Nắng hạn, hàng ngàn hộ dân bắc Tây Nguyên khát nước

Ông Trần Văn Chương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: Tính đến ngày 9/3, toàn tỉnh đã có trên 1.000 ha cây trồng bị khô hạn, ước tính thiệt hại lên tới 77 tỉ đồng.


Trong tổng số diện tích cây trồng bị khô hạn thì lúa nước đang bị thiệt hại nặng, chiếm trên 800 ha; còn lại là các loại cây trồng khác, như cà phê, bắp và đậu các loại…

Người dân phải đi lấy nước mương về dùng trong gia đình.

Tình hình khô hạn tại địa phương được dự báo là sẽ còn khốc liệt hơn trong những ngày tới, khi mực nước ở các hồ, đập thủy lợi đang trong tình trạng ngày càng khô kiệt.

Nguyên nhân tình trạng khô hạn là do lượng mưa năm 2012 rất thấp, lượng nước chứa trong các hồ, đập không nhiều, chiếm khoảng 60 đến 70% lượng nước.

Hiện tại, lượng nước ở nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh này đã khô kiệt. Một số hồ đã trơ đáy như hồ Cà Sâm (Đăk Hà), hồ Tân Điền, hồ Cà Tiên (TP. Kon Tum) mặc dù mới nửa đầu mùa khô ở Tây Nguyên.

Cũng theo ông Chương, để giải hạn, cứu nguy cho cây trồng, vật nuôi, các địa phương trong tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng để mua máy bơm, hỗ trợ xăng dầu, nhân công giúp người dân chống hạn. Đồng thời, tuyên truyền huy động nhân dân đắp đập tạm ngăn suối lấy nước, đào ao hồ, thực hiện giải pháp bơm chuyền đưa nước tới đồng ruộng, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Đào hố, lọc từng ca nước

Trước tình hình khô hạn kéo dài, UBND tỉnh Kon Tum đã làm việc với chính quyền thành phố Kon Tum để bàn biện pháp đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.

Theo thống kê, tại TP. Kon Tum hiện có khoảng 300 hộ dân đã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Toàn tỉnh đã có 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và khoảng 1.000 giếng đào cạn nước.

Tại tỉnh Gia Lai, tình hình khô hạn cũng đã diễn ra trên diện rộng. UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa có công điện chỉ đạo các ngành tập trung phòng chống hạn đang gia tăng khốc liệt trên địa bàn.

Theo báo cáo mới nhất từ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hạn hán đã lan rộng ra 10 huyện, thành phố, thị xã trên của tỉnh. Cho đến nay, đã có gần 2.000 ha cây trồng vụ đông xuân bị thiệt hại do nắng hạn, ước thiệt hại đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Mực nước ở nhiều sông suối, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này đang xuống thấp. Có nơi, mực nước đã xuống thấp từ 1-2,5m, một số hồ, đập thủy lợi đã khô kiệt nước.

 

Hàng ngàn hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt 

Tình hình nắng hạn kéo dài khiến cho nhiều địa phương đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện đã có hàng ngàn giếng nước trên địa bàn tỉnh này bị cạn khô. Người dân phải đi lấy nước từ các sông, suối về dùng.

UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng ra quân nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình phục vụ tưới tiêu. Những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt phải tổ chức xe vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến phục vụ cho người dân…

Theo Vietnamnet


From the same category