Nàng nói gì khi nói chuyện tình?

Bạn có bao giờ băn khoăn: tình yêu là gì, như thế nào là yêu, và theo thời gian, tình yêu sẽ ra sao? Mỗi phụ nữ đều có thể là một pho chuyện tình với vô vàn cung bậc hỷ nộ ái ố. Bạn hãy thử hình dung có một “siêu diễn đàn” xuyên không gian, thời gian và những người phụ nữ tài danh đến từ nhiều thời đại, nhiều nền văn hóa khác nhau sẽ trả lời giùm bạn những câu hỏi này.

Tình yêu là gì?

Bạn có biết Dorothy Parker – cây bút tài năng của rất nhiều tác phẩm best-seller, người từng được tờ Glamour bình chọn là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, đã gọi tình yêu là gì không? Là… thủy ngân! Bởi vì theo bà “đó là thứ mà bạn có thể giữ trên lòng bàn tay để mở, nhưng lại không thể kiểm soát nó trong bàn tay siết chặt”. Còn Iris Murdoch, nữ văn sĩ người Anh đoạt giải Booker năm 1978, người đã viết hàng trăm bức thư tình đơn phương gửi tới nhà văn Pháp Raymond Queneau, thì định nghĩa: “Tình yêu – đó là khi trung tâm vũ trụ bỗng dưng chuyển dịch sang… một người nào đó”.
Ninon de Lanclos, người đàn bà đình đám ở nước Pháp vào thế kỷ 17 không chỉ với tư cách là tác gia kiêm bà chủ một salon văn học, mà đồng thời còn là một kỹ nữ hạng sang thì so sánh: “Tình yêu – đó là loại hình kinh doanh rủi ro nhất và ở đó thường xuyên xảy ra tình trạng phá sản”. Người đẹp này còn có một định nghĩa khác về tình yêu cũng thú vị không kém: “Tình yêu – đó là một kẻ phản trắc; như một con mèo, nó sẽ cào cấu bạn đến túa máu ngay cả khi bạn chỉ định đùa giỡn với nó mà thôi”.
Trong khi đó, mẹ Teresa, biểu tượng của đức hạnh và lòng nhân từ, thì xem tình yêu như “liều thuốc duy nhất có thể cứu con người khỏi nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng”, và theo bà: “Trên thế giới này đang có nhiều người chết vì đói, nhưng những người chết vì thiếu tình yêu thương còn nhiều hơn”.

Còn Tamara Kleiman, nữ văn sĩ Nga đương đại, thì đặc biệt tâm đắc với câu “Tình yêu đó là một định lý cần được chứng minh mỗi ngày”. Tuy nhiên, để nhấn mạnh, bà đã mạn phép sửa câu nói bất hủ này của nhà toán học Pitago thành: “Tình yêu – đó là một tiên đề cần được chứng minh liên tục”.

Thế nào là yêu?

Đốt lòng em tự hỏi/ Yêu em nhiều không anh?” không chỉ là câu hỏi của riêng nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Vâng, điều mà phụ nữ quan tâm hơn cả là chất lượng tình yêu, là yêu như thế nào… Bởi vậy, mỗi khi có dịp là họ lại bày tỏ khao khát yêu thương của mình, lại nhắn nhủ với “nửa kia” cần phải yêu thế nào.

Ngay từ thế kỷ thứ 16, hoàng hậu Marguerite xứ Navarre, một gương mặt nổi bật của phong trào Phục hưng ở nước Pháp bấy giờ, đã gửi đến các đấng mày râu lời cảnh báo: “Nếu bạn cho rằng người phụ nữ mà bạn yêu phải giống bạn như hai giọt nước, phải mong muốn những gì bạn mong muốn thì thực ra bạn không hề yêu nàng, mà chỉ yêu bản thân thôi”.
Minna Antrim, nữ nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 thì ngầm trách phái mày râu bằng câu: “Sự khác biệt giữa tình yêu của đàn bà và tình yêu của đàn ông là đàn bà luôn yêu với cả trái tim và tâm hồn, còn đàn ông – yêu bằng cả trí óc và thân xác”. Còn Francoise Sagan, tác giả cuốn “Buồn ơi, chào mi!” vốn có vẻ ngoài không mấy hấp dẫn thì mỉa mai: “Để được yêu, tốt nhất là bạn phải xinh đẹp. Nhưng để xinh đẹp, bạn cần phải được yêu”. Nhưng, nàng kỹ nữ kiều diễm Ninon de Lanclo lại cho rằng: “Thực ra phụ nữ chúng ta được đàn ông yêu là bởi những khiếm khuyết kỳ quặc nhiều hơn là bởi những ưu điểm hiển nhiên”.
Liên quan đến chuyện yêu như thế nào còn có vô số những lời “xưng tội” khác đã được thốt ra. Fanny Brice (1891–1951), nữ diễn viên tài ba của sân khấu Broadway bộc bạch: “Tôi không bao giờ thích những người đàn ông mà tôi phải lòng, ngược lại tôi cũng không bao giờ phải lòng những người đàn ông mà tôi thích”. Agatha Christie, “nữ hoàng trinh thám” thì chân thành chia sẻ: “Khi yêu, phụ nữ ít khi nghĩ đến thể diện (nếu quả thực họ còn màng đến thể diện). Thể diện luôn được phụ nữ nói đến, tuy nhiên nó chẳng bao giờ bộc lộ trong hành vi, việc làm của họ.”
George Sand, nữ văn sĩ Pháp cá tính, lừng danh ngay từ lúc đương thời (thế kỷ 19) bởi hơn 20 bộ tiểu thuyết đồ sộ cùng vô số mối tình bất tử (trong đó có mối tình với nhạc sĩ thiên tài Chopin) thì khảng khái tuyên bố: “Cuộc sống luôn bao hàm tình yêu, ta không yêu – nghĩa là ta không sống”.

Tình yêu và thời gian

Phe tóc dài đặc biệt nhạy cảm trước sự khắc nghiệt của thời gian đối với tình yêu. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã đau đáu viết: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi”. Còn nữ sĩ Dorothy Parker thì thốt lên một cách mỉa mai: “Nhờ có tình yêu mà thời gian lặng lẽ trôi qua, và nhờ có thời gian mà tình yêu lặng lẽ ra đi”.

Tuy nhiên, theo cây bút tài hoa Iris Murdoch thì: “Chúng ta chẳng thể khước từ tình yêu, ngay cả khi đã linh cảm được rằng nó là khởi đầu cho một kết thúc”. Còn Madame de Stael, nữ tác gia được mệnh danh là “The First Modern Woman” hồi đầu thế kỷ 19, thì tỏ ra khá lạc quan và tự chủ, bà cho rằng: “Tình yêu vĩnh hằng theo một cách riêng. Nó xóa bỏ hoài niệm về sự mở đầu và xua đi nỗi sợ hãi về hồi kết”. Nữ họa sĩ Ba Lan Janina Ipohorskaya (1914-1981), thì ví von: “Cũng như cảm cúm, ái tình là căn bệnh mà chẳng thuốc nào chữa được. Theo thời gian nó sẽ tự qua đi mà chẳng cần đến sự can thiệp nào cả”.

Nhưng dẫu là đau đáu âu lo, ấm ức mỉa mai, ung dung bất cần hay lạc quan tự chủ, dẫu có biết rằng “lời yêu mỏng mảnh như màu khói” thì mỗi sớm mai thức dậy những người phụ nữ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường tình yêu mà họ đã chọn. Bởi vì, đúng như tác gia Ernest Legouve đã viết: “Người ta đã nhầm khi cho rằng phụ nữ nhút nhát. Trước tiếng gọi của tình yêu, phụ nữ luôn là người can đảm hơn đàn ông!”.



From the same category