Có lẽ, vì trải qua hàng ngàn năm đấu tranh sinh tồn trong một thế giới mà mọi luật lệ dường như đều nằm trong tay đàn ông nên tư duy của đàn bà buộc phải phát triển đến “tầm cao” lợi hại như vậy…
Logic đàn bà lúc đang yêu…
Người Nga có câu chuyện thế này:
Một phụ nữ trên xe buýt muốn nhờ cô gái ngồi phía trước chuyển giúp tiền cho tài xế để lấy vé. Chưa biết gọi cô gái kia thế nào, chị suy luận: “Đây là xe buýt nhanh. Cô gái kia không thể xuống bến tới mà sẽ xuống bên sau, tức bến cuối, cùng với mình. nghĩa là cô ấy đến khu vực nhà mình. Trong tay cô có chai rượu, nghĩa là cô đi gặp một người đàn ông. Rượu loại đắt tiền – ắt người đàn ông kia đẹp trai. Trong khu nhà mình có hai người đàn ông đẹp trai – chồng mình và bồ mình. Bồ mình giờ này đang hẹn với mình, nên cô ta không thể đến đó. Chồng mình có hai cô tình nhân – Kate và Julia. Kate hiện đang đi nghỉ mát … “. Thế là chị bèn gọi:
– Julia, làm ơn chuyển tiền vé giùm tôi.
– Ôi, sao chị lại biết tên tôi? – Cô gái ngồi phía trước quay lại tròn mắt kinh ngạc.
Tất nhiên đây chỉ là truyện tiếu lâm. Nhưng chuỗi suy luận của người đàn bà kia quả là thú vị. Từ vô số giả thuyết, cuối cùng chị đã chọn được kết luận chuẩn nhất. Chưa kể, chuỗi suy luận đó đã lướt qua đầu chị với tốc độ tia chớp để rồi chị hô lên đáp án “Julia” chỉ trong tích tắc.
Chính bằng kiểu tư duy này mà chị em thường dồn anh em vào chân tường. Anh em không đủ kiên nhẫn lần theo chuỗi suy luận ấy và nếu có cố lần theo đến tận mắt xích cuối thì cũng không thể lý giải nổi tại sao chị em lại chọn phương án này mà không phải phương án kia. Ngay bản thân phụ nữ cũng chẳng giải thích nổi sự lựa chọn của mình. Với họ, làm theo cảm tính là hoàn toàn tự nhiên, chẳng cần biết tại sao.
… Khi tranh cãi…
Tranh cãi chính là lúc mà logic của phe quần hồng thể hiện rõ quyền năng nhất. Logic ấy cho phép họ dẫn dắt mọi cuộc đấu khẩu đi theo những lề luật “tắc kè” biến hóa khôn lường của riêng mình.
Các pha tranh cãi giữa phụ nữ với nhau ít khi kết thúc theo kiểu thông thường – có kẻ thắng người thua. Lý lẽ đàn bà cho phép họ vẫn ngẩng cao đầu ngay cả lúc hoàn toàn đuối lý. Chẳng thể phủ định thắng lợi của đối phương ư? thì họ bèn tuyên bố: “Chị có cái lý của chị, nhưng tôi có cái lý của tôi”. Vậy là vẫn bảo toàn được danh dự vì không phải thừa nhận thất bại của mình.
Còn nếu là tranh luận giữa chàng và nàng thì khó mà có chuyện nàng thừa nhận lý lẽ của chàng. Lấy thí dụ hai vợ chồng chuẩn bị đi ăn nhà hàng. Chị vợ mở tủ quần áo ra và bảo rằng mình chẳng có bộ nào để mặc cả. Anh chồng sẽ nhìn vào thực tế là chiếc tủ đầy hự của vợ mà “phản pháo”. Nhưng anh liền bị vợ “đập lại” bằng thứ logic đúng là chỉ có ở đàn bà: “Bộ đầm mới nhất em mua cách đây cả tuần rồi. Giờ thì đã đầy người mặc kiểu đó. Anh muốn để em vào một nhà hàng sang trọng mà lại mặc đồng phục á?”
Logic đàn bà “hô biến” mọi khuôn mẫu và chẳng thừa nhận bất cứ sự thật nào trái với suy nghĩ của nàng. Có thể hình dung một cuộc tranh luận giữa chàng và nàng khi chàng cố chứng minh, giả dụ như, trái đất hình tròn. Logic đàn ông buộc chàng phải vật vã để tìm kiếm thật nhiều bằng chứng, nhưng rốt cuộc, khi chàng hí hửng đưa cho nàng xem thì, với logic đàn bà, nàng hất hàm: “Thế thì sao nào? Nó chẳng có nghĩa lý gì hết. Và nói chung thì có gì khác đâu!”.
Một điều phi thường nữa của kiểu tư duy đàn bà là – không thèm đếm xỉa đến lý lẽ của đối phương và đáp lại một lý lẽ duy nhất của họ nàng sẽ lôi ra 10 lý lẽ khác để “cả vú lấp miệng em”. Ví dụ, muốn vợ thôi thắc mắc rằng chồng thường về muộn là ở lại cơ quan làm việc hay đi vui thú ở đâu, anh chồng đã phải nhờ sếp đích thân đưa mình về nhà. Nhưng cô vợ vẫn không chịu: “Đúng là sếp đã đưa anh về. nhưng vấn đề là các anh ở đâu về? Vấn đề là làm ngoài giờ sao chẳng thấy có tiền ngoài giờ? Và tại sao chồng cái Lan cũng làm ngân hàng mà không về muộn!”
… Và trong mua sắm
Hai cô gái buôn chuyện:
– Hôm qua tớ ra shop tìm một chiếc áo khoác.
– Mua được chưa?
– Chưa. Nhưng tớ sắm được một chiếc túi tuyệt đẹp.
Đọc đoạn hội thoại trên chị em sẽ chẳng thấy có gì là bất thường cả (chuyện này có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, và rất thường xuyên). Nhưng nếu là đàn ông họ sẽ thở dài: “Đúng là logic đàn bà!”.
Vâng, tư duy của đàn bà và đàn ông khác nhau trong mọi lãnh vực. Đàn ông ghé vào cửa hàng là để mua một món cụ thể (hiếm khi mua vài ba món) và anh ta sẽ tiến thẳng đến quầy bán món đó, không nghìn ngang, nhìn ngửa. Nếu không tìm thấy món cần mua, anh ta sẽ trở về tay không. Còn phụ nữ, cô ấy có thể đến siêu thị mà chẳng có sẵn ý định sẽ mua gì. Hoặc món cô định mua chỉ là một cái cớ và cô không nhất thiết sẽ mua món ấy. Nhưng tiện thể, đã mất công vào siêu thị cô sẽ mua vô số món cần thiết (và không cần thiết) khác. Để mua tất cả chỗ đồ ấy, đàn ông phải mất cả chục lần đến các cửa hàng.
Đàn ông không hiểu nổi ưu điểm của logic “3 trong 1” khi mua sắm ở phụ nữ, vì vậy họ không thích đi mua sắm với các nàng. Việc phải phân tâm khỏi cái đích đã định thường khiến họ rối trí và đâm ra cáu bẳn.
Theo các nhà tâm lý, ở đàn ông, các bán cầu não sẽ luân phiên nhau làm việc. Còn ở phụ nữ, chúng có thể hoạt động đồng thời. Điều này giúp phụ nữ thực hiện một lúc vài ba việc, ví dụ: vừa nấu cơm, vừa trông con vừa nghe radio. Khi mua sắm cũng vậy, một lúc nàng có thể bao quát rất nhiều món rồi chọn những gì thích hoặc cảm thấy cần mà không quan trọng rằng trước đó nàng có dự tính mua hay không.
Bài: Minh Ngọc
Bài viết liên quan: