1. Trong đời hay trong nhạc, tôi vẫn chỉ ngưỡng vọng một mẫu người nữ duy nhất: mẫu đẹp dữ dội, đẹp chết chóc, đẹp đau đớn, đẹp hoang tàn, và trẻ.
Trẻ thật sự, trẻ tuyệt đối, trẻ không gì sánh bằng, trẻ như những nhân vật Nàng Thơ của Yasunari Kawabata trong “Đẹp và Buồn” (Utsukushisa to Kanashimi to).
Ấy thế mà, bao nhiêu tình khúc của tôi đều chưa vẽ nổi đúng hình ảnh mà tôi hằng hướng đến. Tất cả mới chỉ là những phác thảo dở dang, vội vã, có phần nhàn nhạt.
Điều khiến tôi thúc thủ, thật ra vẫn có mặt lợi: nó sai khiến, thúc ép tôi phải làm bằng được, phải tả bằng được, phải viết cho ra chân dung đẹp và trẻ như vốn có trong phần vô thức sâu kín của tôi.
Và chính nhờ thế, bức chân dung chưa vẽ xong mới giữ vẹn tính chất của một Nàng Thơ. Nàng ở đó, biết là ở đó, mà không động đến được.
2. Đàn bà. Tôi thích gọi người nữ bằng từ này. Chỉ có gọi thế, tôi mới nghe vang lên một âm hưởng trầm, sâu, mềm mại, nữ tính.
Tôi không ưa từ "phụ nữ", gợi không khí đồng khởi. "Người con gái" thì nhạt, thiếu sinh khí. Tôi biết chắc, cách gọi của tôi sẽ làm không ít cô gái phản ứng.
Ở nếp nghĩ thông thường, từ "đàn bà" gợi cảm mà đáng sợ, cứ như thể nó chỉ có một hàm nghĩa duy nhất là thái cực kia của "con gái"!
Tự nhiên tôi liên tưởng đến bài hát “I’m not a girl not yet a woman” – thế cô nàng trong bài hát nằm ở đâu trên thang bé gái – thiếu nữ – đàn bà?
3. Tôi thích đàn bà thơm. Khi người đàn bà đẹp dùng nước hoa thì không phải da thịt ngát thơm, mà tâm hồn nàng ngát thơm.
Người yêu tôi, mười tám tuổi, làn hương thiếu nữ còn đầy, cần gì nước hoa thì da thịt mới ngát thơm?
Nàng dùng nước hoa là vì tôi. Để tâm hồn nàng trong trẻo, thanh tịnh, hiền hòa, nồng ấm. Rồi nàng đem tâm hồn thơm ngát ấy mà trao cho tôi.
Em ngồi yên mát như lụa hồng
Hương trầm bay khuất nơi ngực nồng
(Ca dao hồng – QB)
4. Tôi bảo con trai tôi, đẹp hay xấu bàn sau, nhưng bố muốn con trai phải ra con trai, con gái phải thật con gái, phái nào ra phái đó.
Tôi thực sự yêu quý những mẫu người hiện đại mà vẫn giữ đúng đặc điểm phái tính.
Đàn bà, theo tôi, đừng hùng hục, đừng trùng trục, đừng ùng ục, đừng tục.
Tôi đặc biệt dị ứng với mẫu đàn bà đem chuyện giới tính ra cửa miệng, nói năng thiếu thanh nhã.
Đàn bà, phải ý nhị, đoan chính, lòng sáng như gương. Sự gợi cảm của người nữ nằm ở chỗ biết giấu đi, như con trai quý biết giấu ngọc. Để còn có chỗ mà khám phá, có chỗ mà van vỉ:
Này ta dệt chiếu
mời em yêu kiều
Này ra dệt gấm
mời em sang nằm
(Bài tình cho giai nhân – QB)
5. Tôi sợ đàn bà màu mè. Bệnh màu mè dường như là bệnh chung (Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung – Nguyễn Du) của giới nữ có học, giới "nữ sĩ", lời nào cũng nhả ngọc phun châu.
Sự màu mè làm mất duyên, gây dị ứng, như thể ăn phải thức ăn nhiều mì chính.
Tại sao không thể diễn đạt mọi điều giản dị như nó vốn có? Người màu mè là người nhiều mặc cảm. Tôi yêu chuộng người đàn bà không có mặc cảm, đặc biệt là mặc cảm nhan sắc.
6. Đàn bà. Tôi thích gọi người nữ bằng từ này. Âm hưởng "đàn bà" dội lên một màu nâu non, ấm áp, cuốn hút.
Người đàn bà càng hiện đại thì càng gợi màu nâu non ấy, cái màu nâu nõn nà, mịn màng, một khúc xuân thì tấu lên giữa trùng trùng cao ốc.
Người đàn bà hiện đại đẹp và trẻ như chưa từng trẻ đẹp như thế bao giờ. Nàng hiện đại trong từng nếp áo, từng lớp phấn foundation mịn măng, từng thế đứng dáng ngồi.
Nhưng nàng "truyền thống" như chưa từng biết đến những đổi thay công nghiệp, như vẫn lánh đời ở một khuê phòng trướng rủ màn che: nàng kín đáo, đằm sâu, nàng là lớp quặng chìm sâu dưới lòng đất.
Người đàn bà hiện đại, Nàng Thơ hiện đại của tôi, vẫn là Tố Nữ bất chấp những đổi thay của sinh quyển. Nàng Thơ của tôi. Người tôi yêu. Người tôi ngưỡng vọng.
Vì em ngoan rất mực em ngoan
Trong nắng mai em dịu dàng
Sáng em đi lụa là mang theo
Gió quanh em đùa reo
Sáng em qua đường trong giấy mới
In riêng gót hồng em thôi
(Ca dao Em – QB)
Saigon, tháng 2/2008 |