, dân làng ra gánh nước, tắm táp, trẻ thơ chúng mình bơi lội thỏa thích nô đùa, nay đố ai dám xuống tắm vì nước sông ô nhiễm nặng do mấy nhà máy ở đầu nguồn xả nước thải xuống, có chứa các loại kim loại nặng như crôm, asen, sắt, chì, thủy ngân… đến nỗi cá, tôm, ốc cũng chết. Nước sông lại là một nguồn mạch chính để thẩm thấu vào giếng nước mọi nhà trong làng, dùng nước ấy là đưa những hóa chất độc vào cơ thể. Thực phẩm ăn hàng ngày cũng đầy rẫy hóa chất độc hại. Vậy cái sự ô nhiễm môi trường ấy dẫn đến cái gì, bà biết không?
– Hỏi cứ như đánh đố người ta vậy!
– Tôi đố, bà không đoán ra thì tôi giảng! Mấy năm nay, trai gái làng ta bị vô sinh nhiều. Nguyên nhân của tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng phần lớn do ô nhiễm môi trường và chất độc hại trong thức ăn. Chẳng phải tôi đoán mò đâu nhé, mà là kết luận của ngành y tế đó. Vì vậy, trước kia nhà nào có con chửa trước khi cưới là phải chạy sang nhà trai van nài xin cưới cho khỏi mang tiếng. Còn giờ thì ngược lại, con trai yêu đứa nào, về xin bố mẹ cho cưới, có những gia đình để cho chắc ăn, đã yêu cầu con trai mình phải “ăn cơm trước kẻng”, khi nào mục tại sở thị người yêu của nó có chửa, thì mới cho cưới. Tôi cũng vậy, thấy người yêu của con trai mình có chửa, mừng, mừng lắm, bà ạ. Sắp tới tổ chức đám cưới cho chúng nó, thế nào bà cũng phải về để mừng cho vợ chồng tôi có đứa con dâu đã chửa trước khi cưới nhé!