>> P.1: Chuyện tình bi thảm đằng sau những bức tranh triệu đô
Một nàng thơ tận tụy
Tuy đã trở thành một tính cách hội họa được người trong giới vị nể nhưng tranh Amedeo chưa được giới kinh doanh quan tâm. Là một người tinh tế, hiểu biết rộng, nhưng nghèo thê thảm, Amedeo chẳng thể mang lại gì cho Jeanne ngoài thứ duy nhất anh luôn thừa thãi – lòng kiêu hãnh. Chính sự kiêu hãnh này đã “làm khó” bản thân Amedeo, khiến anh rất nghiêm khắc với tranh của chính mình cũng như không chịu vẽ vì tiền, theo sự chỉ đạo của khách hàng.
Cha mẹ Jeanne, những tín đồ Công giáo ngoan đạo, cực lực phản đối mối tình của con gái với anh chàng phóng đãng, một họa sĩ không có tương lai và tệ hơn là – một tên Do Thái! Jeanne đã “khẩu chiến” với cha mẹ và cuối cùng thì bỏ nhà đến sống với Amedeo. Kể từ đó, Jeanne – một tạo vật mong manh với nước da trắng ngần, dáng vẻ nhu mì, trầm lặng (trái ngược hẳn với Modi) đã trở thành “nàng thơ” cho những bức vẽ của anh.
Chân dung Jeanne Hebuterne (1917)
Chân dung Jeanne Hebuterne (1918)
Họ sống cùng nhau tại căn xưởng tồi tàn gần vườn Luxembourg, trong tình cảnh giật gấu vá vai. Maurice Vlaminck – họa sĩ cùng thời với Amedeo, kể lại rằng một buổi sáng mùa đông năm 1917 anh nhìn thấy Amedeo đứng giữa ngã tư trong gió lạnh thấu xương với dáng vẻ đầy khinh mạn. Khi nhận ra Maurice, Amedeo tiến đến gần và nói rất nghiêm túc: “Tôi sẽ bán cho anh chiếc bành tô này. Nó hơi to so với tôi, còn với anh thì vừa vặn”…
Với tình yêu dịu dàng của mình Jeanne đã nỗ lực để cân bằng cuộc sống bừa bãi của Modi. Nhưng chỉ được một thời gian, anh lại sống theo nếp cũ – nửa ngày vùi đầu vào các bức vẽ, còn lại lang thang đến quán rượu, mặc cho bệnh phổi liên tục tái phát với những cơn ho dữ dội. Jeanne vô cùng lo lắng, muốn đưa Modi đi dưỡng bệnh, nhưng anh một mực từ chối. Cuối năm 1918, nhà thơ Zborowski, một trong những người bạn thân thiết nhất của Modigliani đã gom tiền bạc cho Jeanne đưa anh đi tĩnh dưỡng ở miền Nam nước Pháp. Ở đó ngày 29/11, Jeanne đã sinh con gái đầu lòng. Em bé mang họ mẹ vì Jeanne và Amedeo chưa làm phép cưới.
Chân dung Jeanne được Amedeo vẽ vào những ngày cuối đời (năm 1919, khi Jeanne đang mang thai đứa con thứ hai của họ)
Tuy vui mừng vì sự chào đời của con gái nhưng Modigliani không chịu được sự lăng xăng bận bịu quanh đứa bé, anh lại lao ra quán, nhấn chìm trong rượu và nỗi buồn nhớ về xưởng vẽ ở Paris, nơi anh có thể làm việc mà chẳng phải bận tâm gì. Sống trong nghèo túng, linh cảm về một thảm họa ở phía trước (tình trạng sức khỏe của Amedeo vẫn rất tệ), nhưng cả hai người vẫn không rời tay khỏi cây cọ. Amedeo thì miệt mài vẽ chân dung Jeanne, hết tấm này lại tấm khác. Jeanne cũng vẽ, chủ yếu là vẽ Amedeo và chân dung tự họa của mình.
Cuối tháng 5/1919 Modigliani quay về Paris. Jeanne ở lại một mình, với đứa con nhỏ, không tiền bạc. Ít lâu sau, cô cũng bế con theo chân Amedeo về Paris và lại lăn ra chăm sóc anh. Cả Jeanne lẫn Amedeo đều không thể gọi là những người cha người mẹ mẫu mực: anh đắm đuối với các ý tưởng nghệ thuật, còn cô thì đắm đuối với anh, con gái họ chủ yếu được vú nuôi chăm, về sau thì được gửi về quê và cả tuần Jeanne mới đến thăm con một lần.
Rồi Jeanne lại mang thai lần hai. Khi biết tin này Modigliani đã viết đơn xin kết hôn với cô, nhưng cuối cùng thì họ cũng không kịp trở thành vợ chồng hợp pháp. Modigliani chỉ nhận được giấy phép kết hôn vài ngày trước khi anh qua đời!
Cách vinh quang chỉ một bước chân
Bút pháp độc đáo của Modigliani ngày càng chinh phục giới nghệ thuật Paris. Bất chấp tình trạng sức khỏe càng lúc càng tồi tệ, anh miệt mài làm việc và cho ra đời hàng loạt chân dung tuyệt đẹp.
“Amedeo! Anh nghĩ hành động của anh sẽ dẫn đến vinh quang, còn em, em muốn nói với anh rằng – nó sẽ dẫn anh đến chỗ chết! Tình yêu của em, hãy dừng lại, khi mà anh vẫn còn sống!” – Jeanne đã van vỉ Modi như vậy. Hầu như tối nào người phụ nữ đang bụng mang dạ chửa này cũng phải kéo Amedeo trong tình trạng không thể tự đứng vững ra khỏi căn xưởng quen thuộc, đưa anh lên tàu điện để về nhà. Tuy vậy trên gương mặt nàng vẫn ánh lên vẻ hạnh phúc. Modi cũng vậy, anh hạnh phúc vì được vẽ, vì bên anh luôn có người phụ nữ mà ngay cả các thiên thần khi nhìn vào sự ẩn nhẫn của nàng cũng phải cúi đầu.
Bức chân dung của Jeanne do Amedo vẽ đã được bán vào tháng 2/2013 với giá “khủng”: 42,3 triệu USD
Mùa hè năm 1919, nhờ nỗ lực của Zborowski, 12 bức tranh của Modigliani đã có mặt ở một cuộc triển lãm tại Luân Đôn. Báo chí Anh đã ngợi ca tác phẩm của các họa sĩ Pháp và đặc biệt quan tâm đến những bức chân dung của Modigliani. Vài bức tranh của anh đã được bán, trong đó có một bức đạt mức giá cao nhất tại triển lãm. Vinh quanh dường như bắt đầu mỉm cười với Amedeo.
Nhưng chẳng bao lâu thì mùa đông khắc nghiệt đã đến, bệnh tật lại tiếp tục tấn công Amedeo, anh ho liên tục và những cơn đau dữ dội nhiều lúc khiến anh mê man bất tỉnh. Jeanne ở bên cạnh Amedeo trong suốt thời gian này, với nỗi lo sợ sẽ mất anh…
Một buổi sáng tháng giêng năm 1920, hai người bạn là họa sĩ Zarate và Kisling tìm đến xưởng của Amedeo và thấy anh nằm thảm hại trong mớ chăn rách rưới ngay trên nền nhà lạnh lẽo. Ngồi bên anh là Jeanne, nàng kê cuốn album lên cái bụng to của mình và đang vẽ chân dung anh. Jeanne như thể đã mất trí vậy! Zarate và Kisling vội vàng khiêng bạn đến nhà thương thí trên phố Jacob. Hai ngày sau, Modigliani (lúc đó mới 36 tuổi) qua đời vì lao màng não quá nặng. Rồi ngay sáng sớm hôm sau, người ta nhìn thấy thân thể Jeanne tan nát bên vỉa hè phố Amo. Cô đã lao mình xuống từ tầng 6, qua cửa sổ nhà bố mẹ cô, cùng với cái thai chín tháng trong bụng!
Jeanne rất hiếm khi bộc lộ tình cảm của mình với Amedeo bằng lời. Nhưng có lần “nàng thơ” trầm lặng này đã nói với Amedeo rằng sẽ không bao giờ rời xa anh… Phải chăng, cô đã đi theo dấu chân còn chưa kịp lạnh của Amedeo là để giữ lời hứa ấy?
Modigliani được an táng vào ngày 27/1 tại nghĩa trang Pere Lachaise trong lời cầu kinh của một tu sĩ Do Thái. Người bạn đời xấu số của anh được an táng vào ngày hôm sau – ở ngoại ô Paris. Vì không chấp nhận cuộc hôn nhân của con gái mình với kẻ ngoại đạo, gia đình Hebuterne đã không cho họ được an táng cạnh nhau. Mãi đến năm 1930, người anh trai của Modigliani mới thuyết phục được gia đình Hebuterne cho cải táng di cốt của Jeanne bên cạnh Modi.
Jeanne Modigliani, con gái của cặp tình nhân nổi tiếng này về sau đã trở thành tác giả cuốn sách đầy đủ và trung thực nhất về cha mình. Cha cô cuối cùng đã được công nhận là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20 với những “siêu phẩm” có giá lên đến hàng chục triệu đô. Còn Jeanne Hebuterne, mẹ cô thì chỉ kịp để lại cho đời sau năm tác phẩm (ba trong số đó là chân dung Amedeo) cùng với một tình yêu bất tử mà các văn sĩ, họa sĩ, nhà làm phim sau này cứ mãi quay lại trong các cuộc tìm kiếm mẫu hình mẫu cho một tình yêu đích thực.
Bài: Phan Minh Ngọc
Ảnh: Ảnh: britannica, wikiart, famousfix