Năng lượng cho mùa mới - Tạp chí Đẹp

Năng lượng cho mùa mới

Sức Khỏe

Theo bác sĩ Tuyết Phương, hàng năm, trong những cận Tết, Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện thường xuyên nhận rất nhiều ca cấp cứu do đuối sức. Điều đáng nói là tỷ lệ gia tăng đột biến của các bệnh do căng thẳng, stress gây ra như: viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, suy nhược cơ thể… rất cao.

Luôn luôn đuối sức

Bác sĩ Phượng kể trường hợp của chị N.T.O (48 tuổi, TP.HCM) nhập viện khi Tết gần kề trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, ói máu, tiêu phân đen. Nguyên nhân là do chị O. đã quá căng thẳng lo Tết, dẫn đến ăn uống kém, bỏ ăn. Thêm vào đó, chị còn tự ý dùng thuốc giảm đau nhức, mệt mỏi, gây hậu quả nghiêm trọng là chị bị xuất huyết tiêu hóa do loét cấp đa ổ ở dạ dày, kèm rối loạn tri giác do hạ đường huyết.

Người Việt thường có tâm lý “tất cả vì Tết”, phải nỗ lực hoàn tất mọi công việc tồn đọng cũng như chuẩn bị tài chính để sắm sửa Tết đầy đủ, hoàn hảo. Theo bác sĩ Phượng, ngay cả những chuyện nhỏ như lo tiền lì xì, mua quần áo cho con, mua quà cáp, thực phẩm thiết đãi khách… cũng có thể khiến nhiều người đuối sức, nhất là phụ nữ. Tất cả những lo toan và áp lực trong những ngày cuối năm đó làm xáo trộn giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi, không có thời gian luyện tập và thư giãn ở nhiều người, dẫn đến hội chứng đuối sức ngày cận Tết.

 

Hai hình thức đuối sức thường gặp

– Đuối sức tinh thần: Biểu hiện là cảm thấy mệt mỏi và không hứng thú với công việc, không tập trung làm việc được; cảm giác buồn phiền; biếng ăn hoặc thèm ăn, thay đổi cân nặng đáng kể trong thời gian ngắn (tăng hoặc giảm cân); khó ngủ, mất ngủ; dễ bị kích động hay cáu gắt, la hét, phả xạ chậm chạp, trầm cảm; nhức đầu, nặng đầu; hồi hộp, chóng mặt, ù tai, rối loạn tiêu hóa; rối loạn chức năng tình dục.

– Đuối sức thể chất: Với các biểu hiện như người uể oải, mệt mỏi, cơ thể gần như không còn năng lượng, không còn khả năng làm việc, hay hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, làm việc nhanh mệt, ăn kém, ngủ kém…

Hậu quả của việc đuối sức về tinh thần và thể chất là có thể khiến người bệnh bị trầm cảm và suy nhược nặng, nếu không tự vượt qua được thì phải nhập viện điều trị.

Bí quyết giữ năng lượng

Theo bác sĩ Phượng, để đảm bảo năng lượng đón Tết sau những ngày lo toan, mỗi người cần tự “phân chia” sức lực hợp lý để không làm cạn kiệt năng lượng. Giải pháp cho khoảng thời gian 7-10 ngày trước Tết đó là:

1. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý: Cần sắp xếp công việc hiệu quả để tránh tình trạng làm nhiều việc cùng lúc, có chế độ nghỉ ngơi cân đối với thời gian làm việc. Nếu thấy mệt mỏi, cần thư giãn để tránh quá sức. Cần đảm bảo ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày.

2. Ăn uống khoa học: Đảm bảo ăn uống đúng bữa và đủ chất, hấp thu đa dạng các thực phẩm, nhất là hoa quả tươi, sữa chua… để giúp tăng cường hệ miễn dịch, tránh được các bệnh vặt.

3. Đừng quyên tập luyện: Dù công việc bận rộn, bạn cũng nên thu xếp thời gian để ít nhất có thể duy trì chế độ tập luyện 3 lần mỗi tuần, mỗi lần 30-45 phút. Các môn thể thao bạn có thể dễ dàng (tranh thủ thời gian ngắn) tập như: aerobic, tạ tay, nhảy dây, đi bộ…

Chân khỏe, đón Tết vui!

Ngày Tết thường phải đi lại nhiều, để có đôi chân khỏe, theo bác sĩ Phượng, bạn có thể:

– Ngâm chân trong nước ấm mỗi ngày để thư giãn, tránh để chân làm việc quá sức.

– Nên mang giầy dép vừa với chân, hạn chế mang giày cao gót.

– Với bệnh nhân đái tháo đường, suy tĩnh mạch dân, khi có những triệu chứng như: tê buốt, đau, nóng rát, cảm giác kiến bò, lỏe loét, sưng phù, giảm cảm giác ngón chân, cần đến gặp bác sĩ ngay.

Hoài Ân
Theo Thế giới gia đình
 

Thực hiện: depweb

29/01/2013, 16:54