Nắng lên rồi…mây trắng bay đâu thì bay

Nắng lên rồi…!

Không chỉ với Nắng lên mà với bất kỳ một ca khúc nào chạm đến tay Lam đều khó có thể phủ nhận nguồn năng lượng ào ạt tuôn trào. Ở độ tuổi không còn mấy tươi son đối với những-người-hát, dường như Nắng lên là một sự thách đố với thời gian, một câu trả lời “gắt gỏng” với cánh phê bình đã nhiều lần gắn danh nữ-ca-sỹ-lười-biếng-nhất cho Lam, một lời đáp cho những nghi vấn về tương lai của Nữ hoàng nhạc nhẹ thời hậu Phương Đông.

Trở về với hình ảnh của những năm đầu thập niên 90, một chất giọng thiên phú với những đoạn bùng phá khốc liệt; một lối hát bản năng, khuếch đại cảm xúc đến tột cùng; một cá tính nghệ sỹ đầy thực lực tự tách rời ra khỏi những khuôn khổ chuẩn mực để thỏa mãn cá tính nghệ thuật của mình.

Sơn đã tạo lại cho Lam giọng hát, tiếng nói sau gần 2 năm hoang mang, lạc lõng trong cái làng nhạc ngổn ngang, bão hòa. Những Nắng lên, Ôi quê tôi, Người ở người về, Mẹ mong, Đá trông chồng, Trăng khát, Trăng khuyết… lần lượt và thường xuyên được giới thiệu trong một khoảng thời gian ngắn. Toàn là những ca khúc giải thoát âm lượng, cá cược với âm vực, thách đố tai người nghe.





Như một cành đào nở bừng lên sau mùa xuân đến dưới tiết trời phơi phới, chưa bao giờ thấy một Thanh Lam mãnh liệt và năng động như chuỗi ngày miệt mài với Lê Minh Sơn năm vừa qua… Báo chí đã tốn nhiều giấy mực cho những chuyện bên lề của bộ đôi ấy. Nói mãi để đến khi sản phẩm quan trọng nhất của họ, album Nắng lên vương vất lại chỉ còn là cảm xúc vụn vặt…
Lam không chỉ được hát mà còn được trở về với cái bản năng mà trước đây không được khai thác triệt để, hoặc bị hạn chế bởi không gian nhạc “động trong tĩnh” của Quốc Trung – Dương Thụ. Hơn thế, âm nhạc của Lê Minh Sơn phần nào đối lập, muốn phô trương sự mạnh mẽ ra ngoài rồi gợi tìm sự lắng đọng cảm xúc. “Tĩnh trong động”. Lam thỏa mình vùng vẫy, và lại dễ tìm được đồng cảm với người nghe bằng những gì vừa quen vừa lạ bằng thủ pháp “dân gian- hiện đại” của người viết.

Bản sắc dân gian trong Lam vẫn được giữ và phô diễn mạnh mẽ. Quả thật, Lam gặp Sơn chẳng khác gì cá gặp nước, tìm được một bờ ao để lội ngược về nguồn nước mà mình đánh mất. Và ngược lại, bờ ao cũng giang rộng tay đón vị khách lạc loài. Sơn đã cho những gì Lam cần nhất vào thời điểm ấy: được hát! Không chỉ đơn giản là được hát thôi, mà phải là được hát mãnh liệt nhất, bùng nổ nhất, nhiều nhất để chiếm đoạt lại những cái “nhất” mà “Đệ nhất Diva Việt” đánh mất sau những chuỗi ngày chán nản vô phương. 
 
Nắng lên, nắng bừng rộng sau những ngày u tối là thế. Xét ở phương diện nghề nghiệp, những hào hứng và tiên quyết từ bản năng âm nhạc của người viết – người hát Nắng lên là một điều đáng mừng. Đó là một cơ hội để nghe, để phán xét, để học tập và đáng xem trọng.
 
Mây trắng bay về đâu?

Bước chuyển lớn nhất của Thanh Lam trong Nắng lên là êkíp cộng sự hoàn toàn mới sau hơn 15 năm gắn bó với Phương Đông, những ego đã có công xây dựng hình tượng cho Nữ hoàng. Nhưng suốt năm vừa qua, Thanh Lam dường như không tiếc lời ưu ái nhất kiểu “Sơn uy hiếp tôi trong âm nhạc”, khiến người yêu nhạc không khỏi tò mò về chuyện bỏ bể về ao của Thanh Lam. “Tôi là người trường vốn”, “tôi được hát hết năng lượng của mình”… Chẳng ai chối cãi khả năng hát to, hát mạnh của Lam, nhưng vẫn còn nhiều người âm thầm kỳ vọng ở Lam nhiều hơn cái vốn bẩm sinh ấy, đó chính là sự khai phá. Tất nhiên, Nắng lên là một bước ngoặt, nhưng chưa đủ đẩy Lam lên thêm một nấc mới trong sự nghiệp của mình, không đẩy được Lam cao xa hơn sau những gì đã thực hiện giai đoạn Mây trắng bay về.
 
Nắng cho Lam kiêu sa, nắng cho Lam thướt tha. Ôi, lòng Lam ngập nắng… Lam trở về với bản năng nhưng lại thả mình về thời kỳ màu mè nhất của mình. 8 bài hát cùng ký tên một nhạc sỹ, nhưng Nắng lên lại là một tổng hợp hỗn loạn những sáng tác đa phong cách của Lê Minh Sơn.

Nghe Nắng lên, tưởng chừng nghe lại 15 năm ca hát của Lam, chứng kiến những biến chuyển của cô trong vòng 39:08 phút. Từ chất rock bốc lửa của thời Bài hát ru cho anh; cách đãi chữ thách thức phá phách; chút thử nghiệm jazz cải biên thời Ru đời đi nhé; cho đến cả cách sử dụng chất liệu dân gian giai đoạn Tự sựMây trắng bay về… (chưa hết là cả thoáng ảnh hưởng semi-classical vẫn còn đọng lại từ Ru mãi ngàn năm). Sáng tác của Lê Minh Sơn phản ảnh một cá tính mạnh mẽ, một tâm hồn phong phú, đầy cảm xúc, nhưng cách anh biên tập không tạo được một tổng thể hài hòa, liền mạch cho Nắng lên như với hai CD của Ngọc Khuê và Tùng Dương. Ca khúc chủ đề chính là bài lạc lõng nhất album. Phải chăng, vì đáp ứng khao khát “được hát” của Lam với những bài hát “đầy năng lượng” mà anh đã không tạo được những khoảng lặng và cao trào cần thiết cho tác phẩm chung của hai người.
 
Riêng Trần Mạnh Hùng, người hòa âm phần lớn hai album Ru mãi ngàn nămNắng lên, là nhân vật quan trọng mang đến phong cách âm nhạc mới trong hai album này của Lam. Anh là một người có tài, đặc biệt rất tinh tế trong những bản hoà âm semi- classical. Nhưng không khó để nhận ra rằng phong cách bán cổ điển không thuộc vào những ngã rẽ lý tưởng dành cho Lam. Thanh Lam vốn không sở hữu một giọng hát trong vắt điển hình cho dòng nhạc này. Và lối hát tự do của Lam không thể bị gò bó trong một khuôn khổ cứng nhắc được, nhất là với một thể loại âm nhạc đòi hỏi sự chính xác ở người hát trong từng phách, từng nhịp.

Bán cổ điển, với cách rải nốt dồn dập của Trần Mạnh Hùng cộng thêm một dàn dây bám chặt sát theo, chưa kể đến dàn đồng và những nhạc cụ dân tộc, chưa bao giờ thấy Lam bị rơi như trong Nắng lên. Người nghe vốn lâu nay vẫn hiểu và phục những phá cách, những sự ngô nghịch trong lối thể hiện của Thanh Lam… Nhưng sau Ru mãi ngàn năm, đã chợt hiểu ra rằng, cảm xúc cũng có ngưỡng của nó… Cái tôi của Lam vẫn lãnh đạo, vẫn hát theo mình, không màng ngó ngàng đến xung quanh, dù cái xung quanh ấy có thể hùng hậu như là một dàn nhạc giao hưởng hoặc một đội trống dân tộc chẳng hạn. Lam phăng phăng hát theo đường Lam, mặc nhạc vô tư chạy theo đường nhạc. Chọn một dòng nhạc mới, nhưng Lam không hòa mình theo những yêu cầu của nó mà vẫn thỏa mãn cái tôi của chính mình. Với cá tính “diva” như thế, Lam sẽ vẫn là Lam thôi, nhưng sẽ gạt bỏ qua nhiều cơ hội vươn lên những đỉnh cao khác trong sự nghiệp ca hát của mình.
 
Xa rời Phương Đông là từ bỏ một Quốc Trung xây dựng vốn thẩm mỹ trong văn hóa hát của Lam; một Thanh Phương nắm rõ ngóc ngách giọng hát Lam để thu thanh một cách sạch sẽ nhất đồng thời bám sát với từng tiếng thở dài bằng tiếng guitar thùng tinh tế; một Ngọc Quân săn lùng những âm thanh bộ gõ lạ lẫm. Việc sở hữu riêng một Lê Minh Sơn từ hai ca sĩ mới Ngọc Khuê và Tùng Dương, hát lại một vài ấn tượng đã có của họ, năng lực tiếng hát Lam trở lại chỉ có vậy? Những gọt giũa của giọng hát đâu, những tìm tòi đất nhạc đâu? Chỉ vài năm trước, mỗi lần album mới của Lam đều là những tìm tòi sâu nhất, những sự cấp tiến hiện đại nhất đem lại cho người nghe, đồng nghiệp một luồng mạch âm nhạc mới về mảnh đất luôn thừa những sự giông giống na ná lẫn nhau. Lam là số một thì hãy là bản sắc độc tôn của mình đi. 
 
Nắng lên rồi, mây trắng bay về đâu thì bay… Chỉ mong Lam cho tiếng hát mình ở lại./.


From the same category